“Dĩ dân vi bản” – gốc của mọi vấn đề

(Pháp lý) - “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước…”, sáng 7/4, Thủ tướng Chính phủ đắc cử Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức. Hơn 250 ngày trôi qua, dõi theo bước chân Thủ tướng qua những chuyến vi hành, những cuộc tiếp xúc với người dân lao động và công nhân trong mọi hoàn cảnh, ở mọi miền đất nước đã cho ta cảm nhận về một vị Thủ tướng “dĩ dân vi bản”…

“Thủ tướng thật gần gũi, mộc mạc”

Lâu lắm rồi kể từ khi non sông liền một dải, người dân mới chứng kiến được vị Thủ tướng bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn dành thời gian vi hành đến tận “hang cùng ngõ hẻm” để lắng nghe, giải tỏa nỗi bức xúc của người dân và dư luận mong mỏi. Đi thị sát chợ đầu mối Long Biên ngày 27/9 (TP.Hà Nội) từ tờ mờ sáng hay bất chấp trời mưa to (8/10) Thủ tướng vẫn đến kiểm tra đột xuất một cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh; ghé vào quán phở “bình dân” ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) để ăn sáng và cùng cảm nhận ly cà phê đen đá 8.000 đồng (mà dân lao động thường hay uống), Thủ tướng mộc mạc khen: “Cà phê được đấy !”; sẵn sàng xin lỗi và mong người dân thông cảm “vì không biết mình đi bộ (ở phố cổ Hội An – PV) hàng cây số rồi mà xe ô tô vẫn đi phía sau”…

[caption id="attachment_157766" align="aligncenter" width="577"]Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức[/caption]

Cách xuất hiện đầy bất ngờ và rất mực gần gũi, chân thành khiến không gian những nơi Thủ tướng xuất hiện như hòa nhập làm một, không còn khoảng cách giữa một vị Thủ tướng với người dân lao động. Cảm xúc trước việc Thủ tướng ngồi trên một chiếc ghế xoay giản dị giữa sân nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai để cùng mình giao lưu hỏi han đời sống và việc làm của công nhân, anh Vũ Duy Thơ thốt lên: “Thủ tướng thật gần gũi, mộc mạc !”. Trong vòng vây và những tràng vỗ tay không ngớt, Thủ tướng đã không ngần ngại bước xuống tận chỗ ngồi của hàng ngàn công nhân, khi một nữ công nhân nói: “Thủ tướng ở xa quá”, để cùng lắng nghe chia sẻ và đối thoại. Trong giây phút đó, trong lòng anh Thơ và mọi người cảm nhận chưa bao giờ có một Thủ tướng gần gũi với người lao động đến vậy.

Tất nhiên để nhận thấy được hết những nỗ lực ấy mang lại kết quả tới đâu cần phải có thời gian nhưng, những ngày vừa qua, sự thân thiện, bình dị và cởi mở của Thủ tướng đã thực sự chạm tới trái tim nhiều người.

[caption id="attachment_157767" align="aligncenter" width="601"]Giao lưu với công nhân 8 tỉnh thành phía Nam Giao lưu với công nhân 8 tỉnh thành phía Nam[/caption]

Xưa Nguyễn Trãi từng cho rằng dân như nước, chính quyền, chế độ, nhà nước như thuyền, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền. Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Theo Người, Nhà nước do dân là Nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra, do dân ủng hộ, xây dựng giúp đỡ, đóng thuế để có cái chi tiêu, hoạt động. Do đó, Người yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào dân, liên hệ mật thiết với dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của dân. Nếu các cơ quan đó không đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng của dân thì dân có quyền bãi miễn.

Hơn ai hết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hiểu rằng nước lấy dân làm gốc; gốc có vững cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Đó cũng chính là kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng truyền thống của cha ông ta: “Dĩ dân vi bản”. Nhà nước vì dân là Nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh.

[caption id="attachment_157768" align="aligncenter" width="629"] 5 giờ sáng đi thị sát chợ rau quả Long Biên (Hà Nội)
5 giờ sáng đi thị sát chợ rau quả Long Biên (Hà Nội)[/caption]

Vẫn biết rằng gần dân không phải là ngồi bên cạnh dân, mà làm việc vì dân, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư của dân. Tuy nhiên, bất cứ nội dung nào cũng chứa đựng một hình thức và ngược lại. Đến với dân, ngồi bên cạnh dân, lắng nghe dân nói lời nói trực tiếp, đó là hình thức và cũng là nội dung mà chúng ta tin Thủ tướng đương nhiệm đang hướng tới trong suốt nhiệm kỳ của mình.

“Dĩ dân vi bản” là gốc của mọi vấn đề

Lãnh đạo càng gần dân, càng quý trọng tiếng nói của dân thì chắc chắn bước đột phá của đất nước, của địa phương càng mạnh mẽ. Tuy nhiên thời gian qua bên cạnh nhiều cán bộ lãnh đạo không ngại đi cơ sở nắm bắt tình hình và lắng nghe ý kiến của dân, vẫn có không ít cán bộ trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý còn vô cảm trước khó khăn của dân, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền … làm giảm sút lòng tin của người dân với Đảng. Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận ngày 27/5 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội…”.

[caption id="attachment_157769" align="aligncenter" width="655"] Cùng uống cà phê đen đá 8.000 đồng ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh)
Cùng uống cà phê đen đá 8.000 đồng ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh)[/caption]

Trong Nhà nước của dân thì dân là chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước phải hình thành thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của dân. Với nghĩa đó, các đại biểu do dân cử ra chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc”, “đầy tớ” của dân. Thế nhưng nhiều công bộc đã quên điều đó, lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân, từ đó sinh ra lộng quyền, cửa quyền và tạo ra những cơn khát quyền lực, đẻ ra bao chuyện đau lòng, khiến người dân ngại tiếp xúc.

Lâu nay người ta đã nói nhiều đến hai từ “gần dân”. Nhưng thực tế, nhiều vị lãnh đạo rất xa dân, xa dân ngay từ trong lòng mình. Hãy nhìn vào hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự thân thiện gần gũi không có khoảng cách giữa Thủ tướng với người dân qua những chuyến vi hành… để những công bộc tự soát xét lại mình, tự hỏi xem đã bao giờ mình đã thân chinh đến tận “hang cùng ngõ hẻm” để tìm hiểu đời sống của người lao động, lắng nghe và thấu hiểu được nỗi khổ của người dân chưa.

[caption id="attachment_157770" align="aligncenter" width="598"] “Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp”  và “không hình sự hóa các quan  hệ kinh tế”
“Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp” và “không hình sự hóa các quan
hệ kinh tế”[/caption]

Điều đọng lại sau những chuyến vi hành, những cuộc tiếp xúc không có khoảng cách giữa người dân và Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc không đơn giản là câu chuyện “đẹp” về hình ảnh một vị nguyên thủ, mà cho ta một cảm nhận lớn lao hơn. Chính phủ nhiệm kỳ mới đã và đang nỗ lực để thực sự gần dân, sâu sát với cuộc sống của nhân dân hơn. “Dĩ dân vi bản” là cái gốc của mọi vấn đề, nhất là trong vai trò của một người trực tiếp điều hành bộ máy Chính phủ, muốn cho guồng máy hoạt động suôn sẻ và có hiệu quả, Thủ tướng hiểu rằng không thể thoát ly quan điểm cận dân. Hay nói cách khác, muốn xây dựng thành công một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân như Thủ tướng đã tuyên thệ, trước hết phải xây dựng và đổi mới phong cách làm việc của lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở thực sự dân chủ, gần dân, trọng dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Chính phủ ta là một Chính phủ làm đầy tớ của dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, cán bộ đảng viên phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục”.

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/di-dan-vi-ban-goc-cua-moi-van-de-a157765.html