Giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả (Bài 2): Nhận diện một số nguyên nhân chủ yếu

(Pháp lý) - Trách nhiệm giải quyết KNTC của dân đã được quy định rõ ràng trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, tuy nhiên phải thừa nhận hiệu quả của những công việc trên còn chưa cao. Từ thực tế có thể chỉ ra một số nguyên nhân sau:

Nhiều quy định làm khó người giải quyết KNTC

Trụ sở tiếp công dân của Trung ương ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải bởi người dân từ cả nước đổ về. Đặc biệt trước các kỳ họp Trung ương, họp Quốc hội hoặc ngày thứ 5 có Ban Nội chính Trung ương tiếp. Có khi người dân phải đợi nhiều ngày mới tới lượt được tiếp... Chờ đợi để được tiếp nhận, giải quyết đơn thư làm khổ không ít người dân và làm khổ cả những công chức có tâm khi làm nhiệm vụ giải quyết.

Dẫn câu chuyện về việc người dân ở một thành phố miền Trung khiếu kiện kéo dài, ông Phan Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ - trăn trở: “Đã từng cùng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp những công dân này, tôi nghe qua lý lẽ của chính quyền TP không thuyết phục. Mảnh đất do ông cha để lại, dân gắn bó mấy chục năm. Giờ thu hồi đất cho dự án sinh thái thương mại nhưng dân không được ở. Dân muốn ở phải mua với giá trên trời. Dù chính quyền làm đúng luật nhưng luật của mình như thế, nghe có vẻ đúng luật lại không thuyết phục được dân”. Từ chia sẻ đó của ông Minh cho thấy, những hạn chế của pháp luật là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

[caption id="attachment_156847" align="aligncenter" width="575"] Hoạt động tiếp dân (ảnh minh họa)
Hoạt động tiếp dân (ảnh minh họa)[/caption]

Một thực tế tại phòng tiếp dân, có thể nhận thấy công việc của cán bộ tiếp dân là xem hồ sơ, sau đó làm phiếu chuyển gửi về các cơ quan liên quan ở địa phương hoặc chuyển đơn đến các cơ quan khác ở trung ương đề nghị xem xét. Mỗi người dân đến trụ sở đều nhận được một phiếu chuyển đơn như vậy. Khi trở về tỉnh, tỉnh không giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng họ lại kéo ra trung ương. Những người đi khiếu kiện lâu năm có hàng chục phiếu chuyển đơn của Trụ sở tiếp công dân trung ương, còn phiếu chuyển đơn của các cơ quan khác cũng rất nhiều. Các cơ quan chuyển đơn vòng quanh, dân thì năm này qua năm khác đi khiếu kiện khiến tình trạng quá tải của trụ sở và khiếu kiện vượt cấp vẫn gia tăng.

Lý giải và chia sẻ với báo chí, lý do đơn thư lòng vòng trên, ông Phan Văn Minh cho rằng: “Chúng tôi trăn trở vì công tác tiếp dân chưa hiệu quả, muốn tiếp dân hiệu quả phải gắn với người có thẩm quyền giải quyết. Tiếp dân ở Ban tiếp công dân Trung ương không gắn với thẩm quyền giải quyết”. Một số nơi hiện nay có tiến bộ trong áp dụng công nghệ nhằm liên thông trong thủ tục tiếp dân nhưng không thu được nhiều hiệu quả do phạm vi liên thông hẹp. Cụ thể, Ban tiếp công dân Trung ương đã có phần mềm tiếp dân nhưng chỉ sử dụng trong nội bộ. Người dân nào được tiếp, cán bộ đã chuyển vụ việc đến cơ quan nào đều được lưu tên trong hệ thống. Lần sau khi người dân đến chỉ cần gõ tên vào hệ thống sẽ hiện các thông tin của những lần tiếp trước đó. Nhiều cán bộ ở Ban tiếp công dân Trung ương cho rằng hệ thống này cần thiết nhưng chưa đủ. Việc liên thông mạng thông tin giữa trung ương và địa phương rất quan trọng nhưng hiện nay chưa có khiến việc chuyển đơn lòng vòng, trùng lắp vẫn diễn ra.

Thẩm quyền cao nhất của những cán bộ tiếp dân của Ban tiếp công dân Trung ương là rà soát các vụ việc, nếu thấy sai trái thì báo cáo Tổng thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sẽ nắm vụ việc, chỉ đạo các Cục, Vụ phụ trách địa bàn rà soát, nếu có sai sót sẽ đề nghị địa phương giải quyết. Việc “giải quyết” tiếp theo là kết quả của một loạt quy trình rà soát, báo cáo, lập đoàn thanh tra liên ngành, ra kết luận... Quy trình này có khi cả chục năm mới giải quyết xong một vụ việc. Việc đó dẫn đến hệ lụy là người dân cực kỳ vất vả, khổ sở và đơn thư KNTC vẫn không thuyên giảm.

Bức xúc về vấn đề liên thông thủ tục giải quyết đơn thư cho dân, ông Trần Hồng Cẩn (Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từng chia sẻ với báo chí: “Chúng tôi hay nói với nhau việc tiếp dân hiện nay giống như thấy người chết đuối nhưng không cứu được. Chúng tôi chỉ như cánh chim đưa thư. Nhiều trường hợp mình chuyển đơn về lại còn bị địa phương mắng thêm. Họ bảo tại sao tôi đã giải quyết hết rồi mà các anh Trung ương cứ chuyển đơn về để làm khổ địa phương”. Có thực trạng nêu trên vì công tác tiếp dân giữa Trung ương và địa phương hiện chưa được liên thông. Ta chưa có hệ thống phần mềm liên quan đến tiếp dân và xử lý đơn thư toàn quốc. Nhiều người dân đến trụ sở, cái gì bất lợi họ không đưa ra. Họ bảo bức xúc vì làm đơn nhưng địa phương không giải quyết, trong khi các cấp đã giải quyết rồi thì người cán bộ giải quyết không biết.

Năng lực và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ

Những báo cáo gần đây về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan nhà nước đã ghi nhận nhiều cố gắng, đồng thời cũng chỉ ra nhiều hạn chế của công tác này. Trong một báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng đáng chú ý là số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư khiếu nại, tố cáo chỉ giảm 3,39%; số vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 9,54%. Chỉ có 39/63 địa phương số lượng các đơn khiếu nại tố cáo giảm.

Đối với các cơ quan hành pháp, lý giải tình hình trên, đại diện của Thanh tra Chính phủ cho hay do “trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương còn thiếu, không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”.

[caption id="attachment_156848" align="aligncenter" width="576"]Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội. Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội.[/caption]

Trong lĩnh vực tư pháp, tồn đọng trong giải quyết KNTC của dân cũng là vấn đề nan giải. Hai ngành Kiểm sát và Tòa án bị đánh giá là chậm chễ trong giải quyết khiếu kiện của dân. Trước đây trên báo chí, một ĐBQH ở Ủy ban Tư Pháp từng nêu thực tế: Hiện nay có khoảng 5.000 đơn giám đốc thẩm còn tồn đọng nhưng không phân loại biết bao nhiêu đơn đúng, bao nhiêu đơn sai. Án cũ xảy ra nhiều năm gần như để đấy. Có trường hợp chuyển cơ quan nào cũng nói đã giải quyết đúng luật... Tỷ lệ giải quyết án còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều trường hợp việc thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan còn quá chậm, dẫn đến đương sự bức xúc, khiếu nại đến các cơ quan của Quốc hội nhiều lần. Có những vụ việc đã được Uỷ ban Tư pháp nghiên cứu, chuyển đến TANDTC và VKSNDTC đề nghị xem xét, giải quyết từ năm 2012 nhưng đến nay Ủy ban vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả giải quyết. Có những vụ việc VKSND, TAND chỉ có thông báo về tiến độ giải quyết mà không thông báo về kết quả giải quyết cụ thể...

Đáng lưu ý, có một số vụ việc được UBTP nghiên cứu, có văn bản đề nghị TANDTC, VKSNDTC cho mượn hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả giải quyết bằng văn bản để Ủy ban giám sát theo quy định của pháp luật nhưng việc giải quyết còn chậm; cá biệt, có vụ kéo dài hàng năm mà TANDTC không có văn bản trả lời mặc dù Uỷ ban Tư pháp đã có văn bản đôn đốc nhiều lần... Như vậy, sự trễ nải của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết KNTC là một phần nguyên nhân dẫn đến việc KNTC kéo dài.

Vai trò và quyền năng của Đại biểu Quốc hội

Trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân được Hiến pháp năm 2013 quy định rất cụ thể. Đặc biệt tại khoản 2 Điều 79 Hiến pháp 2013 quy định trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội với KNTC của dân. Theo đó “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”.

Quy định trên của Hiến pháp đã xác định rõ mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân. Trong đó đáng chú ý là ĐBQH phải thực hiện theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Cụ thể hơn, ĐBQH có thể thông qua hoạt động chất vấn để hỏi rõ về trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

Nói như vậy để thấy ĐBQH có nghĩa vụ rất lớn với đơn thư của dân. Quốc hội là cơ quan mà nhiều người dân tin tưởng, thế nhưng theo quy định của pháp luật hiện nay, cơ quan này cũng chỉ có thể chuyển được đơn thư của dân. Trong những năm gần đây, tình trạng công dân gửi đơn thư đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền… Trong khi các đơn vị của Quốc hội tiếp nhận, xử lý đơn, thư nhằm mục đích phục vụ công tác chủ yếu là thẩm tra và giám sát, kiến nghị theo lĩnh vực. Khi nhận được đơn thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội phải tổ chức phân loại, chuyển đến cơ quan xử lý theo lĩnh vực nên tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng là không tránh khỏi.
Có lần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều trường hợp chỉ chuyển đơn thư của người dân từ tầng 1 lên tầng 2 mà cũng mất... vài tháng. Một số đại biểu khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, tình trạng tiếp nhận đơn thư của nhân dân rồi chuyển lòng vòng rất phức tạp. ĐBQH đi tiếp dân cũng chỉ chuyển đơn thư chứ không thể tự giải quyết và qua tiếp công dân thấy có vấn đề mới thực hiện giám sát. Điều đó khiến người dân không biết gõ cửa ở đâu...

Thay lời kết

Hoạt động giải quyết KNTC của dân có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền công dân và khắc phục những thiếu sót trong việc quản lý hành chính nhà nước. Đảm bảo giải quyết đơn thư công dân tốt sẽ tạo niềm tin của nhân dân vào chế độ, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Xuất phát từ những lý do trên, thiết nghĩ tới đây, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hợp, tích cực để góp phần cải thiện có hiệu quả việc giải quyết KNTC hiện nay.

Minh Hải

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giai-quyet-khieu-nai-cao-chua-hieu-qua-bai-2-nhan-dien-mot-nguyen-nhan-chu-yeu-a156846.html