Giải pháp tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm

(Pháp lý) - Bảo vệ quyền của NTD có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển của kinh tế và tương lai của giống nòi. Giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm bảo đảm ATTP là một trong các phương thức bảo vệ quyền lợi NTD. Với ý nghĩa đó, bài viết này đề cập đến các vấn đề: Quyền của NTD thực phẩm và tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền của NTD thực phẩm; Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và cảnh báo nguy cơ mất ATTP; Những bất cập và hướng hoàn thiện trong công tác kiểm tra, giám sát ATTP.

[caption id="attachment_156976" align="aligncenter" width="604"]Hội thảo “Công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam” do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam” do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức[/caption]

Quyền và bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực ATTP

Các quy định về quyền của NTD là nền tảng pháp lý để bảo vệ NTD nói chung và NTD thực phẩm nói riêng. Trong lĩnh vực ATTP, Khoản 1, Điều 9, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ghi nhận NTD thực phẩm có các quyền sau đây: (i) Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm; (ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật; (iii) Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (iv) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật; (v) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Các quyền này cũng là cơ sở pháp lý để NTD bảo vệ quyền lợi của mình. Trong đó, quyền an toàn có ý nghĩa đặc biệt được ghi nhận tại Điều 38 và Điều 43, Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, việc sử dụng các quyền được pháp luật ghi nhận còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, hiểu biết và khả năng của chính NTD thực phẩm.

Bảo vệ quyền lợi của NTD là bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng tiến bộ thế giới công nhận. Trong đó quyền được đảm bảo an toàn về sức khỏe luôn được coi là nội dung quan trọng nhất, liên quan đến sự sống còn, tồn tại của mỗi cá nhân.

Trong thời gian gần đây, với nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP bị phát hiện đã khiến NTD mất niềm tin vào thực phẩm mà họ đang tiêu dùng. Vấn đề mất ATTP đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, đòi hỏi cần phải được giải quyết. Trước những yêu cầu bức thiết của việc bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực ATTP trong tình hình mới, ngày 04/01/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, trong đó khẳng định: "Bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân".

Hoạt động kiểm tra, giám sát ATTP

Kiểm tra ATTP với cả các thực phẩm được sản xuất, chế biến trong nước hoặc thực phẩm nhập khẩu là hoạt động vô cùng cần thiết và phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện những yếu tố vi phạm kịp thời, qua đó bảo vệ quyền lợi NTD. Hiện nay, hệ thống kiểm tra ATTP được phân theo chức năng của ba Bộ liên quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương.

Qua kết quả thanh, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy, việc thực thi các quy định pháp luật mặc dù đã có sự chuyển biến nhất định, song vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý chất lượng và đảm bảo ATTP trong thời gian qua vẫn chưa thực sự đạt được kết quả tốt, chưa tạo sự chuyển biến trên thực tế. Tình trạng vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh thực phẩm như: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh quá liều lượng trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng thuốc BVTV và chất phụ gia, hóa chất bảo quản ngoài danh mục cho phép, kích thích tăng trưởng, kích thích trái chín ở trong tình trạng mất kiểm soát. Bên cạnh đó, việc xử lý còn mang tính sự vụ chưa quyết liệt và đồng bộ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xếp loại C được tái kiểm vẫn vi phạm mà chưa có cách xử lý triệt để, mà hầu hết chỉ là nhắc nhở, khiển trách.

Về trách nhiệm giám sát ATTP ở nước ta hiện nay được phân công cho ba Bộ theo Điều 62, Điều 63, Điều 64 - Luật An toàn thực phẩm năm 2010, theo đó:
Bộ Y tế giám sát ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Bộ Công Thương giám sát ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý

Những trường hợp thực phẩm liên quan đến nhiều ngành, cơ chế giám sát được phân công theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc phối hợp giám sát giữa ba Bộ; giữa ba Bộ với các các cơ quan chuyên ngành liên quan an toàn thực phẩm ở địa phương.

Một số điểm hạn chế và hướng hoàn thiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP

Một số điểm hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát ATTP

[caption id="attachment_156975" align="alignleft" width="272"]Quyền lợi của người tiêu dùng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quyền lợi của người tiêu dùng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[/caption]

Hoạt động kiểm tra, giám sát ATTP được các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương xây dựng và tổ chức triển khai, đã góp phần đảm bảo ATTP, cảnh báo nguy cơ, là căn cứ để xử lý vi phạm. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền lợi NTD thực phẩm. Song, thực tiễn cho thấy, hoạt động này vẫn còn một số điểm hạn chế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoạt động giám sát, cảnh báo nguy cơ mất ATTP còn mang tính chất riêng rẽ ở 3 Bộ, chưa thành hệ thống kiểm soát toàn diện các mối nguy theo nguyên tắc của HACCP. Do đó, với một số thực phẩm qua nhiều khâu chế biến, bảo quản thì việc xác định nguy cơ gặp khó khăn, vì không chỉ liên quan đến một khâu, một thời điểm, một yếu tố tác động. Các phòng xét nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP hoạt động theo sự quản lý ngành nên lãng phí về nguồn lực và không đảm bảo sự hiệu quả và tính khách quan, thống nhất. Ở nhiều địa phương, còn thiếu phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn để công bố kết quả, với tuyến huyện gần như không có các phòng xét nghiệm. Việc gửi mẫu mất nhiều thời gian (với thịt, hàng đóng gói, hàng khô ít nhất là 3 ngày, với rau thì ít nhất phải 12 tiếng). Do đó, ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm, thậm chí khi có kết quả xét nghiệm thì thực phẩm đã tiêu thụ hết.

Thứ hai, hệ thống phòng xét nghiệm khá đa dạng nhưng chưa hoạt động thực sự hiệu quả, cùng một mẫu thực phẩm mà kết quả xét nghiệm lại khác nhau.

Thứ ba, cho đến nay, vẫn chưa có các công cụ đánh giá nhanh, tại chỗ với một số nhóm thực phẩm chăn nuôi có chứa dư lượng kháng sinh và các chất độc hại khác, từ đó phân loại sơ bộ kết quả giám sát thuận lợi cho việc chỉ định phân tích định lượng. Do đó, không thể kiểm soát được tốt với thực phẩm có dư lượng kháng sinh và sử dụng chất cấm. Việc đầu tư các thiết bị kiểm tra nhanh chưa được chú trọng, chi phí cao, dẫn đến công tác kiểm tra ATTP chưa kịp thời. Thiếu văn bản quy định tiêu chuẩn và thủ tục cấp phép các cơ sở kiểm định thực phẩm không phục vụ quản lý nhà nước mà theo hướng cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh cho NTD thực phẩm.

Thứ tư, các đợt kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối và chợ nhỏ lẻ còn mang tính kỳ cuộc và không có các trạm kiểm soát ở các điểm chợ để NTD sử dụng dịch vụ kiểm nghiệm. Việc đóng dấu kiểm định thực phẩm là thịt lợn, thịt gia cầm giết mổ bán sẵn ở các chợ nhỏ lẻ còn mang tính hính thức, dựa trên cảm quan, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ sức khỏe NTD.

Thứ năm, chương trình giám sát chưa đồng bộ và bao quát, mới chỉ tập trung giám sát một số sản phẩm (rau, quả, thịt...), còn nhiều sản phẩm khác chưa được đưa vào chương trình giám sát (chè, cà phê, điều, tiêu, sản phẩm chế biến...).

Thứ sáu, hoạt động giám sát ATTP phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhà nước cấp (chủ yếu từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia), do đó thường được triển khai vào chủ yếu 6 tháng cuối năm, với một số sản phẩm, ở một số địa phương. Do đó, số liệu giám sát không đại diện cho cả năm, cả nước. Chi phí xét nghiệm với mỗi mẫu thực phẩm còn khá cao (400.000đ/mẫu thịt xét nghiệm dư lượng một loại kháng sinh). Còn thiếu nguồn nhân lực giám sát được đào tạo chuyên sâu, đặc biệt ở xã/phường.

Thứ bảy, danh mục hóa chất sử dụng trong thực phẩm, dư lượng hóa chất BVTV chưa cập nhật và hài hòa với quy định của quốc tế (Codex) nên việc chỉ định chỉ tiêu phân tích, so sánh kết quả phân tích với quy định còn hạn chế.

Thứ tám, việc trả kết quả phân tích theo phương thức truyền thống bằng văn bản nên chưa kịp thời (chậm so với yêu cầu thực tế), chưa đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm. Chưa triển khai các biện pháp thông tin, cảnh báo, xử lý kịp thời khi có kết quả giám sát không đạt yêu cầu. Chưa công bố kịp thời kết quả giám sát để cho người sản xuất, kinh doanh yên tâm và NTD lựa chọn sản phẩm an toàn, tránh thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm (điển hình như vụ xúc xích Vietfoods có chất Sodium nitrate 251).

Thứ chín, công tác tuyên truyền, thông tin về giám sát ATTP còn nhiều hạn chế.

Hướng hoàn thiện công tác kiểm tra, giám sát ATTP

Trước những bất cập nêu trên, trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát ATTP cần được hoàn thiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về ATTP về một đơn vị trong đó có cả hệ thống phòng xét nghiệm nhằm tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo hiệu quả của hoạt động kiểm soát toàn diện các mối nguy với an toàn thực phẩm.

Thứ hai, cần đầu tư thiết bị kiểm nghiệm ATTP. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm. Xây dựng các quy định pháp luật về công nhận phòng thí nghiệm tư nhân phục vụ nhu cầu xét nghiệm thực phẩm của NTD. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về xét nghiệm.

Thứ ba, cần nghiên cứu để sản xuất phương tiện xét nghiệm nhanh tại hiện trường với giá rẻ, NTD có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Trước mắt, cần tiếp tục triển khai đặt máy xét nghiệm thực phẩm lưu động tại các chợ để thuận tiện cho công tác kiểm tra; để NTD có căn cứ phân biệt sản phẩm không đảm bảo ATTP, từ đó, có cơ sở để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ tư, về dài hạn cần phát triển nhanh hệ thống phân phối theo chuỗi siêu thị; đồng thời tổ chức mạng lưới các hộ nông dân cung cấp thực phẩm tươi, sạch.

Thứ năm, cải tiến phương thức kiểm soát mang tính hình thức bằng việc kiểm soát theo chuỗi dựa trên nguồn gốc thực phẩm. Tiến tới việc yêu cầu tất cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng đều phải cung cấp thông tin về nguồn gốc và cung cấp chứng từ giao dịch cho NTD.

Thứ sáu, cần xây dựng kế hoạch giám sát toàn diện, bao quát các nhóm thực phẩm khác nhau; tăng cường hoạt động giám sát các khu vực sản xuất và hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Thứ bảy, hài hòa các quy định về tiêu chuẩn, danh mục hóa chất sử dụng trong thực phẩm và dư lượng tối đa với quy định của quốc tế. Bên cạnh đó phải kịp thời cung cấp thông tin về sản phẩm an toàn và không an toàn sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra để NTD có thể yên tâm sử dụng hoặc tẩy chay sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, đồng thời tránh thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thứ tám, gắn công tác giám sát ATTP với công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về ý nghĩa của việc đảm bảo ATTP với sức khỏe, kinh tế và sự phát triển của chính họ.

ThS. Phạm Văn Hảo - GV Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giai-phap-tang-cuong-hoat-dong-kiem-tra-giam-sat-toan-thuc-pham-a156974.html