(Pháp lý) - Không còn nhìn thấy ánh sáng sau một tai nạn khi làm nhiệm vụ, nhưng anh vẫn sống và cống hiến hết mình trên mảnh đất quê hương. Gương mặt sáng, nụ cười luôn thường trực trên môi, sự lạc quan đã giúp anh trở thành “chiến sỹ” cho một mặt trận mới: Mặt trận xóa bỏ những mặc cảm để vươn lên của những người kém may mắn!...
Đó là anh Lương Mạnh Toàn (SN 1973, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), nguyên là chiến sỹ C13, Phòng kỹ thuật Lữ đoàn 146 –Trường Sa, Khánh Hòa.
Tình yêu với Trường Sa
Lương Mạnh Toàn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 4 chị em, anh là thứ 2, mồ côi cha khi lên 6 tuổi. Đã nghèo, lại thêm thiếu vắng trụ cột là người cha, nhưng trong cái khó anh luôn quyết tâm phấn đấu trở thành người tốt cho các em mình học tập.
Anh tếu táo tâm sự: “Lúc còn nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Chỉ một mình mẹ tôi là trụ cột, một nắng hai sương chăm sóc cho anh chị em tôi. Thuở ấy, một miếng no đối với tôi thật khó, ngoài lúc học hành tôi và các anh chị em lúc nào cũng chân sắn đến bẹn bì bõm lội đồng phụ mẹ. Lúc ấy, tôi luôn khao khát có một bữa no. Có lẽ vì thế mà tôi quyết tâm vào lính để cho mẹ yên lòng…”.
Tháng 2/1992, khi tròn 18 tuổi, xếp bút nghiên anh tình nguyện xa gia đình để vào quân ngũ. Sau khóa huấn luyện ở Trường Kỹ thuật tăng thiết giáp-Ninh Bình, anh được điều về Lữ đoàn 146-Trường Sa. Những ngày đầu đến với nơi đầu sóng ngọn gió, nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ những bạn bè xưa như cồn cào theo những con sóng đôi khi chồm lên như che lấp cả tầm nhìn.
Nhưng sâu hơn nỗi nhớ, là tình yêu với Trường Sa đã giúp anh vượt qua khó khăn, gắn mình với công việc bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị phục vụ chiến đấu ở trên đảo. Vẻ vang với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Người lính đảo không ngại khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đã trở thành một sỹ quan trẻ luôn được đồng đội quý mến.
Vượt khó
Nhưng rồi niềm vui, bao khát khao của người lính trẻ bỗng vụt tắt. Một buổi sáng tháng tám năm 1998, trong khi anh đang sữa chữa vũ khí thì bị một vật kim loại bắn vào mắt, sau khi cảm giác buốt nhói ban đầu, mắt anh bị mờ đi rất nhanh. Mặc dù được các bác sỹ Bệnh viện 175 của Quân đội tận tình cứu chữa, nhưng sau bốn tháng điều trị, bác sỹ đã kết luận mắt anh đã bị thoái hoá võng mạc vì vết thương để quá lâu. Anh đã không còn nhìn được.
Những mất mát bất ngờ khiến trước mắt anh chỉ còn là bóng đêm và giấc mơ mang theo của một thời ánh sáng từng là điều có thật. Đã có lúc anh nghĩ mình chỉ là gánh nặng của gia đình và xã hội. Đã có khi anh không muốn cố gắng nữa. Và có nhiều đêm anh vùi mình trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.
“Cảm giác bỗng dưng không còn nhìn thấy vạn vật xung quanh khiến tôi hoàn toàn suy sụp”, Lương Mạnh Toàn chia sẻ.
Lúc ấy, được sự động viên, giúp đỡ của người thân, Toàn được vào làm bảo vệ cho một trường học với đồng lương ít ỏi. Anh kể: “Hồi đó, niềm háo hức, vui sướng của tôi khi được tiếp tục làm người có ích cứ lâng lâng. Mặc dù mỗi khi can ngăn lũ học trò ngổ ngáo đánh nhau khiến tôi bị chúng đánh lại đến bầm tím cả người”.
Nhưng công việc ấy cũng chẳng được bao lâu, sau một vài lần có “va chạm” với thầy hiệu trưởng, Lương Mạnh Toàn đã chủ động xin nghỉ việc vì cảm thấy bị xúc phạm. Lúc này, Toàn lại có cảm giác buồn lắm. Rồi một ngày, anh nghe thấy trong tim mình có tiếng sóng biển nơi tuyến đầu Tổ quốc. Tiếng sóng ấy như đã mang theo hơi ấm của tình đồng đội, tình yêu và danh dự của người lính biển. Như nhắc nhở anh không thể đầu hàng trước mọi khó khăn và không thể im lặng với những tình thương yêu của gia đình, bạn bè vẫn lặng lẽ dành cho anh. Và anh đã đứng lên bước vào một cuộc đời mới.
Phẩm chất kiên cường của người lính đảo
Với bản lĩnh của một người lính, phẩm chất tốt đẹp của Lương Mạnh Toàn đã cho anh những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Bằng trái tim yêu thương, một tình yêu nồng nàn, cô giáo Đào Thị Vĩnh sinh năm 1976, người cùng huyện, vượt qua mọi rào cản từ gia đình, người thân cho anh niềm tin cuộc sống, người đã và sẽ mang lại nguồn sáng kỳ diệu theo anh đến trọn đời.
Năm 2006, anh được kết nạp vào Hội người mù của tỉnh Vĩnh Phúc, vào hội anh nhận thấy đây là ngôi nhà chung của những người không may bị mất đi nguồn ánh sáng như anh. Về với Hội, anh được hòa nhập với bạn bè cùng cảnh ngộ, với những sẻ chia vui buồn trong cuộc sống…và trong quá trình tham gia hoạt động phong trào anh cảm nhận được rằng còn có nhiều người bị mù bẩm sinh, họ còn thiệt thòi hơn anh rất nhiều mà họ vẫn lạc quan yêu cuộc sống. Vì vậy, anh đã vươn lên tìm lại chính mình và giúp đỡ những người đồng cảnh như anh.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”. Vào Hội anh được tham gia phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Qua đó anh được tiếp cận với chữ Brai dành cho người mù, nhờ có chữ Brai đã giúp anh tham gia nhiều khóa học như: Học công nghệ thông tin do tỉnh hội người mù tỉnh vĩnh phúc tổ chức. Lớp học quản lý hội tại trung ương hội. Và để đáp ứng yêu cầu công việc anh tham gia lớp học quản lý hành chính do trường chính trị tỉnh tổ chức, hưởng ứng phong trào “chủ động vươn lên hoà nhập cộng đồng” do Trung ương Hội người mù Việt Nam phát động.
Anh tham gia vào các phong trào của cộng đồng như hiến máu tình nguyện, tham gia đại hội thể dục thể thao người khuyết tật hàng năm, đã mang lại cho anh nhiều phần thưởng cao quý như 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng nhưng phần thưởng quý giá nhất đối với anh là được giao lưu hòa nhập với cộng đồng¸ đồng thời cùng với cán bộ hội đưa các hoạt động của huyện hội Vĩnh Tường đi lên trên mặt trận mới.
Năm 2007, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội người mù Vĩnh Tường. Thời gian này, hoạt động của Hội mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với phẩm chất của người lính anh cùng Ban Lãnh đạo Hội tổ chức sôi nổi nhiều hoạt động và trở thành điểm sáng trong các phong trào của tỉnh. Và phong trào gây quỹ chăm sóc đời sống Hội viên do anh phụ trách là một thí dụ sinh động cho ý chí vươn lên. Anh là một cán bộ rất năng nổ, tâm huyết, lăn lộn với các phong trào, góp phần giúp những người đồng tật xóa đi mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Năm 2011, anh được bầu vào Ban Chấp hành hội bảo trợ người tàn tật huyện Vĩnh Tường. Thấu hiểu nỗi khát khao và nguyện vọng của anh chị em khuyết tật, anh tham mưu, đề xuất với các tổ chức đoàn thể thành lập Câu lạc bộ thanh thiếu niên khuyết tật huyện Vĩnh Tường do anh làm chủ nhiệm. Với những dự định của anh là mong muốn sau này nếu có điều kiện CLB tổ chức được một lớp dạy xóa mù chữ cho hội viên và có máy vi tính để tạo cơ hội cho người khuyết tật có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin mở rộng tầm nhìn ra xã hội.
Ngoài ra, với người khuyết tật, Lương Mạnh Toàn như một người anh cả luôn chăm lo, dìu dắt họ đứng lên mạnh mẽ. Hàng ngày, ngoài lúc anh lao động, cống hiến, thời gian còn lại anh luôn giành để tư vấn cho những người khuyết tật trên địa bàn huyện về pháp luật, chính sách. Hiện nay, CLB người khuyết tật huyện Vĩnh Tường do anh phụ trách có 48 thành viên, có khoảng 37 người có việc làm thường xuyên. Hội người mù huyện Vĩnh Tường có hơn 200 thành viên, những người đang ở độ tuổi lao động đều được anh giới thiệu làm các công việc như: làm tăm, làm chổi, may, tẩm quất… đi hát ở các đội văn nghệ. Thu nhập của những thành viên này trung bình 2 triệu đồng/ tháng.
Lương Mạnh Toàn vui mừng tâm sự: “Mới đây nhất, khi nghe tin anh em đang tập huấn để chuẩn bị ra đảo Trường Sa vì Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam. Sau 15 năm, tôi dã trở lại đơn vị cũ của mình. Tự hào hơn, tôi có thể gửi gắm với các đồng đội thân yêu ngày đêm canh giữ biển 500 gói tăm để động viên tinh thần: Ở đất liền, chúng tôi luôn hướng về các anh!”.
Trần Đức
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vi-anh-la-nguoi-linh-dao-a158223.html