Các doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động là người khuyết tật (NKT) sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là thuế. Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội, khi nói về việc các DN “ngại” sử dụng lao động là NKT.
Theo ông Cường, Luật NKT 2010 quy định các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của NKT. Việc sử dụng lao động là NKT phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là NKT, phải tùy theo điều kiện cụ thể để bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho NKT.
Đối với NKT tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho NKT sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo. Những ưu đãi trên được quy định tại Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010.
Theo ông Cường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT cũng sẽ hưởng một số chính sách ưu đãi sau, cụ thể: Được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra còn được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là NKT, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô DN.
Nhìn chung, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và DN nhận NKT vào làm việc. DN sử dụng nhiều lao động là NKT đều được hưởng những chính sách ưu đãi trên. Các DN khi sử dụng lao động là NKT vừa được hưởng ưu đãi vừa nhận được sự ủng hộ của xã hội bởi đã góp phần giúp NKT được hòa nhập với cộng đồng.
Ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát, nhận định: NKT ở nước ta có nguồn vốn sinh kế kém, thiếu vốn tài chính để sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập. Bởi phần lớn họ có trình độ thấp hơn, sức khỏe kém hơn, vận động khó khăn hơn nên việc tham gia lao động gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, số lượng lao động là NKT lại đều nghèo, có tới 49,4% NKT sống trong hộ nghèo và cận nghèo. Hiện nay có tới 72,3% lao động khuyết tật làm trong khu vực nông nghiệp, một lĩnh vực có thu nhập thấp và điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác. Đây thực sự là một khó khăn trong việc giải quyết lao động là NKT.
Theo ông Sơn, chúng ta cần phải đổi mới quan điểm tiếp cận đối với NKT. Đó là nên mở rộng các chính sách hỗ trợ đến tất cả nhóm NKT dựa trên các nguyên tắc cơ bản về giáo dục, hỗ trợ, khuyến khích vươn lên. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về NKT cũng như hỗ trợ NKT tiếp cận giáo dục, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm...
“Tôi nghĩ chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc phổ biến và tuyên truyền những chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các DN sử dụng lao động là NKT, để DN cởi mở hơn trong việc tuyển dụng NKT vào làm việc”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Theo PL&XH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-chinh-sach-uu-dai-voi-doanh-nghiep-su-dung-lao-dong-la-nguoi-khuyet-tat-a156833.html