Làm giá, thao túng chứng khoán: “Điểm mặt” những sai phạm và lý giải nguyên nhân

(Pháp lý) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ra đời và đã có hơn một thập kỷ phát triển. Bên cạnh những hoạt động tích cực cho nền kinh tế, vẫn còn đó những hành vi tiêu cực ngang nhiên làm giá, thao túng cổ phiếu của không ít đại gia chứng khoán khiến cho thị trường mất đi sự lành mạnh vốn có, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán đã ra đời và đi vào hoạt động một cách có tổ chức trong hơn một thập kỷ qua. Sự tồn tại và phát triển hơn một thập kỷ qua không có nghĩa là chúng ta đã có một Thị trường Chứng khoán đủ mạnh, đủ trong sạch và lành mạnh để làm thước đo cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Ở đó, vẫn còn những điều bất cập, những lỗ hổng về hệ thống và sự quản lý của cơ quan Nhà nước đối với sự phát triển của Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Ở đó, vẫn ngang nhiên tồn tại một cách có chủ đích những hành vi thao túng, làm giá, phá giá của một số nhà đầu tư, một số đại gia trên thị trường nhằm mang lợi bất chính cho mình gây ảnh hưởng đến sự lành mạnh nói chung, thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư cá nhân nói riêng.

Chỉ tính riêng trong thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt một số trường hợp có hành vi thao túng giá chứng khoán với mức xử phạt khá cao. Ví dụ gần nhất, ông Trần Thanh Điền (địa chỉ tại Phú Lợi, Phú Lâm, Phú Tân, An Giang) bị phạt tiền 550 triệu đồng vì đã sử dụng 1 tài khoản đứng tên mình và 7 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu của CTCP Đầu tư du lịch và phát triển Thủy sản (mã DAT) nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DAT trong khoảng thời gian từ 5/11/2015 đến 8/1/2016. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra Uỷ ban chứng khoán không phát hiện được khoản lợi bất chính từ hành vi của ông Điền và nhóm nhà đầu tư liên quan.

Ủy ban chứng khoán đã xử phạt nhiều nhà đầu tư thao túng, làm giá chứng khoán  (ảnh minh họa)
Ủy ban chứng khoán đã xử phạt nhiều nhà đầu tư thao túng, làm giá chứng khoán
(ảnh minh họa))

Hay vào tháng 3/2016 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Mỹ Kim (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) số tiền 550 triệu đồng vì đã có hành vi thao túng giá chứng khoán. Cụ thể, từ ngày 17/4/2015 đến ngày 31/8/2015, bà Mỹ Kim đã sử dụng 6 tài khoản để giao dịch cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt nhằm mục đích thao túng giá.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt ông Trần Thanh Hữu, thành viên HĐQT Công ty cổ phần CMISTONE Việt nam (mã CMI) với mức phạt kỷ lục 705 triệu đồng. Ông Hữu đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu CMI trong thời gian từ 26/9/2013 đến 13/1/2014. Một số cá nhân khác cũng bị xử phạt hành chính vì hành vi thao túng giá cổ phiếu như ông Trịnh Công Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) và bà Võ Thị Thu Hằng (Pleiku, Gia Lai). Trong năm 2015, 2 cá nhân này đã lập nhiều tài khoản giao dịch tạo cung cầu ảo đối với cổ phiếu (lần lượt là NHP và DLG). Mức phạt dành cho mỗi người lên tới 550 triệu đồng.

Lý giải về nguyên nhân về tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán diễn ra khá phổ biến như hiện nay, Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng, có thể thấy hiện tượng thao túng giá trên thị trường chứng khoán hiện nay không còn xa lạ với các Nhà đầu tư, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Có thể kể ra một số nguyên nhân sau đây làm cho mức độ vi phạm ngày một tăng: Thứ nhất, thị trường chứng khoán bị thao túng bởi “một bàn tay hữu hình”: Những hành vi thao túng giá chứng khoán, mua bán chui cổ phiếu…thu lợi rất lớn nhưng mức phạt không đủ răn đe đó là “giơ cao đánh khẽ”. Thứ hai, chưa có một hệ thống giám sát độc lập: Chất lượng quản trị chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, hệ thống kiểm soát, giám sát lỏng lẻo, chưa hoạt động hữu hiệu trong khi thông tin không minh bạch làm cho hệ thống càng trì chệ, “bất lực”.

Còn Thạc sỹ, Luật sư Võ Đình Đức, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á thì có cái nhìn thận trọng hơn, Luật sư Đức cho rằng, thực trạng bất cập này xuất phát từ cả yếu tố chủ quan và khách quan của bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có những nguyên nhân cần phải lưu ý. Đầu tiên là trình độ quản lý trong lĩnh vực này của chúng ta còn chưa cao. Bản thân các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan đến thị trường chứng khoán hiện nay như Luật Chứng Khoán, Luật Doanh nghiệp mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vẫn còn tồn tại nhiều điều bất cập và tạo nên những lỗ hổng nhất định trong việc quản lý thị trường chứng khoán. Trong đó những lỗ hổng về quản lý và công bố thông tin của các nhà đầu tư, các Công ty trên thị trường chứng khoán không có sự minh bạch và công khai.

Tiếp nữa là tính công khai và xác thực của thông tin là không có hoặc nếu có thì rất thấp, mơ hồ. Như chúng ta đã biết đối với thị trường chứng khoán nói chung và các nhà đầu tư nói riêng, trên khía cạnh đầu tư tính công khai và minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng và quyết định tới chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó lại chưa có trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Các nhà đầu tư, các công ty đại chúng bắt tay và cùng nhau che giấu thông tin, không cung cấp thông tin để các nhà đầu tư tiếp cận và đánh giá thông tin. Một nguyên nhân cũng vô cùng quan trọng khác làm cho tình trạng ngang nhiên làm giá, thao túng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện nay đó chính là chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm hiện nay. Tính răn đe đối với những hành vi vi phạm thiếu sự quyết liệt, chặt chẽ từ đó dẫn tới tình trạng bất chấp, biết sai vẫn cố tình thực hiện vì lợi nhuận mang lại là vô cùng lớn trong khi việc xử lý lại như “Muối bỏ bể”, không thấm vào đâu so với lợi ích họ nhận được. Bên cạnh đó còn có các yếu tố về người liên quan, yếu tố về thị trường và các cơ quan quản lý buông lỏng trong quá trình quản lý gây nên những bất cập đáng tiếc nói trên mà chúng ta không thể một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được.

Lạc Sơn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lam-gia-thao-tung-chung-khoan-diem-mat-nhung-sai-pham-va-ly-giai-nguyen-nhan-a157857.html