Những câu trả lời của Bộ trưởng là quá muộn màng khi hậu quả khủng khiếp mà các dự án nghìn tỷ mang lại cho đất nước đã nhãn tiền.
Đúng nhưng chưa đủ
Tiếp tục bày tỏ quan điểm về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh liên quan đến các dự án đắp chiếu nghìn tỷ, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng nhận định của Bộ trưởng dù hợp lý nhưng chưa đủ để “than phiền” về 5 dự án khổng lồ nêu trên.
“Chúng tôi hoan nghênh một phần nào đó trả lời của Bộ trường Trần Tuấn Anh. Nhưng có lẽ những câu trả lời này là quá muộn màng khi hậu quả khủng khiếp mà các dự án ngàn tỷ mang lại cho đất nước đã nhãn tiền. Nhận định của vị Bộ trưởng rất hợp lý nhưng chưa đủ để “than phiền” về các dự án khổng lồ nêu trên”, PGS.TS Nga nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, câu hỏi đặt ra: ai là người chịu trách nhiệm chính cho sự tồn tại tưởng chừng như vô lý của các dự án “chả giống ai”. Lẽ ra, với mỗi một dự án khủng trên, nhà nước nếu không tổ chức đấu thầu cạnh tranh thì cần phải có những đánh giá, tính toán kỹ lưỡng về kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội. Đặc biệt người dân phải được tham gia phản biện và đóng góp các ý kiến trước khi ra quyết định đầu tư.
“Rất tiếc là điều này không xảy ra và chúng tôi chưa thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm với tư cách Bộ chủ quản của các dự án lớn. Cần chỉ đích danh cá nhân hoặc 1 nhóm cá nhân đã chi phối các dự án ngàn tỷ. Nếu biết năng lực quản lý hạn chế, thậm trí không có năng lực, thì sao lại trao “trứng cho ác” vậy?. Chúng tôi thiết nghĩ, đây là lỗ hổng mà cái kim không qua nhưng con voi chui lọt”, PGS.TS Nga nêu quan điểm.
Cùng đưa ra ý kiến, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế khẳng định, phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng nội dung vẫn còn chung chung, chưa thỏa mãn được những thắc mắc của các ĐBQH.
“Phần Bộ trưởng trả lời về các dự án này thì rõ ràng các ĐBQH chưa hài lòng. Cho nên ngay sau đó đã có phần tranh luận tiếp. Phần chưa hài lòng đó là cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định đó và trách nhiệm của Bộ Công Thương như thế nào? Việc này đến nay hoàn toàn không rõ ràng.
Ngoài ra, từ chế độ trách nhiệm đó thì giải pháp sẽ ra sao? Sẽ xử lý như thế nào về các công trình này? Có nên đầu tư tiếp hay ra sao? Bộ trưởng chỉ nói chung chung, không rõ ràng đại ý là mỗi một dự án khác nhau nên phải có giải pháp và báo cáo chính phủ với lại Quốc hội sau”, TS Doanh nêu quan điểm.
Phải xử lý trách nhiệm hình sự
Một vấn đề khác PGS.TS Nguyễn Hồng Nga nhắc đến đó là khẳng định xem xét kể cả trách nhiệm hình sự nếu cố tình sai phạm đối với 5 dự án nghìn tỷ lãng phí, thất thoát trên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Theo PGS.TS Nga, việc xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể gây ra thất thoát hàng ngàn tỷ là điều cần làm từ lâu rồi, nhưng không biết vì lý do và có những cản trở nào mà đến bây giờ chúng ta, nhất là các quan chức mới đề cập tới.
“Đến thời điểm này, không biết bao nhiêu dự án đã gây ra lãng phí nhiều tỷ USD nhưng chỉ có vài cá nhân bị xử lý hình sự (chưa có ai bị xử bắn), còn lại là các hình thức kỷ luật hoặc rút kinh nghiệm dài dài! Chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn bằng những bàn tay sắt hơn, xử lý nghiêm mình hơn nữa, mới họa may ra giảm được việc thất thoát NSNN thông qua các dự án “đốt tiền” của nhà nước”, PGS.TS Nga đặt vấn đề.
Vị chuyên gia lập luận, nếu đã là trách nhiệm hình sự thì hiển nhiên các cơ quan chức năng sẽ phải xử lý trách nhiệm cá nhân của những người ký quyết định thành lập dự án đến cả những người thực thi dự án trong thực tiễn.
“Chúng ta cần xử lý tận gốc chứ không nên chỉ xử lý trên ngọn. Ai có trách nhiệm thì người có phải có nghĩa vụ thực hiện, bằng không nghĩa vụ sẽ thay thế bằng “cái gậy”, PGS.TS Nga nói.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh khẳng định, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải làm rõ chế độ trách nhiệm đối với những người trực tiếp ký quyết định liên quan đến dự án nghìn tỷ đắp chiếu.
“Tôi nghĩ việc đưa ra ý kiến xử lý hình sự nếu cố ý làm thất thoát là một điều đáng hoan nghênh. Nhưng Bộ trưởng cần phải nói cụ thể hơn về giải pháp: định xử lý cụ thể ra sao, giải quyết vấn đề như thế nào? ĐBQH vẫn chưa hài lòng và đang tranh luận tiếp. Rõ ràng nếu không xử lý nghiêm thì tình hình thì còn nghiêm trọng hơn”, TS Doanh nhấn mạnh.
Giải pháp nào cũng khó
Tiếp tục phân tích, PGS.TS Nga đề cập các phương án bán dự án, cho thuê hoặc phối hợp cổ phần hoá hay giao lại cho doanh nghiệp cùng khai thác, hoặc tuyên bố phá sản với các dự án này được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra.
Vị chuyên gia cho rằng, những giải pháp mà Bộ trường đưa ra không có gì mới. Tuy nhiên thực hiện nó trong giai đoạn hiện nay thì không đơn giản.
Ông nêu dẫn chứng: “Nếu bán dự án thì bán cho ai và với giá bao nhiêu cho đúng với cơ chế thị trường. Nếu không làm tốt việc mua bán này thì chúng ta mất cả chì lẫn chài. Việc tuyên bố phá sản thì không khó nhưng ai sẽ đứng ra quản lý một dự án không hiệu quả và làm sao tìm được nhà đầu tư vừa có khả năng tài chính vừa có năng lực quản lý điều hành một dự án hàng ngàn tỷ đồng?”.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề, ai sẽ là người quan tâm và chịu bỏ vốn ra mua lại những dự án thua lỗ, hoạt động không hiệu quả trong thời gian dài.
“Các biện pháp bán vốn, cổ phần hóa hay tuyên bố phá sản vô cùng khó khăn. Bởi lẽ các dự án đó bê bối như vậy thì ai sẽ là người mua và bán với giá như thế nào? Đó là những vấn đề rất nan giải, không phải dễ dàng.
Tiến hành cổ phần hóa cũng là một cách nhưng khi đó ai mua? Người ta mua để làm gì? Chỉ khi nào có lợi về tài chính thì người ta mới mua vào.
Trong trường hợp tuyên bố phá sản thì nhà nước sẽ bị thiệt hại vì khi đó người ta mua với một giá đống sắt vụn, mua với giá của một sản phẩm chưa hoàn thành và không đem lại một kết quả gì cả. Không thể nào hi vọng doanh nghiệp đền bù được số tiền đã chi ra và thiệt hại lớn”, TS Doanh lo ngại.
Để giải quyết việc này, PGS.TS Nga khẳng định, Chính phủ cần phải tỉnh táo và thuê tư vấn có uy tín từ nước ngoài để có cơ sở khoa học trước khi ra quyết định chọn giải pháp nào cho hợp lý nhằm “tối thiểu hóa thua lỗ”.
“Giải pháp căn cơ ở đây là nhà nước là chủ đầu tư, sau đó sẽ mời thầu cạnh tranh trên toàn cầu. Không thể vừa là chủ đầu tư, lại vừa thi công, vừa giám sát…Chúng ta chấp nhận cắt lỗ để những tế bào ung thư không lây lan sang các khu vực khác. Sự phá hủy sáng tạo là ở đây. Chấp nhận đau thương một lần để cơ thể khỏe mạnh ngàn lần”, PGS.TS Nga nêu giải pháp.
Rà soát toàn bộ các dự án
Ngoài 5 dự án mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu trên, PGS.TS Nga khẳng định còn rất nhiều dự án hàng trăm tỷ đồng của nhà nước đã “đi vào dĩ vãng” và hầu như không thu hồi được vốn.
Vì vậy vào thời điểm này, Chính phủ cần rà soát lại toàn bộ dự án của mình trên lãnh thổ Việt Nam và cả ở nước ngoài (trừ một số dự án phi lợi nhuận và vì lý do chính trị). Thậm chí kể cả những dự án có lãi nhưng nếu tính cụ thể các chi phí liên quan, trong đó có chi phí kinh tế thì tỷ suất lợi nhuận rất thấp so với mặt bằng chung thì cũng cần xử lý.
“Những dự án cần ưu tiên xử lý sẽ là những dự án mà tư nhân có thể tiếp cận và có vận hành hiệu quả hơn. Nhìn chung càng xử lý nhanh bao nhiêu thì càng tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên phải tính toán hợp lý về kinh tế và xã hội với môi trường”, ông Nga nói.
Theo vị chuyên gia: “Chúng ta nên thu hẹp các dự án công, trừ khi những dự án này mang lại lợi ích ròng cho xã hội và quan trong hơn là nhờ nó mà nhà nước có thể giảm thiểu được các khuyết tật của thị trường. Nếu tư nhân có thể tiếp cận và làm được hiệu quả thì nhà nước không nên can thiệp vào để cản trở”.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/du-nghin-ty-dap-chieu-dieu-bo-truong-chua-noi-ro-a156623.html