(Pháp lý) - Dự thảoLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 vừa được các ĐBQH kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận ở Nghị trường. Trước đó, Dự Luật cũng được thảo luận sôi nổi trong giới luật và người dân. Có nhiều ý kiến góp ý liên quan đến bổ sung tội danh, sửa đổi tội danh nhằm tăng tính sắc bén của pháp luật hình sự đấu tranh với nhóm tội phạm kinh tế.
Cần thống nhất về đường lối xử tội phạm tham nhũng, lãng phí
Có thể ghi nhận nhiều ưu điểm trong Quy định và chế tài xử lý tội tham nhũng, lãng phí được quy định trong BLHS năm 2015. Cụ thể, BLHS năm 2015 quy định mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng không chỉ trong khu vực Nhà nước, những người có chức vụ trong khi thực hiện công vụ mà còn mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước. 02 tội và các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là: Tội tham ô tài sản (theo khoản 3 và khoản 4, Điều 353); Tội nhận hối lộ (theo khoản 3 và khoản 4, Điều 354). Đối với tội phạm này, bất kỳ thời điểm nào phát hiện được tội phạm là có thể xử lý hình sự, kể cả khi người phạm tội đã về hưu, nghỉ việc.
Đáng chú ý, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với tội đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công. Khoản 6, Điều 364 Tội đưa hối lộ: Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại điều này.
BLHS năm 1999 quy định “của hối lộ” là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền, thì BLHS năm 2015 quy định ngoài lợi ích vật chất thì bổ sung “của hối lộ” có thể là “lợi ích phi vật chất” trong các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Tức là ngoài lợi ích vật chất khác, thì các lợi ích phi vật chất như lợi ích tinh thần cho người thụ hưởng cũng xem là yếu tố cấu thành đối với các tội danh trên. Đồng thời nhằm khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tiền cho Nhà nước, Điều 40 BLHS 2015 quy định “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” thì sẽ không bị thi hành án tử và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Tuy nhiên, góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng: một quy định mà dư luận rất quan tâm là cho quan chức nộp tiền khắc phục hậu quả thì được miễn án tử hình. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu có quy định về nộp tiền để khắc phục hậu quả, tội phạm tham nhũng sẽ “hi sinh đời bố củng cố đời con”? Bởi vậy, cần tiếp tục cân nhắc lại quy định này.
Hay trong thời gian gần đây, toàn xã hội lên án hành vi để xảy ra thất thoát, lãng phí. Thực tế thì lãng phí xảy ra trong mọi mặt của quản lý nhà nước. Lãng phí thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng trong khi ngân sách nhà nước ngày một eo hẹp. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật, việc quy định về tội danh lãng phí lại rất mờ nhạt, không khái quát được đầy đủ hành vi gây lãng phí và có chế tài phù hợp với hành vi này. Cách xác định hậu quả lãng phí… dẫn đến khó trong việc xem xét tội phạm này. Bởi vậy, cần xem xét toàn diện các quy định về tội lãng phí và PCTN trong Luật sửa đổi lần này.
Đề nghị sửa đổi và bổ sung nhiều tội danh mới
Liên quan đến tội phạm có chức vụ, trước thực tế mà dư luận bức xúc thời gian qua trong công tác cán bộ như hiện tượng lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ..., đã có những trường hợp xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ví dụ vụ Trịnh Xuân Thanh... , Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm tội danh “Cố ý làm trái trong bổ nhiệm cán bộ” bằng điều luật cụ thể trong BLHS để răn đe và trừng trị đối với nhóm hành vi nguy hiểm này. Ông Giang nhận định: Mặc dù trong BLHS đã quy định một số tội liên quan đến lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều nào quy định về loại tội phạm lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ - đại biểu Giang phân tích.
Rà soát tổng thể BLHS năm 2015 theo đề nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trừng phạt các tội phạm kinh tế là cần thiết để duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tuy nhiên cần phi hình sự hóa một số tội danh trong BLHS. VCCI cho rằng, Điều 45 của Bộ luật quy định về hình phạt tịch thu tài sản chưa được làm rõ, nhất là việc trùng lặp với hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung (Điều 32.2). Hai hình phạt này đều yêu cầu người phạm tội phải nộp một số tiền hoặc tài sản vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hình phạt tiền có định lượng rõ ràng đối với từng hành vi, mức độ vị phạm, còn tịch thu tài sản thì không có định lượng, cũng không tương ứng với mức độ vi phạm. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc tịch thu tài sản của người phạm tội, chuyển toàn bộ sang hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung.
VCCI cũng kiến nghị bỏ Điều 179 và Điều 180 về các Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Bởi lẽ, người vô ý gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật dân sự và nếu việc bồi thường đã được thực hiện, bên bị thiệt hại cũng không có yêu cầu gì thêm thì việc xử lý hình sự đúng là hiện tượng "hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế".
Về tội danh lập quỹ trái phép có quy định yếu tố hành vi "lập quỹ trái quy định của pháp luật". Miêu tả hành vi này rất khó xác định, không rõ quy định của pháp luật về việc lập quỹ được thể hiện trong văn bản nào để người dân biết và thực hiện theo. Hơn nữa, hiện nay các tội phạm tham nhũng, tội phạm liên quan đến tài sản Nhà nước đã được quy định rõ ràng, phù hợp hơn trước đây nên việc duy trì Tội lập quỹ trái phép trong Bộ luật Hình sự không còn phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ tội danh này.
VCCI cũng đề nghị nên bỏ tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221) hoặc cần phải quy định rõ về yếu tố “cố ý” hoặc “vô ý” để tránh việc chồng lấn với các tội danh khác. Bên cạnh đó, các hành vi cố ý vi phạm quy định về kế toán luôn nhằm một mục đích xác định, ví dụ như để tham ô tài sản, để lừa đảo, để trốn thuế… Mà nếu hành vi vi phạm này nhằm các mục đích trục lợi như trên đã liệt kê thì đã có các tội danh khác xử lý. Do đó, việc quy định thêm tội danh này là thừa, không cần thiết.
Đặc biệt, VCCI cũng kiến nghị về Điều 201 quy định về Tội cho vay lãi nặng. Tội này xác định hành vi dựa trên hai căn cứ chính là lãi suất cao gấp 5 lần lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự; và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất để bắt đầu truy cứu trách nhiệm hình sự là 100%/năm.
Về bản chất, dù lãi suất cao nhưng đây vẫn là quan hệ hợp đồng tự do thỏa thuận, thỏa mãn các điều kiện để không hình sự hóa như phân tích ở trên. Nhà nước chỉ nên hình sự hóa hành vi khi bên cho vay đe dọa, cưỡng ép để đòi nợ. Nhiều nước trên thế giới cũng đã thu hẹp đáng kể cách xử lý hành vi cho vay lãi nặng.
Bên cạnh đó, kiến nghị của VCCI cũng đề cập nên sửa đổi hoặc bỏ đối với nhiều tội danh khác như: Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 206); Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 296)…
Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành với việc cần thiết phải bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại trong dự luật để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền tố tụng. Theo đó 31 tội phạm đối với pháp nhân thương mại không quy định độc lập mà đều thiết kế thành khoản cuối của 31 điều luật quy định về tội phạm do cá nhân thực hiện, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện để quy định tương ứng sang hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Ủy ban Tư pháp cho rằng, cách tính này về cơ bản là có thể chấp nhận được trong điều kiện hiện nay. Theo Đại biểu Lê Quân (Hà Nội): Cần thiết phải bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như dự thảo, nhưng cần rà soát kỹ quy định về pháp nhân thương mại nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu phải hội đủ 4 điều kiện như dự luật thì chỉ xử lý được pháp nhân công khai phạm tội chứ không xử lý được các pháp nhân được thành lập để phạm tội hoặc phạm tội một cách giấu giếm. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung một số loại tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố; cố tình vi phạm an toàn lao động…
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) đề nghị tăng nặng hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là hành vi nhập khẩu chất thải, vì khung hình phạt hiện nay chưa đủ tính răn đe. Môi trường hiện nay bị hủy hoại nghiêm trọng, nhân dân rất bức xúc. Nhưng định lượng mức xử phạt đối với tội phạm môi trường hiện nay cao quá, khó xử lý được. Chẳng hạn quy định về số lần xả thải cần phải hạ xuống cho phù hợp với thực tiễn để ngăn ngừa, răn đe. Nếu không, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại và tương lai không thể ngăn ngừa được. Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng đề nghị cần tuyên chiến với tội phạm về vi phạm VSATTP, mức cao nhất hiện nay mới chỉ 20 năm, nhưng cần tăng lên tù chung thân, thậm chí tử hình với những hành vi nghiêm trọng.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị hình sự hóa một số hành vi có liên quan đến Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân như: Chiếm giữ, sử dụng, chuyển giao bất hợp pháp hoặc làm phát tán vật liệu hạt nhân và gây ra hoặc có thể gây ra tử vong hay thương tích nghiêm trọng cho con người, phá hoại tài sản hay môi trường; Lấy cắp hoặc cướp đoạt vật liệu hạt nhân; Lừa đảo để chiếm được vật liệu hạt nhân… Hành vi có liên quan đến Công ước quốc tế về ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân (hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành làm các thủ tục để đề xuất tham gia) như: Sở hữu vật liệu phóng xạ hoặc tạo ra hoặc sở hữu một thiết bị với mục đích gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng đến cơ thể; Sử dụng vật liệu phóng xạ hoặc một thiết bị, hoặc sử dụng, gây thiệt hại một cơ sở hạt nhân theo bất kỳ cách nào để làm thoát hoặc tạo nguy cơ làm thoát chất phóng xạ với mục đích gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng đến cơ thể hoặc với mục đích gây thiệt hại đáng kể đến tài sản hoặc môi trường...
Kết mở
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 còn liên quan tới nhiều luật khác, như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… Theo dự kiến, dự án Luật sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV. Từ nay đến thời điểm đó, hy vọng những ý kiến tâm huyết, góp ý vào một dự án Luật then chốt được lắng nghe cẩn trọng để dự án luật khi có hiệu lực trên thực tế sẽ là công cụ sắc bén đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới.
Về BLHS sửa đổi “Ban đầu, chỉ định sửa 70 điều, rồi qua trao đổi lên 90, 130 điều, khi trình ra thì là 141 điều. Các ĐBQH thì đề nghị bổ sung thêm 75 điều. Nhiều ý kiến rất khác nhau. Hoặc có những tội tử hình đã đề xuất bỏ đi, nhưng nay có nhiều ý kiến đề nghị lấy lại. Hay vấn đề pháp nhân, 119 nước có quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự” - Bộ trưởng Lê Thành Long.
Minh Khôi
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tang-tinh-sac-ben-cua-phap-luat-hinh-su-de-dau-tranh-hieu-qua-hon-toi-pham-kinh-te-a156717.html