(Pháp lý) - Sau hơn 1 năm áp dụng vào thực tiễn, Luật Đầu tư 2014 đã có những tác động tích cực đến môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, Luật sư Bùi Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC cho biết vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo trong Luật Đầu tư năm 2014 đòi hỏi phải sửa đổi để tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Luật sư Bùi Hồng Hải, Luật Đầu tư 67/2014/QH1367/2014/QH13 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 (“Luật Đầu tư 2014”), được đánh giá là một đạo luật tiến bộ, với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.
Theo số liệu của hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước có 2.061 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12,265 tỷ USD, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2015. Những con số này đã minh chứng cho những tác động tích cực của luật đầu tư đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, luật sư Bùi Hồng Hải thấy Luật Đầu tư 2014 vẫn còn nhiều nội dung còn bất cập, chồng chéo, đòi hỏi phải được sửa đổi. Mà bất cập nổi cộm nhất có thể nói đến là quy định giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Theo quy định giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư thì đối với dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư và tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên, quy định nêu trên lại không được hướng dẫn chi tiết trong các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014, dẫn tới việc áp dụng không thống nhất tại các địa phương. Theo đó, nhiều cơ quan quản lý về đầu tư chỉ cho phép nhà đầu tư thực hiện 1 lần giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng; có nơi lại cho phép nhà đầu tư thực hiện 2 đến 3 lần (thậm chí nhiều hơn 3 lần) giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng.
Ngoài ra, việc áp dụng một mức tổng thời gian giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư cho tất cả các dự án đầu tư cũng gây bất lợi cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn. Thực tế cho thấy công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn thường kéo dài, dẫn tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư cũng bị chậm lại, không đúng với tiến độ thực hiện dự án mà các nhà đầu tư đã cam kết khi thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư dù chưa hoàn thành công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… đã phải xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Thứ hai: Luật Đầu tư 2014 được đánh giá là đột phá khi rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cụ thể, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư; còn đối với các dự án khác là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi thấy rất ít trường hợp nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đúng thời hạn rút ngắn theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Hơn nữa, đối với những dự án đầu tư trong lĩnh vực có điều kiện thì ngoài giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp, nhà đầu tư cần đáp ứng được các điều kiện kinh doanh trước khi đi vào hoạt động. Do đó, việc rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 sẽ không mang tính “đột phá” trên thực tế nếu các văn bản pháp luật chuyên ngành không được sửa đổi tương ứng và được áp dụng đồng bộ. Nếu không, nhà đầu tư sẽ rơi vào tình trạng “đầu xuôi” nhanh nhưng “đuôi lọt” chậm.
Thứ ba: Có thể nói, đến thời điểm này các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã cơ bản đầy đủ. Nhưng vấn đề vướng mắc ở đây là “ luật mới nhưng tư duy cũ”. Ví dụ là vẫn có cơ quan quản lý đầu tư khăng khăng gửi công văn xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động do ngành nghề kinh doanh này chưa có trong biểu cam kết WTO, trong khi ngành nghề kinh doanh này đã được quy định theo pháp luật chuyên ngành trong nước.
Ngoài ra , chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đối với trường hợp bổ sung ngành nghề kinh doanh của các tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, mà ngành nghề kinh doanh dự kiến bổ sung đó thuộc trường hợp phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 118/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2014.
Theo đó, đối với một tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp muốn bổ sung một ngành nghề kinh doanh mà Việt Nam chưa cam kết theo các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh này như thế nào? Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được cấp cho ai, tổ chức kinh tế hay nhà đầu tư nước ngoài? Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành dường như chưa dự liệu được tình huống này, do đó chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể, gây cản trở cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Luật sư Bùi Hồng Hải hy vọng những bất cập trên đây sẽ sớm được giải quyết nhằm tạo một môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin đầu tư đối với các nhà đầu tư và để chính sách pháp luật về đầu tư được thực hiện và áp dụng đồng bộ trên thực tế, đúng với tinh thần mà các nhà lập pháp hướng đến khi soạn thảo Luật Đầu tư 2014.
Phóng viên lược ghi từ ý kiến góp ý của LS. Bùi Hồng Hải (Phó TGĐ C.ty Luật SMiC)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-dau-tu-2014-mot-quy-dinh-bat-cap-khi-ap-dung-o-thuc-te-a157471.html