Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016: “Nóng” những vụ chuyển hồ sơ từ cơ quan thanh tra sang điều tra...

(Pháp lý) - Năm 2016, hoạt động phòng, chống tham nhũng không chỉ “nóng” vì đã đưa ra ánh sáng, truy tố và xét xử những vụ tham nhũng “đình đám” mà còn “nóng” vì nhiều vụ việc có dấu hiệu của tội phạm xảy ra ở một số Tập đoàn, DNNN đã được cơ quan thanh tra phát hiện và chuyển sang cơ quan công an để tiến hành điều tra. Pháp lý xin điểm lại 4 vụ việc lớn năm 2016 có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra..

Từ kết quả thanh tra… cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án xảy ra tại PVC

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số đơn vị thành viên trong đó có PVC. Đơn vị này đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước. Tại rất nhiều công trình, dự án lớn của PVN mà PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công, để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách nhà nước. Năm 2013. PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng.

Trịnh Xuân Thanh – “Tác giả” của những khoản thua lỗ ngàn tỉ ở PVC
Trịnh Xuân Thanh – “Tác giả” của những khoản thua lỗ ngàn tỉ ở PVC)

Trách nhiệm đầu tiên đối với những sai phạm và thất thoát đó là của ông Trịnh Xuân Thanh. Bởi vì trong thời gian từ năm 2007-2013, ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013). Mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn được điều chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và đi xe biển xanh vượt định mức, đồng thời trúng cử ĐBQH. Dư luận lên án, ông Thanh bị kiểm tra và điều tra. Ngày 16/9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Đồng thời khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh, ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với ông này. Tuy nhiên, ông này đã bỏ trốn trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Dự án xơ sợi Đình Vũ: Dự án thua lỗ tai tiếng và dấu hiệu làm trái…

Dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến khi vận hành chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Sai phạm của dự án này được xác định từ khâu đầu tư, dự án có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Báo cáo của PVTex cho biết, tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD. Qua rà soát, cập nhật các định mức vật tư, tiêu hao, nhân công, lãi vay theo thực tế cũng như cập nhật giá nguyên liệu và sản phẩm cho thấy thời gian thu hồi vốn của dự án đã nhảy lên 22 năm 10 tháng, cao hơn tuổi thọ trung bình 1 dự án là 22 năm. Do đó dự án này được đánh giá là không có hiệu quả kinh tế.

 Vũ Đình Duy (nguyên Tổng Giám đốc PVTex)
Vũ Đình Duy (nguyên Tổng Giám đốc PVTex))

Sai phạm dẫn đến thất thoát của PVTex có nhiều lỗi thuộc về chủ quan, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ là do PVN và Vinatex là đại diện sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, dẫn đến chi phí tăng cao. Cụ thể, chi phí đào tạo lên tới 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35 triệu USD. Dự án này cũng có suất đầu tư lớn, tiến độ thi công công trình chậm, lực lượng cán bộ, công nhân lớn (thực tế tại thời điểm 30/6/2015 là 1.025 người trong khi yêu cầu của dự án là 830 người) đã làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao. Trong khi đó, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ. Bởi vậy hiện nay PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỷ đồng của nhà máy.

Trước sai phạm như vậy, tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỷ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư. Xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Hiện hồ sơ của vụ việc đã được chuyển sang Bộ Công an xem xét điều tra theo quy định.

Chuyển cơ quan điều tra 2 sai phạm lớn tại Petrolimex

Trong năm vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số đơn vị thành viên. Thanh tra chính phủ phát hiện đơn vị này có những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cụ thể, Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề với số tiền 2.255 tỉ đồng, trong đó đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định ở những hạng mục khác nhau. Như tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỉ đồng và Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex 171 tỉ đồng không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tăng vốn đầu tư 51 tỉ đồng vào Công ty CP Bất động sản Petrolimex không có sự chấp thuận của Bộ Công thương. Petrolimex cũng đã sử dụng vốn kinh doanh để đầu tư 231 tỉ đồng vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản không đúng với Nghị quyết của HĐQT.

Thanh tra Chính phủ xác định một số khoản đầu tư của Công ty mẹ hiệu quả thấp như đầu tư 178,5 tỉ đồng vào Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex và Công ty CP Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38,8 tỉ đồng vào Công ty CP Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và Công ty Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức. Ngoài ra, Công ty Xăng dầu Khu vực II dùng vốn kinh doanh cho Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang vay ưu đãi sai quy định 25 tỉ đồng; Công ty Vipco trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn 53,7 tỉ đồng không đúng quy định...

Đặc biệt, Petrolimex còn bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong việc hợp tác đầu tư tại Công ty CP Vận tải Xăng dầu Vipco (Cty Vipco) – đơn vị thành viên của Petrolimex. Cụ thể, năm 2008 ông Nguyễn Đạo Thịnh – Tổng giám đốc Vipco đã chuyển 72 tỉ đồng vào tài khoản chung do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản. Sau đó có văn bản cho phép Thiên Lộc Phú rút 20 tỉ đồng nhưng không có căn cứ, số tiền được rút ra không sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Thiên Lộc Phú. Trên thực tế, Thiên Lộc Phú cũng không có hoạt động kinh doanh. Hiện số tiền được rút ra còn 18,6 tỉ đồng đến nay không thu hồi được. Thanh tra Chính phủ xác định đây là việc làm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Cty Vipco còn được xác định đã đầu tư 56 tỉ đồng vào Công ty CP An Phú, có nguy cơ mất vốn kinh doanh do thua lỗ. Ngoài ra còn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không rõ lý do, trái nguyên tắc quản lý tài chính và không thu hồi lại được vốn. Nhận thấy có dấu hiệu tội phạm trong 2 vụ việc xảy ra giữa Vipco và Thiên Lộc Phú và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Thanh tra Chính Phủ đã chuyển Bộ Công an để tiếp nhận điều tra, xử lý những sai phạm nghiêm trọng trên.

Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu sai phạm hình sự tại TKV sang cơ quan điều tra

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2016, ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ về dấu hiệu sai phạm hình sự ở Tập ðoàn Than và Khoáng sản Việt Nam sang Bộ Công an ðể tiếp tục ðiều tra, làm rõ.

Theo ông Ngô Văn Khánh, cuộc thanh tra tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã kết thúc nhưng đây là một tập đoàn có quy mô hoạt động và khối lượng công việc rất lớn nên việc tổ chức thanh tra phải làm rất quy mô, bài bản.“Chúng tôi cũng cố gắng theo cách thức trọng tâm, trọng điểm để làm sao nói được những vấn đề về mặt được và chưa được, về cơ chế chính sách. Kết quả thanh tra bây giờ đang ở những bước trao đổi với bộ ngành, tập đoàn TKV. Trao đổi này là thông lệ, bởi đây là loại việc thực hiện theo quy định, có những việc phải lắng nghe để có kết luận thấu tình đạt lý”- ông Khánh nói.

Kết luận của TTCP về Petrolimex có nhắc đến tình trạng độc quyền của đơn vị này và chỉ ra hợp tác đầu tư đã có sai phạm làm mất vốn của nhà nước.
Kết luận của TTCP về Petrolimex có nhắc đến tình trạng độc quyền của đơn vị này và chỉ ra hợp tác đầu tư đã có sai phạm làm mất vốn của nhà nước.)

Ông Khánh khẳng định, quá trình thanh tra đã phát hiện những sự việc có dấu hiệu cấu thành tội hình sự nên Thanh tra Chính phủ đã trao đổi, thảo luận với Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra của Bộ Công an để nhận định, đánh giá. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tại TKV sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ. Vụ việc cụ thể và xảy ra ở đơn vị nào thì Thanh tra Chính phủ chưa thể chia sẻ với báo giới vào thời điểm này.

Thời gian vừa qua Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam được biết đến là đơn vị làm ăn thường xuyên gặp khó khăn và phải cắt giảm nhân sự vì nhiều lý do.

Dự án trọng điểm của Tập đoàn này là dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) Nhân Cơ (Đăk Nông) gây lỗ khoảng 37,4 triệu USD trong năm 2015. Lý do theo phía đơn vị này là do “sập bẫy” trúng thầu giá rẻ của Trung Quốc. Theo phụ lục trong Hợp đồng EPC giữa Vinacomin và nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) ngày 14/7/2008 của dự án Tân Rai, nhà thầu cam kết 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm (giá trị tương đương 20 triệu USD) so với công bố của chủ đầu tư. Kéo theo doanh thu giảm khoảng 5 triệu USD/năm.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thừa nhận kết quả tính toán mới nhất cho thấy dự án có thời gian thua lỗ trong bốn năm, nhưng sau 11 năm hoạt động thì thu hồi được vốn. Trước đó, dự án này đã được xác định sẽ lỗ trong 5 năm và hoàn vốn trong 12 năm còn dự án Nhân Cơ có kế hoạch lỗ là 7 năm, hoàn lỗ trong 13 năm.

Kết mở

Thời gian vừa qua, dư luận rất lo ngại về những dự án, công trình ngàn tỉ của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước làm ăn thua lỗ nặng nề, tổn thất vốn của nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng. Việc Thanh tra Chính phủ chuyển các hồ sơ vụ việc có dấu hiệu sai phạm lớn sang cơ quan điều tra thời gian qua là một tín hiệu cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng quyết liệt hơn từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật.

PV

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-nam-2016-nong-nhung-vu-chuyen-ho-tu-co-quan-thanh-tra-sang-dieu-tra-a157860.html