Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết công tác tư pháp năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016, công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; việc phối hợp giữa Bộ, ngành Tư pháp với một số Bộ, ngành khác được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ tư pháp được tăng cường. Toàn ngành đã thực hiện 1.416.808 cuộc tuyên truyền cho trên 84 triệu lượt người, phát miễn phí trên 58 triệu tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện trợ giúp pháp lý 91.579 vụ việc. Việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 luật, nghị quyết (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 luật và cho ý kiến với 03 luật khác), trong đó có những dự án luật quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Năm 2016, Bộ tư pháp đã thẩm định 11.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện 659 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 95,85% so với yêu cầu. Năm 2016 hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 530.000 vụ việc với trên 29.000 tỷ đồng. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ trên 96%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác tư pháp đã có nhiều đổi mới, bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, quán triệt tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng của ngành tư pháp, tạo ra khuôn khổ ngày càng minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân, tạo điều kiện doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển. Tuy nhiên công tác tư pháp vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành đẩy mạnh công tác xây dựng gắn với thi hành pháp luật, đây vừa là công cụ để quản lý xã hội, vừa là công cụ để Nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực Nhà nước; chủ động hơn nữa trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả hơn; chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp đổi mới thể chế, nhất là thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Riêng Bộ Tư pháp, cần làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật; phải là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của thể chế, chương trình xây dựng pháp luật. Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ Tư pháp cần tham mưu, thẩm định thế nào để khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai đều phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực đó, kể cả Thủ tướng.
Bộ Tư pháp cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng dữ liệu trên phạm vi cả nước, bảo đảm công khai, minh bạch, kiên quyết chống nhũng nhiễu, tiêu cực. Quản lý, điều hành mạnh mẽ hơn về công tác thi hành án dân sự. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong đội ngũ chấp hành viên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Theo Noichinh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chong-loi-ich-nhom-trong-xay-dung-che-thuc-hien-nghiem-ky-cuong-phap-luat-a158495.html