Cục An ninh Cửa khẩu (Bộ Công an), Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an).
[caption id="attachment_156371" align="aligncenter" width="543"] Trước khi bị khởi tố, ông Trịnh Xuân Thanh- nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã bỏ trốn sang Châu Âu (Ảnh minh họa)[/caption]
Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định việc thực hiện các quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Theo đó, Quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền bao gồm: Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc người được ủy quyền; Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc người được ủy quyền; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc người được ủy quyền; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc người được ủy quyền; Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử; Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh; Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; Thủ trưởng cơ quan thi hành án; người đứng đầu đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh...
Căn cứ để ra quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị định số 136/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Nghị định số 83/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế; Nghị định số 62/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Bộ Công an giao Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện các quyết định trên theo quy định.
Tạm hoãn xuất cảnh không quá 3 năm
Theo dự thảo thông tư, thời hạn áp dụng quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh không quá 3 năm. Các quyết định này đương nhiên hết hiệu lực khi đã hết thời hạn áp dụng quyết định mà Cục Quản lý xuất nhập cảnh không nhận được văn bản về việc gia hạn của cơ quan, người có thẩm quyền.
Thông báo quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và quyết định gia hạn, hủy bỏ các quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền và người được ủy quyền gửi tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an bằng cách trực tiếp, qua đường công văn, qua đường chuyển phát nhanh của bưu điện hoặc bằng thông tin điện tử.
Cơ quan, người có thẩm quyền và người được ủy quyền ra quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh (kể cả khi gia hạn và hủy bỏ các quyết định này) có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người có nghĩa vụ chấp hành các quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh biết, trừ trường hợp vì lý do cần giữ bí mật cho công tác điều tra tội phạm hoặc lý do quốc phòng, an ninh.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh kiểm tra tính hợp lệ của thông báo quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, quyết định gia hạn và hủy bỏ các quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan, người có thẩm quyền và người được ủy quyền theo quy định. Trường hợp thông báo quyết định không đủ thông tin thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị bổ sung.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm nhập đầy đủ, chính xác thông tin ghi tại thông báo quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn của cơ quan, người có thẩm quyền, người được ủy quyền và thông báo ngay cho các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện.
Việc nhập dữ liệu và thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh được thực hiện trong thời hạn 24h kể từ khi nhận được thông báo quyết định hợp lệ của cơ quan, người có thẩm quyền.
Dự thảo thông tư nêu rõ, Cục An ninh Cửa khẩu (Bộ Công an), Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh khi nhận được thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Trường hợp cần thiết, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc không cấp hoặc hủy hộ chiếu, thị thực, giấy tờ khác có giá trị xuất nhập cảnh do Việt Nam cấp đối với người có nghĩa vụ chấp hành quyết định chưa được nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh và thông báo cho cơ quan đã cấp các giấy tờ này biết.
Trong thời hạn áp dụng quyết định chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh (kể cả gia hạn các quyết định này), nếu thấy cần phải hủy bỏ các quyết định này thì cơ quan, người có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện. Sau khi tiếp nhận văn bản thông báo, Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhập dữ liệu và thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện.
Theo Dantri
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thoi-han-ap-dung-quyet-dinh-tam-hoan-xuat-canh-khong-qua-3-nam-a156370.html