Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex PVC (PVV) Trương Quốc Dũng bị bắt cùng ông Vũ Đức Thuận. PVV bỗng chốc trở thành công ty được giới đầu tư quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, càng nhận được nhiều sự quan tâm, PVV càng khiến nhà đầu tư thất vọng vì tình hình kinh doanh bê bết.
Tháng 9 năm nay, ông Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị bắt cùng các đồng phạm. Trong đó, đáng chú ý nhất là vị chủ tịch 8X của Vinaconex PVC (PVV), ông Trương Quốc Dũng. Ông Dũng bị bắt vì những sai phạm ở PVC. Ông Dũng từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng Giám đốc PVC từ năm 2007 - 2013, khi chỉ mới 27 tuổi.
Khi bị bắt, ông Dũng đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex PVC (PVV). Ông Dũng được xem là một trong những vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Kể từ đó, từ chỗ ít được chú ý, PVV bỗng chốc trở thành công ty được giới đầu tư quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, càng nhận được nhiều sự quan tâm, PVV càng khiến nhà đầu tư thất vọng vì tình hình kinh doanh bê bết.
PVV mới công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2016 với khoản thua lỗ mới. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3/2016 của PVV là 15 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ 17 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 34 tỷ đồng.
“Thủ phạm” khiến PVV thua lỗ chính là doanh thu giảm sâu. Doanh thu quý 3 của PVV chỉ đạt 22 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng, tương ứng 44% so với quý 3/2015, lũy kế 9 tháng đạt 72 tỷ đồng, giảm 156 tỷ đồng, tương ứng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, PVV rơi vào tình trạng bán hàng dưới giá vốn nên tất cả các chỉ tiêu lợi nhuận đều là con số âm. Trong khi doanh thu vỏn vẹn 22 tỷ đồng thì giá vốn hàng bán của PVV lại đạt 23 tỷ đồng.
Cũng giống như nhiều công ty dầu khí khác, PVV có hàng chục quý thua lỗ. Tính tới nay, lỗ lũy kế của PVV lên tới 162 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng. Như vậy, vốn của công ty đã bị “ăn mòn” hơn 50%.
Trong khi thua lỗ nặng, PVV còn chịu gánh nặng tài chính. Tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ vay của PVV là 281 tỷ đồng, gần bằng vốn góp chủ sở hữu. Khoản nợ này khiến PVV phải chi 23 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Gánh nặng tài chính là một trong những nguyên nhân khiến PVV lỗ nặng.
Nợ không chỉ mang đến áp lực chi phí lãi vay mà còn mang đến áp lực trả nợ. Cuối kỳ, PVV có 119 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả và 1,8 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của PVV chưa tới 20 tỷ đồng.
PVV không chỉ có mối liên hệ với PVC qua ông Trương Quốc Dũng (Ông Trương Quốc Dũng từng là lãnh đạo PVC) mà còn qua mối quan hệ sở hữu. Hiện tại, PVV nắm giữ 105.772 cổ phiếu PVX của PVC. Giá gốc của lượng cổ phiếu này là 1,16 tỷ đồng nhưng do PVX giá quá thấp nên thị giá của lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của PVV chỉ còn 233 triệu đồng. PVV phải chi 931 triệu đồng để lập dự phòng cho khoản đầu tư này. Như vậy, PVV phải “treo” 931 triệu đồng.
PVV không chỉ phải “treo” 931 tỷ đồng vì đầu tư vào PVX, công ty còn phải “treo” 178 tỷ đồng vì các khoản phải thu của khách hàng. Trong đó, khoản phải thu lớn nhất là 51 tỷ đồng của công ty cổ phần xây lắp dầu khí Thanh Hóa.
Vì kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu PVV của công ty bị nhà đầu tư quay lưng. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, PVV giảm sàn và dừng ở mức 1.200 đồng/CP, mức giá không đủ để mua 1 cốc trà đá.
Như vậy, vốn hóa thị trường của PVV chỉ còn 36 tỷ đồng thay vì 300 tỷ đồng như tổng số vốn mà cổ đông góp vào.
Theo VTC New
Link nội dung: https://phaply.net.vn/lanh-dao-bi-bat-cung-vu-duc-thuan-pvv-thua-lo-bet-a156779.html