Thành lập đoàn giám sát, xem xét trách nhiệm dự án BOT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo đó, thành viên đoàn giám sát gồm 20 người, do ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, làm trưởng đoàn.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng mời các đại biểu tham gia hoạt động của đoàn giám sát gồm Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu, đường Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam...

Đoàn sẽ thực hiện giám sát tình hình thực hiện các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Cụ thể phê duyệt chủ trương đầu tư; lập tiền khả thi và khả thi; đấu thầu; khai thác và vận hành (phí và lộ trình tăng phí)... Trong đó, chú ý tính công khai, minh bạch, hợp lý khi phê duyệt chủ trương đầu tư, lập khảo sát thực tế, lập dự toán, giám sát chất lượng thiết kế - thi công, cân bằng lợi ích các bên trong xác định mức phí, chống thất thoát thu phí.

Dự án BOT tuyến Hà Nội - Hải Phòng có mức đầu tư rất lớn ở Việt Nam. Ảnh: VIẾT LONG
Dự án BOT tuyến Hà Nội - Hải Phòng có mức đầu tư rất lớn ở Việt Nam. Ảnh: VIẾT LONG)

Mục đích của giám sát là rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo mô hình BOT. Đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung trên trong giai đoạn 2011-2016. Đặc biệt là kết quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua trái phiếu chính phủ cho tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2016…
Qua giám sát sẽ xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan. Đồng thời đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, kiến nghị để hoàn thiện các hình thức đầu tư khác như hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng - chuyển giao (BT)… nếu có.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định… việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, dư luận bức xúc.

Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát chuyên đề gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017).

Theo Plo

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thanh-lap-doan-giam-sat-xem-xet-trach-nhiem-du-bot-a158823.html