(Pháp lý) - LTS: Hiện có nhiều luật quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật Đấu giá tài sản; Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Tuy quản lý bằng nhiều luật nhưng thực tế dễ nhận thấy việc quản lý tài sản công vẫn lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí. Giải pháp nào để quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiệu quả là vấn đề bức thiết cần sớm được các cơ quan quản lý, Quốc hội xem xét tháo gỡ.
Bài 1: Thất thoát, lãng phí tài sản công: “Muôn hình vạn trạng”
Tài sản nhà nước hay còn gọi là tài sản công rất phong phú, bao gồm đất đai, trụ sở, công trình... được giao cho các đơn vị, tổ chức quản lý và sử dụng. Nguồn lực tài sản này của Việt Nam rất lớn nhưng hiện nay việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước còn phân tán, lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Chưa quản lý hết tài sản công
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới - WB, trị giá tài sản công của mỗi quốc gia thường bằng 4 lần GDP nước đó. Ở Việt Nam, tổng trị giá tài sản công còn có thể lớn hơn nhiều, do ngoài tài sản các cơ quan nhà nước nắm giữ, còn một lượng lớn tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước; và tài sản nhà nước được định nghĩa rộng hơn nhiều nước trên thế giới.
Số lượng tài sản công rất lớn, nhưng Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008, mới đưa vào quản lý 4 loại tài sản gồm: Trụ sở và tài sản trên đất; quyền sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc; các tài sản khác do pháp luật quy định. Trị giá tài sản thuộc 4 nhóm này khoảng 1,04 triệu tỷ đồng (gần 50 tỷ USD).
Tổng giá trị tài sản nhà nước tính đến hết năm 2015 là 1.101.968,28 tỷ đồng. Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất: 691.971,69 tỷ đồng; tài sản là nhà: 334.574,20 tỷ đồng; tài sản là ô tô: 22.255,27 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 tài sản: 52.931,20 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước: 235,92 tỷ đồng.
Như vậy là mới quản lý, có dữ liệu một phần rất nhỏ trong tổng tài sản công, còn nhiều tài sản khác cũng được xem là tài sản công cần đưa vào quản lý, như: Các công trình cấp nước sạch (tổng trị giá hơn 20.000 tỷ đồng); Hệ thống đường bộ (hơn 39.000 tuyến đường, tổng trị giá hơn 1,83 triệu tỷ đồng); Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mỏ quặng… những tài sản này lâu nay ít được quan tâm, quản lý. Bộ Tài chính ước tính tổng số tài sản công phải lên tới 10 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng, bền vững cần được khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội.
Do luật hiện nay chưa bao quát hết số lượng tài sản công cần được phân định, quản lý, dẫn tới quy định còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, thất thoát, lãng phí, tham nhũng…
Lãng phí trong quản lý, sử dụng đất công
Một trong những vấn đề nóng bỏng về quản lý tài sản công hiện nay đó là quản lý đất công. Khi tấc đất là tấc vàng, đã có nhiều dẫn chứng cho thấy việc quản lý và sử dụng gây thất thoát, lãng phí và có dấu hiệu của tiêu cực. Xin dẫn chứng vài ví dụ ở TP. HCM và TP. Hà Nội.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, có tình trạng nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất công với giả rẻ mạt sau đó đơn vị thuê (thường là doanh nghiệp nhà nước) chỉ cần trao tay, cho thuê lại thì thu hai tháng tiền đất đủ để trả tiền thuê cả năm cho Nhà nước. Số tiền chênh lệch sau đó bị biến báo theo nhiều cách khác nhau...
Khu đất rộng gần 16 ha ở số 2 Trường Chinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) của Công ty cổ phần dệt may Thắng Lợi (gọi tắt là Dệt may Thắng Lợi) hiện là những nhà xưởng rộng thênh thang, kéo dài hàng trăm mét mặt tiền đường Trường Chinh. Nhà nước cho công ty này thuê với giá ưu đãi nhưng công ty này cho thuê lại theo nhiều hình thức khác nhau. Đáng kể là khu đất hơn 5.200m2 có mặt tiền đường Trường Chinh được Công ty ô tô Ngôi Sao Việt thuê lại làm nơi trưng bày với giá khoảng 4,4 tỉ đồng/năm. Hợp đồng này được ký từ tháng 8/2005 đến tháng 7/2030.
Một ví dụ khác là UBND TP. HCM giao cho Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp II ( XNKTH II) hơn 4.300m2 đất tại P.Tây Thạnh (nay là 59 đường Chế Lan Viên) để xây dựng xí nghiệp đan len. Hiện khu vực trên có hai khối nhà, Công ty XNKTH II cho thuê 430m2 nhà xưởng với giá khoảng 13 triệu đồng/tháng, còn lô đất lớn hơn 3.100m2 có khối nhà một trệt một lầu được cho Đại học Hùng Vương thuê giá hơn 100 triệu đồng/tháng. Tương tự, mặt bằng 62 đường Tân Thành (do Công ty cổ phần Mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu quản lý) hiện cũng đang được đơn vị quản lý đã chia năm xẻ bảy cho thuê đủ loại hình từ kho bãi, văn phòng công ty, bán vé máy bay đến cà phê, hủ tiếu, rửa xe... Tổng diện tích khu này gần 10.000m2, trong đó có hơn 7.000m2 nhà kho và gần 3.000m2 khuôn viên.
Từ những vụ việc trên cho thấy, chủ trương của thành phố cho thuê đất để sản xuất, nhưng sau đó các công ty trên lại cho thuê lại để kinh doanh là trái với mục đích giao đất. Tuy nhiên hiếm thấy động thái thu hồi lại đất hay xử lý các sai phạm trên.
Cũng là vấn đề quản lý, sử dụng đất công, tại Hà Nội, gần 300 m2 “đất vàng” tại địa chỉ 76 Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) với giá trị hàng chục tỷ đồng đã được Cty CP cơ khí xây dựng 18 (Coma 18) “phù phép” thành “nhà hoang” để bán lại cho DN khác với giá 600 triệu đồng. Trong khi đó, một số cán bộ, công nhân viên công tác tại Công ty này cho rằng, giá trị thật của nhà đất tại 76 Lê Lợi nằm ở mức 30 – 35 tỷ đồng, chứ không thể quá rẻ như cách mà lãnh đạo Coma 18 “bàn giao” cho Công ty Ngân Phát là công ty tư nhân. Ví dụ trên cho thấy, qua nhiều cách thức khác nhau, tài sản là đất công của nhà nước đang bị hao hụt vào túi tư nhân hoặc túi của một nhóm.
Nhiều công trình đầu tư tiền tỉ rồi bỏ hoang
Thực tế này có thể thấy ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chỉ xin nêu một ví dụ ở một tỉnh vùng cao. Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Nhiều năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Bắc Kạn đã chi hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách để xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội. Nhưng đáng buồn, rất nhiều công trình tiền tỷ hoành tráng xây dựng xong chỉ có tác dụng để ngắm.
Đầu tiên phải kể đến là Dự án Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội cơ sở II trên diện tích 80.000 m2 tại TP Bắc Kạn. Dự án này được điều chỉnh mức đầu tư lên tới 43 tỷ đồng. Sau đó, chủ đầu tư vẫn chỉ cho thi công èo uột và đến năm 2013 thì dừng hẳn. Công trình “bạc tỷ” bỏ hoang phế trong sự xót xa của người dân. Trước sự cầm chừng và bất thường đó thì Tỉnh này yêu cầu các đơn vị quyết toán đúng giá trị thi công và yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan. Những tưởng sau những biện pháp xử lý nghiêm khắc và chỉ đạo quyết liệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công mới sẽ nhanh chóng hoàn thiện và đưa dự án vào sử dụng để sớm phát huy hiệu quả. Ai dè, sau khi đầu tư thêm cả “núi tiền” đến nay công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng mà bỏ hoang cho cỏ mọc.
Lãng phí không kém là Dự án kè bờ hữu và chỉnh trị dòng sông Cầu ở thành phố Bắc Kạn. Dự án này được đầu tư hơn 60 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành năm 2013, ngành chức năng TP Bắc Kạn không giao cho đơn vị nào chăm sóc, quản lý dẫn đến công trình bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư hàng tỷ đồng không phát huy tác dụng. Dự án bỏ hoang trở thành nơi tụ tập lý tưởng của các đối tượng nghiện ngập, hút chích ma túy.
Đáng chú ý hơn cả là Dự án nhà máy xi măng Bắc Kạn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng rơi vào tình trạng xây xong rồi “đắp chiếu”. Dự án nhà máy xi măng này được coi là niềm hi vọng khởi đầu cho chiến lược phát triển công nghiệp của Bắc Kạn. Tuy nhiên, ngay khi bước vào hoạt động nhà máy này đã bộc lộ những hạn chế đó là sử dụng công nghệ lò đứng lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng dẫn đến việc ít người sử dụng. Dù đã được tái cơ cấu nhiều lần, nhưng cuối cùng nhà máy vẫn chết yểu và ngừng hoạt động. Nhà máy bỏ hoang để lại những món nợ khổng lồ.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt công trình bạc tỷ xây xong bỏ hoang không phát huy tác dụng là do ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã không tính toán, khảo sát kỹ trước khi xây dựng các công trình.
Muôn mặt thất thoát
Thất thoát, lãng phí tài sản công diễn ra ở rất nhiều cấp độ, ở mọi loại hình tài sản, mọi cấp quản lý, với những thủ đoạn khác nhau.
Đơn cử như xe công, hiện cả nước có hơn 37.000 xe công, sau khi Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, số xe dôi dư lên tới khoảng 7.000 xe.
Một lĩnh vực gây thất thoát tài sản công lớn hơn chuyện xe công rất nhiều, đó là đất đai, trụ sở trong cổ phần hóa, bán đấu giá tài sản. Điều không khó nhận thấy là khi cổ phần hóa DNNN là, tài sản đất được định giá thấp hơn giá trị thị trường rất nhiều.
Theo báo cáo mới nhất về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của Chính phủ, đất chiếm gần 68% tổng giá trị toàn bộ tài sản Nhà nước với 2.565,79 triệu m2 (tương đương 700.574,99 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ hiện tượng hàng loạt cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian qua khiến nhiều chuyên gia cho rằng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước nếu thực hiện không minh bạch.
Mới đây báo chí nhắc lại vụ bán đấu giá khách sạn 120 phố Quán Thánh (Hà Nội), tài sản do Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT quản lý, sử dụng. Công ty bán đấu giá khách sạn hai mặt phố, diện tích 276 m2 này với giá khởi điểm 49 tỷ 885 triệu đồng. Phiên đấu giá chỉ có hai phụ nữ tham gia, người thứ nhất trả bằng giá khởi điểm, người thứ hai trả thêm 30 triệu, thế là trúng đấu giá.
Ngay sau đó, người trúng đấu giá rao bán khách sạn này với giá 110 tỷ đồng. Nếu thương vụ này không bị ngăn chặn thì ít nhất Nhà nước cũng thất thoát 60 tỷ đồng, hơn gấp đôi số tiền thu về.
Dư luận thấy lạ nên quan tâm thì mới vỡ ra rằng, thông báo bán đấu giá không hề được dán công khai tại trụ sở UBND phường Quán Thánh như qui định.
Thông báo về tài sản đấu giá cũng gian dối. Bản thông báo ra ngoài thì thông tin sai, cho biết quyền sử dụng đất chỉ còn 3 năm trong khi thực tế là 50 năm; thời hạn bán hồ sơ đến khi khi nộp dự thầu chỉ 1 ngày, trong khi đó bản thông báo lưu trong hồ sơ thì thời hạn còn 15 ngày…
Từ một vụ được ngăn chặn, người ta đặt câu hỏi đã có bao nhiêu hợp đồng đấu giá kiểu như vậy và không biết bao nhiêu tài sản công đã chảy vào túi những người có liên quan và thẩm quyền một cách dễ dàng. Tính đến đầu năm 2015 đã có 23.059 hợp đồng bán đấu giá được ký kết. Đáng lưu ý rằng, theo một thống kê, tuyệt đại đa số các hợp đồng trên đây được bán với giá cao hơn giá khởi điểm dưới 8%, trong khi bình quân của thế giới là 20-50%.
Với hơn 155.000 cơ sở nhà đất thuộc cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, có không ít bị sử dụng sai mục đích. Điều này gây ra tình trạng lãng phí rất lớn cho Nhà nước, không phát huy được phần tài sản này.
Một thủ đoạn khác phải kể đến vụ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bán rẻ hai lô đất vàng tại 22 Phan Bội Châu và 80 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Chiêu trò của họ là dùng đất thuộc sở hữu nhà nước để góp vốn kinh doanh, sau đó doanh nghiệp báo cáo thua lỗ để bán thanh lý tài sản nhằm rút vốn. Vụ việc bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời, nếu không hai tài sản lớn đã bị bán với giá rẻ mạt.
Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Từng có một miếng đất 5.000m2 ở trung tâm một đô thị nọ sau khi chuyển nhượng thì chênh lệch giữa giá Nhà nước và giá bên mua phải trả cho là 10 triệu USD. Cứ hình dung thế này: 1m2 họ tính có 7 triệu đồng để đưa nộp ngân sách nhà nước, nhưng thực chất là hơn 30 triệu đồng/m2, như vậy chênh lệch ít nhất là hơn 2.000 USD/m2. Đây chính là khoản tiền dễ bị tham nhũng nhất, cần phải có sự giám sát ở đây và mọi việc phải minh bạch".
Xin điểm thêm một kiểu thất thoát nữa là các dự án PPP và BOT. Các nhà đầu tư thường kê khai số vốn cao hơn thực tế, nhưng cơ quan quản lý vì nhiều lý do lại chấp nhận tổng mức đầu tư họ đưa ra. Hệ quả là mức thu phí hoàn vốn BOT kéo dài. Cơ quan chức năng không kiểm soát được lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm thu phí, mà chỉ dựa vào báo cáo của nhà đầu tư. Trái ngược với khi kê khai mức đầu tư, bao giờ con số báo cáo cũng thấp hơn con số thực thu. Hậu quả là công trình chậm được đưa vào tài sản công, Nhà nước thất thoát nguồn thu không nhỏ.
Vì đâu nên nỗi?
Những lô đất vàng bị “xà xẻo”, những công trình phung phí, hoang hóa đều có địa chỉ, có hồ sơ rõ ràng nhưng người phải chịu trách nhiệm trước những thất thoát, lãng phí đó thì không thấy ?. Mọi sai phạm được nhận diện và phơi bày nhưng rất chung chung về cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ai cũng hiểu rằng, phía sau những hợp đồng cho thuê đất, những dự án đầu tư lãng phí đó là lợi ích nhóm, là dấu hiệu tham nhũng, trục lợi từ tài sản công. Do đó, việc không tìm ra người phải chịu trách nhiệm cũng là một trong những biểu hiện dung túng, chưa kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Nếu tình trạng này được kéo dài thì đồng nghĩa với việc tài sản công tiếp tục bị “xà xẻo” chảy vào túi những nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho xã hội.
Minh Hải – Nguyễn Phan (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ban-giai-phap-quan-ly-su-dung-hieu-qua-tai-san-nha-nuoc-a156422.html