Nếu chúng ta không thay đổi rõ ràng, bài bản trong chính sách thì dù có kê khai, công khai thu nhập lãnh đạo Tập đoàn cũng chỉ là bệnh hình thức.
Bắt buộc phải làm
Bộ Công Thương vừa có chỉ thị, yêu cầu các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty... trong ngành Công Thương kê khai, công khai tài sản, thu nhập năm 2016.
Theo đó, Thanh tra Bộ làm đầu mối thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo công tác minh bạch tài sản, thu nhập của Bộ Công Thương. Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kê khai, công khai, tổng hợp, báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập của Khối Cơ quan Bộ.
Trao đổi với Đất Việt trước thông tin trên, PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng đây là việc cần phải làm đối với tất cả các cán bộ, viên chức nhà nước, không riêng gì ở Bộ Công Thương.
“Việc này không có gì lạ. Bộ Công Thương triển khai theo đúng Luật phòng chống tham nhũng. Tức là tất cả mọi người đều phải kê khai, công khai tài sản, thu nhập cá nhân. Cả nước ai cũng đã làm cả rồi.
Ở đây, các lãnh đạo phải kê khai một tháng thu nhập bao nhiêu, nhà cửa, xe hơi, tài sản đất đai ra sao. Tất cả đều công khai hết”, PGS.TS Sơn khẳng định.
Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia, việc kê khai, thống kê trên cần phải xem xét một cách cụ thể, kỹ lưỡng.
Sếp EVN nhận lương 600 triệu/năm: Nhiều nơi còn cao hơn
Theo PGS.TS Tri, đối với các doanh nghiệp, Tập đoàn trực thuộc Bộ Công Thương mà vốn nhà nước trên 50% thì Bộ mới có quyền yêu cầu kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Trong trường hợp các đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa, hoạt động theo cơ chế riêng thì Bộ Công Thương không có quyền đưa ra những quy định trên.
“Bây giờ đặt vấn đề như trên thì rất buồn cười. Với những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thì chức năng hoạt động của họ là kinh doanh và được tự chủ về tổ chức biên chế, tài chính, không có dính dáng gì đến ngân sách nhà nước. Khi đó hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị sẽ quyết định việc kê khai tài sản.
Chỉ trong trường hợp tỷ lệ nhà nước chiếm cao thì mới có thể đặt vấn đề huy động đó. Cần phải làm rõ việc này để thực hiện cho đúng, tránh chồng chéo”, PGS.TS Tri khẳng định.
Vị chuyên gia cũng nhắc đến việc dư luận nghi ngại, lãnh đạo 1 số tập đoàn lớn thuộc Bộ Công Thương quản lý thu nhập hàng năm rất cao. Chẳng hạn thu nhập của lãnh đạo tại Sabeco khoảng trên 1,4 tỷ đồng/năm, Tập đoàn Hoá chất VN thu nhập khoảng 850 triệu đồng/năm hay như sếp EVN trên dưới 600 triệu.
Lý giải điều này, ông Tri cho rằng nhà nước đang có những kẽ hở trong việc kiểm soát tài sản chung, dẫn đến nhiều lãnh đạo và cán bộ biến thành tài sản cá nhân để chiếm giữ, gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước.
“Các tài nguyên nước, dầu khí, than...đó thuộc quyền quản lý của nhà nước. Tuy nhiên do sự hớ hênh, quản lý nhà nước yếu kém, không đánh giá được và buộc các đơn vị đó phải xử lý nên nhiều đơn vị khai thác tài nguyên của toàn xã hội và biến thành tài nguyên của một nhóm bộ phận. Chúng ta phải tiến hành đánh giá, buộc doanh nghiệp phải trả lại những lợi ích, tài sản chưa đúng cho xã hội”, ông Tri khẳng định.
Đừng đánh trống bỏ dùi
Tiếp tục phân tích, vị Phó giáo sư cho rằng, đề nghị công khai thu nhập của lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Công ty mà Bộ Công Thương đưa ra chỉ là giải pháp tình thế. Nếu không có những kế hoạch cụ thể, chi tiết rất có thể sẽ rơi vào tình trạng khẩu hiệu "đánh trống bỏ dùi", không mang hiệu quả cao khi thực hiện.
“Kê khai thu nhập, tài sản chỉ là giải pháp tình huống tạm bợ. Khi xã hội nêu ra vấn đề như vậy thì có thể kiểm tra, kê khai rồi thu hồi 1 phần nào đó thất thoát. Việc này một phần cũng giúp dư luận an tâm hơn, tránh những bức xúc và mất lòng tin vào cơ quan thực thi pháp luật”, PGS.TS Tri nhấn mạnh.
Để giải quyết những nghi ngại trên, theo PGS.TS Võ Kim Sơn, cùng với việc công khai thu nhập lãnh đạo, Bộ Công Thương cần công khai tài sản của những người đứng đầu để đối chiếu so sánh.
“Lãnh đạo phải công khai hết tài sản. Đặc biệt lương lấy từ tiền của cơ quan, công ty là bao nhiêu từ đó xem xét đối chiếu cụ thể. Nếu có sai sót, nghi vấn thì sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật”, PGS.TS Sơn nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng ngoài việc đối chiếu, so sánh cần phải có những thay đổi về cơ chế chính sách, nhất là về chế độ lương, thưởng.
“Hiện nay trong xã hội chúng ta bất bình đẳng rất nhiều thứ, đặc biệt là khu vực tiền lương. Nếu để ý sẽ thấy có sự chênh lệch khá rõ rệt và không hợp lý giữa cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp với doanh nghiệp. Vì vậy việc này cần phải thay đổi.
Thứ hai, chính sách của chúng ta hiện nay quá trì trệ, không điều chỉnh kịp thời. Theo tôi thay vì đưa ra những chiến lược trong vòng 10 năm thì cứ 3-5 năm các cơ quan nhà nước phải thay đổi một lần.
Ngoài ra, cần tăng cường công sát giám sát, bao gồm các lực lượng như Thanh tra Bộ, ủy ban thanh tra ngành. Đồng thời tăng cường biện pháp của nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống tài chính, trong đó xem xét lại 1 số cơ chế lúc đầu có thể khuyến khích cho nên ta định giá thấp và đến thời điểm này có thể điều chỉnh bằng chính sách cho công bằng”, PGS.TS Tri khẳng định.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-khai-thu-nhap-sep-tap-doan-la-hay-khong-la-a157483.html