VPBank cưỡng chế tài sản đang tranh chấp, liệu có đúng luật ?

(Pháp lý) - Mới đây, VPBank đã tổ chức lực lượng đến cưỡng chế tòa nhà trị giá hàng ngàn tỷ đồng ở số 5 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP.Hà Nội (số 5 Điện Biên Phủ) từ lúc hơn 3 giờ sáng. Đáng chú ý, thời điểm này vụ kiện hành chính liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 5 Điện Biên Phủ đã được Tòa án thụ lý.

Tòa án đã thụ lý vụ kiện hành chính

Theo đó, ngày 17/11/2016, TAND TP. Hà Nội đã có Thông báo số 52 về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm, nguyên đơn là Công ty ATS, bị đơn là UBND TP. Hà Nội. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là VPBank. Theo đơn kiện, Công ty ATS đề nghị Tòa án tuyên hủy sổ đỏ đã cấp cho VPBank tại số 5 Điện Biên Phủ.

 Tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ
Tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ)

Tuy nhiên, theo đại diện của Cty ATS cho biết, 3h30 phút sáng ngày 26/11/2016, khi lực lượng thuộc Ban quản lý dự án tòa nhà số 5 Điện Phủ của Công ty ATS đang ngủ thì một nhóm khoảng 100 người của VPBank đã bất ngờ xuất hiện, xua đuổi họ ra khỏi tòa nhà, sau đó lấy dây xích khóa cửa văn phòng Công ty ATS, quây tôn toàn bộ tòa nhà, treo biển "Công trình của VPBank không phận sự miễn vào”.

Làm việc với Phóng viên, đại diện Công ty ATS cho biết: Tòa nhà gắn liền với đất thuê tại địa chỉ số 5 Điện Biên Phủ (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 180273 được cấp năm 2005, đứng tên Công ty CP Điện máy Miền Bắc đã sáp nhập vào Công ty ATS năm 2011). Khi xây dựng tòa nhà gần xong, ngày 25/1/2011, VPBank đến đưa ra phương án thuê toàn bộ tòa nhà và trả tiền trước 10 năm với tổng số tiền 29 triệu USD, khấu trừ vào tiền cho Công ty ATS vay. Để thực hiện phương án, VPBank yêu cầu Công ty ATS ký 4 hợp đồng tín dụng, thế chấp 7 tài sản bất động sản lớn khác để bảo đảm cho khoản vay với tổng số tiền gốc vay hơn 796 tỷ đồng. Sau đó, do ngân hàng thay đổi kết cấu thiết kế công năng của tòa nhà, nâng số tầng, cộng một số lý do khác, khiến cho dự án bị chậm tiến độ và VPBank đã áp dụng nhiều chính sách “phạt” khiến cho khoản nợ của ATS bị đội lên tới hơn hơn 2500 tỷ đồng. Để tháo gỡ khoản vay nêu trên, hai bên đồng ý đưa vụ việc ra tòa để “chốt số nợ”. Công ty ATS phải thanh toán cho VPBank tổng số tiền hơn 1.461 tỷ đồng theo hình thức chuyển nhượng 8/9 tài sản thế chấp để cấn trừ nợ. Tuy nhiên, qua rất nhiều lần thương thảo không thành, VPBank tiếp tục yêu cầu TAND quận Ba Đình giải quyết.

Những trang sổ hộ chiếu chứng minh bà Thoa đi nước ngoài không ký biên bản bàn giao tài sản để làm cơ sở cho VPBank sang tên sổ đỏ.
Những trang sổ hộ chiếu chứng minh bà Thoa đi nước ngoài không ký biên bản bàn giao tài sản để làm cơ sở cho VPBank sang tên sổ đỏ.)

Bà Nguyễn Thị Thoa đại diện Cty ATS cho biết thêm: “Ngày 31/5/2013, lúc sắp lên máy bay đi công tác, tôi được gọi đến TAND ký các biên bản hòa giải và đến ngày 11/6/2013, TAND quận Ba Đình đã ra Quyết định số 05/2013/QĐST- KDTM “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” với nhiều nội dung không đúng thỏa thuận trước đó”. Khi về nước, phát hiện ra điều này, tôi đã phản đối, có văn bản gửi các cơ quan chức năng không đồng ý tiếp tục làm các thủ tục đăng ký sang tên các tài sản thế chấp cho VPBank, trong đó có tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ. Thế nhưng, VPBank vẫn dựa vào bản thỏa thuận trên để yêu cầu thi hành án. Sau đó, Công ty ATS đã làm đơn khiếu nại gửi Cục trưởng Cục THADS TP. Hà Nội. Ngày 18/10/2016, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình đã ra Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS thu hồi toàn bộ Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS”.

Cưỡng chế tài sản khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, liệu có đúng luật ?

Trả lời báo chí khi sự việc cưỡng chế xảy ra, lãnh đạo VPBank cho rằng “đã xử lý tài sản đúng pháp luật” vì tài sản số 5 Điện Biên Phủ VPBank đã được cấp sổ đỏ, thuộc sở hữu của VPBank nên VPBank có toàn quyền đối với tài sản. VPBank không cưỡng chế mà chỉ nhận bàn giao tài sản từ nhà thầu thi công.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Khối pháp chế và kiểm soát tài sản VPBank còn ký công văn số 1447/2016/CV-VPB yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang ở trong tòa nhà di chuyển ra khỏi tòa nhà trước ngày 24/10/2016 để VPBank “tiếp quản tài sản” nếu không sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương tiến hành “cưỡng chế thu hồi tài sản”.

Đáng chú ý, ngay từ ngày 24/10/2016, Công ty ATS đã có đơn yêu cầu UBND TP. Hà Nội trả lời về việc đăng ký sang tên tài sản cho VPBank, nhưng đến nay hơn một tháng trôi qua, UBND TP. Hà Nội vẫn chưa có hồi âm về sự việc.

TAND TP. Hà Nội đã có Thông báo số 52/TBTL-HCST về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm liên quan đến sổ đỏ của tòa nhà ở số 5 Điện Biên Phủ
TAND TP. Hà Nội đã có Thông báo số 52/TBTL-HCST về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm liên quan đến sổ đỏ của tòa nhà ở số 5 Điện Biên Phủ)

Ông Trần Phan Diên, Phó trưởng Ban Pháp chế Công ty ATS cho rằng: Quyết định thi hành án số 05/QĐ-CCTHADS đã bị hủy thì không có cơ sở để UBND TP. Hà Nội thực hiện việc sang tên tài sản cho VPBank. Công ty ATS đã có đơn gửi TAND TP. Hà Nội khởi kiện và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CE 039596; khôi phục lại nguyên trạng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 5 Điện Biên Phủ.

Và mới đây, ngày 17/11/2016, TAND TP. Hà Nội đã có Thông báo số 52/TBTL-HCST, thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm đề nghị tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của VPBank.

Nhận xét về vụ việc này, Luật sư Đỗ Thái Hán, Giám đốc Công ty Luật DOHA cho biết: Theo quy định của pháp luật, Cơ quan thi hành án dân sự mới có thẩm quyền cưỡng chế đối với các giao dịch dân sự mà một bên cố tình không thực hiện, việc cưỡng chế này cũng chỉ được phép tiến hành sau khi đã có bản án có hiệu lực của Tòa án. Đối với Ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân thì không có chức năng cưỡng chế...

Tùng Lâm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vpbank-cuong-che-tai-san-dang-tranh-chap-lieu-co-dung-luat-a157663.html