TS Luật. Đào Ngọc Chuyền – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Lo ngại vẫn bỏ lọt tội phạm kinh tế

(Pháp lý) - Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã bỏ Điều 165 và thay thế bằng các tội danh mới. Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Luật sư) cho rằng thay đổi này là cần thiết, nhưng chưa triệt để, vẫn có nguy cơ bỏ lọt tội phạm kinh tế.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền trao đổi với Phóng viên Pháp lý
Luật sư Đào Ngọc Chuyền trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Thực tế tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị can, bị cáo bị buộc tội theo Điều 165, Luật sư Chuyền chia sẻ: “Tôi nhận thấy khi làm án này cả Điều tra viên, Kiểm sát viên đến Thẩm phán xét xử đều gặp khó. Họ thường có những quan điểm khác nhau. Nếu một trong 3 cơ quan tố tụng áp dụng tùy tiện thì nguy cơ xảy ra oan sai cho người dân là rất lớn”.

Không chỉ vậy, quy định tại Điều 165 của BLHS 1999 còn không phù hợp với Hiến pháp 2013, vốn đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân và đặc biệt là quyền tự do kinh doanh. Bởi vậy, buộc phải “tháo bỏ” quy định này. Tuy nhiên tháo bỏ không có nghĩa là buông lỏng. “Nhà quản lý cụ thể là nhà nước phải tìm ra cách thức mới. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ nói là Chính phủ kiến tạo – tức là phải tạo ra hành lang pháp luật đầy đủ để cho doanh nghiệp, người dân, tổ chức kinh doanh công bằng, hiệu quả”, ông Chuyền nhận định.

Các tội danh mới liệu đã “phủ kín” để xử tội phạm kinh tế?

BLHS năm 2015 đã thay thế Điều 165 bằng 9 tội danh mới, Luật sư Đào Ngọc Chuyền cho rằng: Quy định cụ thể như vậy là tốt nhưng dưới góc nhìn của một chuyên gia luật, tôi cho rằng nhiều tội phạm cụ thể sẽ bị lỏ lọt. Ông Chuyền liệt kê: Cụ thể nếu có Tội thông đồng bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng có Tội thông đồng bao che cho người nộp bảo hiểm xã hội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng có Tội vi phạm quy định về kiểm toán gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, nếu chỉ với 9 tội danh được ghi nhận trong BLHS 2015, theo tôi Luật chưa lượng hóa được hết tình hình tội phạm.

Ngoài ra, ông Chuyền cũng cho rằng trên thực tế có nhiều hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khác. Ví dụ như việc quản lý các kho dữ liệu thông tin trên mạng, nội bộ đều có quy định quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên người quản lý lại không làm theo quy định để các hacker tấn công gây sập mạng, lộ bí mật quốc gia từ đó có thể chuyển tiền đi quốc tế, thu lợi. Thiệt hại lúc đó rất lớn, vậy có xử lý theo tội cố ý làm trái được hay không?

Đồng thời, trước đây hầu hết các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng đều bị xét xử theo tội danh này. Khi luật sửa đổi, 9 tội danh mới (thay thế Điều 165) không có tội danh nào quy định trực tiếp về những vi phạm của tội phạm ngân hàng. Nếu vậy thì các hành vi vi phạm về kinh tế của ngân hàng sẽ dựa vào đâu để xử lý? Nếu chỉ dựa vào các quy định liên quan đến tội phạm tham nhũng (tội phạm có chức vụ) thì e khi áp dụng vào thực tế xử lý tội phạm xảy ra ở lĩnh vực ngân hàng sẽ bỏ lọt hành vi vi phạm.

Nhiều tội danh khó áp dụng

Đi vào phân tích từng điều luật, Tiến sĩ, luật sư Đào Ngọc Chuyền cho rằng có rất nhiều tội danh sẽ làm khó cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt là luật sư – người luôn muốn tìm ra những luận điểm có lợi cho bị can, bị cáo.

Ông Chuyền dẫn chứng về các tội danh như Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), dưới góc độ của kinh tế thì việc quản lý tài sản nhà nước bao gồm cả việc quản lý nguồn vốn đầu tư vào công trình và quản lý công trình khi hoàn thành. Từ lý luận đó, nếu trong thực tế có hành vi vi phạm liên quan đến một công trình của nhà nước, một mặt là quản lý nguồn vốn, một mặt là quản lý công trình nhưng thực chất vẫn là quản lý tài sản nhà nước. Vậy xét xử theo tội danh nào mới đúng?

Hay cùng trong nhóm tội, Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221) và Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224). Trên thực tế nếu có vi phạm trong nhóm đầu tư xây dựng công trình sẽ xuất hiện trong các hoạt động kế toán, kiểm toán, đấu thầu... Nếu có công trình xây dựng, được đầu tư 1 tỉ nhưng kế toán làm sổ sách lên tới 2 tỉ để quyết toán. Vậy nên áp dụng Tội vi phạm các quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hay Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng hậu quả nghiêm trọng (Điều 224) cho hành vi trên?

  Sẽ khó áp dụng trong thực tế nếu không tiếp tục sửa đổi Điều 224 (BLHS 2015) - Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng  (ảnh minh họa)
Sẽ khó áp dụng trong thực tế nếu không tiếp tục sửa đổi Điều 224 (BLHS 2015) - Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
(ảnh minh họa))

Ngoài ra ở một số tội trong nhóm tội này, rất khó định lượng thiệt hại. Luật sư Chuyền lấy ví dụ ở tội lãng phí, thất thoát trong đầu tư công. Cách tính toán mức lãng phí, thất thoát có ý nghĩa quan trọng để xác định khung hình phạt bổ sung, mức bồi thường của bị can bị cáo cho nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế thì ở hầu hết các công trình lãng phí, thất thoát khó định lượng được điều này do thất thoát lãng phí thường kéo dài qua hết nhiệm kì này đến nhiệm kì khác và qua nhiều người quản lý.

Thể chế như 9 điều luật trong BLHS 2015 sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi khi tiến hành tố tụng. Điều này sẽ dẫn đến hạn chế là đôi khi cùng một hành vi, diễn biến và tính chất giống nhau nhưng ở các cơ quan tố tụng khác nhau vận dụng khác nhau. Có thể nói, các quy định trên không tạo ra tính thống nhất để tạo ra sự công bằng cho pháp luật.

Trong một số tội danh còn quy định yếu tố vụ lợi và thu lợi bất chính. Quy định này làm khó cho người thực hiện pháp luật bởi khó xác định rõ ràng vụ lợi, thu lợi và chiếm đoạt để hướng tới xác định được vai trò của bị can, bị cáo trong vụ án.

Khi Phóng viên nêu thực tế một số thiệt hại kinh tế lớn của nhà nước trong quản lý tài sản, quản lý đầu tư như đường, trường trạm xây ra không sử dụng, đầu tư ngoài ngành gây thiệt hại của các Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước đã bị thanh kiểm tra và kết luận, hiện tượng kinh doanh thua lỗ mà vẫn đi nước ngoài đều đặn ở các doanh nghiệp nhà nước... tới đây có bị xử lý nghiêm? Luật sư Đào Ngọc Chuyền cho rằng: Nếu những quy định mới có hiệu lực pháp luật, chắc chắn có thể xử lý được những sai phạm, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên vì những hạn chế của những điều luật như đã phân tích ở trên nên tới đây, cơ quan soạn thảo và Quốc hội cần nghiên cứu thêm, tiếp tục có những sửa đổi để luật sớm đi vào cuộc sống, trừng trị tội phạm được nghiêm minh, công bằng, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.

Phan Tĩnh (ghi)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ts-luat-dao-ngoc-chuyen-pho-chu-nhiem-doan-luat-su-tp-ha-noi-lo-ngai-van-bo-lot-toi-pham-kinh-te-a156588.html