(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIV đã trải qua 2 kỳ họp mang đậm dấu ấn của một Quốc hội đổi mới, vì dân. Quốc hội đã tiến hành giải quyết nhiều nội dung thuộc thẩm quyền, chức năng của Quốc hội và được cử tri đánh giá cao.
Tuyên thệ trang trọng
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV chủ yếu xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Theo đó, công tác nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng quy định của pháp luật, triển khai chặt chẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đạt tỷ lệ tán thành cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ. Đặc biệt, sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện thủ tục tuyên thệ, thể hiện mạnh mẽ sự quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
[caption id="attachment_157742" align="aligncenter" width="682"] Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ trang trọng và trách nhiệm[/caption]
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ: “Tôi, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Phát biểu trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV. Với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao trước đồng bào, cử tri cả nước, trên cương vị là người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, tôi sẽ cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tất cả các đại biểu Quốc hội khóa XIV phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, thực hiện có hiệu quả các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nguyện: “sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội phấn đấu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội để Quốc hội ta thật sự là một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước."
Đặt ra yêu cầu cao hơn trong công tác lập pháp
Cũng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Từ những hạn chế, Quốc hội đã đặt ra yêu cầu cao hơn trong hoạt động lập pháp. Theo đó, phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tại kỳ họp thứ nhất nhiều ĐBQH đã thẳng thắn nhìn nhận hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên, quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, cá biệt có văn bản vẫn còn sai sót phải lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi, việc triển khai thực hiện luật trong nhiều trường hợp vẫn còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đưa ra đề nghị đối với Quốc hội và Chính phủ. Đó là Quốc hội cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hơn việc thực hiện nghị quyết của mình. Trường hợp dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không bảo đảm chất lượng thì kiên quyết không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình và cơ quan soạn thảo có dự án luật, pháp lệnh không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng.
Đại biểu phân tích, về hồ sơ, tài liệu, thời gian gửi hồ sơ, tài liệu, thành phần tham gia,... đều không đảm bảo được các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện tiếp sau đó dẫn tới những hậu quả, sai sót đáng tiếc trong thời gian qua.
Vì vậy, để khắc phục tồn tại này, đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì bên Chính phủ là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm định ở bên Quốc hội và đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Lưu ý đến những điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đại biểu Quốc hội trong việc lập, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, dự kiến nguồn lực và điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua.
Theo đó, tập thể Quốc hội quyết định chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, xác định rõ thứ tự ưu tiên của các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh Chương trình...
Tại Kỳ họp thứ 2 hoạt động lập pháp đã đổi mới luôn. Việc đổi mới này bám sát các quy định về trình tự thủ tục và theo quy định của pháp luật. Trong từng nội dung, Đoàn Chủ tịch đã có những cách thức tổ chức điều hành công việc phù hợp, hiệu quả. Ghi nhận trong phần thảo luận các dự án luật tại hội trường, có sự tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội và Trưởng ban soạn thảo dự án Luật. Đây là sự đổi mới cần thiết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Quốc hội tham luận sang tranh luận
Việc chuyển từ tham luận sang tranh luận không chỉ thấy trong hoạt động lập pháp. Tại Kỳ họp thứ 2, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tổ chức khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn có tính tranh luận cao. Đây là Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiến hành hoạt động này theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều khiển phiên họp.
[caption id="attachment_157744" align="aligncenter" width="683"] Quang cảnh một phiên họp của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV[/caption]
Căn cứ vào quy định của pháp luật, cách thức tiến hành chất vấn lần này được kế thừa và đổi mới theo hướng lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành của "ai thì người đó sẽ trực tiếp trả lời". Việc chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng nhằm giải quyết vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân. Ngoài ra, các chất vấn khác mà nằm ngoài vấn đề, Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ cũng sẽ tiếp nhận và trả lời bằng văn bản sau cho đại biểu Quốc hội. Như vậy, vấn đề chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi; các đại biểu đã tập trung hỏi những vấn đề rất cốt lõi, "nóng bỏng" của đất nước và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã trả lời cô đọng, đầy đủ, trách nhiệm. Ngoài ra, sau hoạt động chất vấn, Quốc hội còn ban hành Nghị quyết để nâng cao năng lực điều hành, thi hành Nghị quyết của Quốc hội và có cơ sở để các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Quan tâm đến ý nguyện cử tri
Những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến ý nguyện của cử tri. Tại Kỳ họp thứ 2, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo đó, đã Xử lý 914 kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội. Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó tập trung chủ yếu vào 08 nhóm vấn đề chính là: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính và ngân sách; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, quản lý xây dựng; tài nguyên và môi trường; xây dựng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
[caption id="attachment_157745" align="aligncenter" width="581"] Cử tri ấn tượng về việc trả lời chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc[/caption]
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khẳng định, toàn bộ 914 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết và tính đến hết ngày 30/9/2016 đã có đầy đủ 914 văn bản trả lời gửi đến các cử tri đúng quy định (đạt tỷ lệ 100%).
Theo đó, trong giám sát, một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát như: giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh... Trong các hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch giám sát gắn với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và với những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm. Các kết luận giám sát cũng rất thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế, từ đó yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.
Ấn tượng trả lời chất vấn...
Phiên chất vấn sôi động được cử tri cả nước theo dõi. Đó là phiên chất vấn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, quyết tâm và hành động, phần báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ được các đại biểu đánh giá cao. Chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội dành cho Thủ tướng Chính phủ đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, những vấn đề nóng và phạm vi rất rộng, từ câu chuyện kỷ cương kỷ luật công vụ lỏng lẻo, sử dụng lãng phí tài sản công cho tới quan điểm của Chính phủ trước khả năng Mỹ có những thay đổi trong chính sách đối với Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề ô nhiễm môi trường Formosa…
Đánh giá phần trả lời chất vấn, ĐB Dương Trung Quốc (Thái Bình) cho rằng, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn rất thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề ĐB nêu. Theo ĐB Quốc, đây là phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của nhiều vị tư lệnh ngành cũng như Thủ tướng nhưng có thể thấy, không có hiện tượng câu giờ, kéo dài thời gian mà các thành viên Chính phủ đã trả lời rất thẳng thắn vào từng vấn đề. Theo ĐB Quốc, sau 2,5 ngày chất vấn có thể thấy các ý kiến ĐB đều rất rõ và phản ánh rất đúng những vấn đề nổi cộm của xã hội, tất cả sự hồi âm của các thành viên Chính phủ đều rất trúng.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: "Tôi cũng như các ĐB thấy rằng phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nghiêm túc, rất trách nhiệm và ngắn gọn từ báo cáo giải trình đến từng câu trả lời các vị đại biểu Quốc hội, Thủ tướng vừa cung cấp thông tin, vừa nêu thực trạng tình hình, đặc biệt là đã đưa ra các giải pháp, đồng thời yêu cầu giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của vấn đề ĐB nêu”.
Minh Minh (tổng hợp từ nguồn quochoi.vn)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dau-cua-mot-quoc-hoi-doi-moi-vi-dan-qua-2-ky-hop-dau-tien-a157741.html