Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão và “góc nhìn thẳng” với hoạt động của Quốc hội

(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIV vừa trải qua 2 kỳ họp đầu tiên được dư luận đánh giá là có nhiều đổi mới để phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn thẳng của ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì Quốc hội vẫn cần tiếp tục khắc phục một số điểm bất cập để hoạt động hiệu quả hơn nữa, đáp ứng được mong mỏi của cử tri.

Cần tiếp tục đổi mới

Phóng viên: Thưa ông, theo dõi 2 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, ông thấy có những điểm mới nào?

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Ông Vũ Mão: Qua theo dõi ở 2 kỳ họp, tôi thấy có nhiều điểm mới.

Kỳ họp thứ nhất, tôi ấn tượng về việc tuyên thệ. Kế thừa kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII, trong quá trình bàn giao các chức vụ lớn đã diễn ra nghi thức tuyên thệ. Chủ tịch Quốc hội và nhiều vị trí chủ chốt khác như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tuyên thệ. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo cam kết hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã thể hiện tinh thần dân chủ, tạo không khí tranh luận, tạo hứng khởi cho ĐBQH tham gia thảo luận và góp ý kiến. Kỳ họp này, hoạt động chất vấn có nét mới là tạo điều kiện để ĐBQH giơ phiếu phát biểu, xin tranh luận khi thấy các Bộ trưởng trả lời chất vấn chưa đến cùng sự việc. Đồng thời, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã nghiên cứu phương thức hoạt động của Quốc hội và có những đề xuất tốt như Quốc hội không chỉ làm việc trong 8 giờ mà có thể làm ngoài giờ để có thời gian bàn sâu, bàn kỹ về nhiều vấn đề của đất nước.

Là người quan tâm góp tiếng nói phản biện, tiếng nói xây dựng để Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn, theo cá nhân ông, ở hai kỳ họp vừa qua còn có những vấn đề gì mà Quốc hội cần tiếp tục có sự đổi mới?

Tôi nhận thấy Quốc hội còn dành thời gian cho thảo luận ở tổ quá nhiều, thời gian thảo luận ở nghị trường và thời gian chất vấn, trả lời chất vấn là quá ít nên một số vấn đề cần thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn chưa sâu, chưa đúng ý nguyện của cử tri.

Liệu ta có nên thiết kế, chất vấn trước, sau đó thảo luận sau? Cách làm đó vừa tiết kiệm thời gian, tránh trùng lặp và từ đó Nghị quyết của Quốc hội sau kỳ họp sẽ sắc bén và gần với đời sống hơn.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân)

Phần chất vấn tại hội trường, cá nhân tôi cho rằng số ĐBQH chất vấn sắc sảo đạt khoảng 30%, chất vấn ở mức trung bình khoảng 50%, 20% số ý kiến còn dài dòng. Về phần trả lời của các Bộ trưởng, cá nhân tôi cho rằng, các vị Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn đã có nhiều cố gắng. Nếu đánh giá chất lượng thì theo cá nhân tôi là ở mức 50-60%. Còn về chất lượng trả lời chất vấn (theo ý kiến cá nhân tôi) của Thủ tướng đạt mức 80%.

Theo tôi, Thủ tướng đã trả lời thẳng thắn, nhưng có thể do không đủ thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ trình bày một cách sâu sắc hơn.

Tôi đề cao ý kiến của Thủ tướng nêu kiên quyết xử lý các công trình lãng phí… Nhưng tôi cho rằng, nếu Chính phủ đưa ra được các giải pháp cụ thể hơn và phương hướng, đồng thời hứa sẽ thông tin cho báo chí sau đó thì sẽ thuyết phục cử tri hơn.

Do không đủ thời gian, nên một số nội dung chất vấn được chủ tọa chọn giải pháp là trả lời bằng văn bản. Đây vẫn là cách làm cũ và như thế thì làm sao đi đến cùng được? Theo tôi, chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung vô cùng quan trọng, nhân dân cả nước chờ đợi. Chính vì thế, cần phải chọn ra những vấn đề cốt lõi nhất. Vừa qua, tuy nói là đã chọn lọc nhưng cá nhân tôi nhận thấy một số vấn đề vẫn còn rộng nên bị phân tán.
Để ĐBQH có trách nhiệm hơn trong hoạt động lập pháp

Có ý kiến cho rằng, Quốc hội khóa XIV đang quyết tâm đổi mới, đi vào thực chất trong từng hoạt động, trước tiên là hoạt động xây dựng pháp luật. Quốc hội đã nhìn rõ những hạn chế của mình thể hiện trong lập pháp và có điều chỉnh tại Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Ông đánh giá gì về hoạt động này của Quốc hội và có ý kiến gì để Quốc hội cải thiện hoạt động lập pháp?

Theo tôi, Quốc hội đã có nhiều cải thiện trong hoạt động lập pháp. Quốc hội đã nhìn nhận rõ những hạn chế trong xây dựng pháp luật như có sai sót trong việc thông qua một số đạo luật quan trọng, luật khung, luật ống dẫn đến việc nhiều Bộ, Ngành ban hành văn bản hướng dẫn, mang tính cục bộ, chứa đựng lợi ích nhóm của Bộ, Ngành...

Hiện nay, trong Lập pháp dù Hiến pháp đã có quy định là ĐBQH có quyền sáng kiến luật. Tuy nhiên, hiện nay ở ta các sáng kiến pháp luật chủ yếu do Chính phủ và các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) đưa ra.

Bởi vậy theo tôi cần có cơ chế để ĐBQH có quyền sáng kiến luật, để ĐBQH có trách nhiệm nhiều hơn trong lập pháp.

Tiếp đến phải khắc phục những điểm yếu trong quy trình làm luật. Thời gian gửi các dự án luật từ cơ quan soạn thảo sang đến Ủy ban và và Quốc hội theo chương trình quá ngắn. Đồng thời, trong quy trình làm Luật có yêu cầu lấy ý kiến của cử tri nhưng cử tri chưa thật sự được cho ý kiến, việc lấy ý kiến qua loa, việc thẩm tra của Ủy ban của Quốc hội còn vội vàng nên luật được thông qua vẫn còn hạn chế, sai sót.

“Quốc hội tranh luận”

Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân có quyết tâm chuyển hoạt động “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội tranh luận”. Theo ông việc này có khó khăn?

Theo tôi chuyển từ tham luận sang tranh luận là phương thức hoạt động được định hướng của Quốc hội. Bản chất là để thực hiện tốt vai trò của Quốc hội trong lập pháp và giám sát. Tôi nhận thấy Quốc hội có nhiều cố gắng, nhưng cử tri chưa thỏa mãn.

Trong cả 2 nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là lập pháp và giám sát, có nhiều vấn đề rất quan trọng nhưng khi đưa ra có rất ít tranh luận, rồi hậu tranh luận thì sản phẩm là các ý kiến, kiến nghị, giải pháp vẫn chưa triệt để.

Nâng cao chất lượng giám sát và hiệu quả chất vấn

Trước đây, trong một lần trao đổi, ông có góp ý để Quốc hội hoạt động hiệu quả trong kỳ họp đòi hỏi các Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội phải chuẩn bị trước kì họp rất kĩ lưỡng. Ông đánh giá gì về hoạt động trên của các Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội trong kỳ họp vừa rồi? Và có kiến nghị gì ?

Đúng vậy. Việc chuẩn bị kĩ lưỡng trước họp, có ý nghĩa quan trọng quyết định chất lượng kì họp. Ở 2 kỳ họp đầu của Quốc hội khóa XIV, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban đã rất cố gắng. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn có nhiều bất cập trong hoạt động này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) chất vấn tại kỳ  họp thứ hai,  Quốc hội khóa XIV
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV)

Chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp. Tuy nhiên có những văn bản pháp luật gửi đến các Ủy ban để thẩm tra trong thời gian quá ngắn dẫn đến không đủ thời gian xem xét đầy đủ các khía cạnh khác nhau của luật.

Các ủy ban của Quốc hội còn thực hiện nhiệm vụ giám sát. Thế nhưng thời lượng giám sát còn nhiều hạn chế. Việc kiểm soát quyền lực ở Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội rất quan trọng. Nếu buông lỏng trong khâu này thì hậu họa sẽ rất lớn. Tôi lấy ví dụ hiện tượng ở Bộ Công thương mà dư luận đã nêu thì trách nhiệm giám sát là của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tuy nhiên có thể do trình độ, tâm tầm chưa cao nên giám sát chưa hiệu quả. Thế nên các cơ quan của QH chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri trong một số nội dung.

Thưa ông, dù đã có nhiều cố gắng trong chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng nếu theo dõi, cử tri vẫn thấy có một số vấn đề của đất nước tồn tại hết kì họp này đến kỳ họp khác mà vẫn tồn tại?

Đó là hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Giám sát chưa đủ để kiểm soát quyền lực. Theo tôi, có nhiều lý do. Đầu tiên là cơ chế, chính sách.

Theo tôi vấn đề hạn chế là do cơ chế chính sách, Luật của ta chưa tạo ra được cơ chế để cả xã hội giám sát quyền lực. Tiếp đó, trong giám sát Quốc hội và sản phẩm kết quả thảo luận còn hạn chế, nhiều hoạt động thì kết luận chưa mạch lạc, rõ ràng. Những vấn đề thảo luận chưa đi đến cùng.

Chẳng hạn như vấn đề tham nhũng, đất nước ta hiện tượng tham nhũng quá nhiều. Theo tôi Quốc hội cũng có tồn tại trong giám sát quyền lực để nạn tham nhũng tràn lan.

Quốc hội vì dân

Quốc hội trở nên gần gũi với người dân hơn, thể hiện qua việc lắng nghe, giải quyết ý nguyện của dân gửi đến kỳ họp. Không chỉ vậy còn tạo điều kiện cho hoạt động của báo chí, tuyên truyền phổ biến đến dân. Ông có nhận xét hay suy nghĩ gì về điều này?

Đó là điều tốt. Tuy nhiên ta cũng không nên tuyệt đối hóa quá mức bởi việc để báo chí vào Nghị trường và đưa tin về hoạt động của Nghị trường là việc có từ trước đó. Quốc hội “mở” đối với báo chí là tốt, nhưng theo tôi cũng cần có trao đổi báo chí để báo chí viết bài có chiều sâu hơn, từ đó đóng góp với Quốc hội nhiều hơn.

Quốc hội lắng nghe dân, và người dân đã gần hơn với Quốc hội. Tuy nhiên thực trạng cuộc sống còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Bởi vậy rất cần cơ chế để người dân đóng góp ý kiến nhiều hơn cho Quốc hội.

Tôi cũng đề xuất Quốc hội cần quan tâm đến tiếng nói của đội ngũ ĐBQH về hưu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phan Tĩnh (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguyen-chu-nhiem-vpqh-vu-mao-va-goc-nhin-thang-voi-hoat-dong-cua-quoc-hoi-a157911.html