Chiều nay (17/11), Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Đấu giá tài sản với 84,41% số phiếu tán thành. Luật Đấu giá tài sản điều chỉnh một số quy định về đấu giá tài sản, trong đó có quy định về nợ xấu.
Tại các phiên họp góp ý xây dựng Dự thảo luật, nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo Luật quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC).
Một số ý kiến đề nghị không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này.
Giải trình quan điểm về vấn đề này, UBTVQH cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế, do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, giữ quy định tại Mục 3 Chương IV về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung như trong dự thảo Luật một cách chặt chẽ, minh bạch, khách quan, tránh thất thoát tài sản Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu của tổ chức này.
Quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thể hiện cụ thể trong luật như sau: Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại điểm o khoản 1 Điều 4 của Luật này; Trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự đấu giá tài sản phải theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Chính phủ quy định chi tiết việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có các quyền sau đây: Ký hợp đồng lao động với đấu giá viên hành nghề tại tổ chức; Cử đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; Các quyền khác theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có các nghĩa vụ sau đây: Thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản; Ban hành Quy chế cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 34 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Giao tài sản đấu giá và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá; Trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 49 của Luật này thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người có tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật; Trường hợp tự đấu giá tài sản thì phải chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá; Bồi thường thiệt hại do tổ chức gây ra trong khi thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật; Lập Sổ theo dõi tài sản đấu giá, Sổ đăng ký đấu giá; Đề nghị Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở cấp Thẻ đấu giá viên cho đấu giá viên hành nghề tại tổ chức; Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức theo quy định tại Điều 20 của Luật này; Báo cáo Bộ Tư pháp danh sách đấu giá viên đang hành nghề tại tổ chức định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu; Báo cáo Bộ Tư pháp và Ngân hàng nhà nước Việt Nam hoạt động đấu giá tài sản định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu;...
Luật cũng nghiêm cấm tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện các hành vi sau đây: Thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá tài sản; Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, giao, nhận tài sản đấu giá; Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người tham gia đấu giá ngoài chi phí đấu giá, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-thuc-quy-dinh-ve-dau-gia-no-xau-a156620.html