(Pháp lý) - Cạnh trạnh không lành mạnh là một chiêu trò kinh doanh không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Một số nước trên thế giới xử lý rất nghiêm đối với hành vi này. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới có thể là bài học bổ ích cho các nhà làm luật và giới doanh nhân Việt Nam.
Châu Âu chính là nơi khởi đầu của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và cũng là nơi có nhiều cách tiếp cận khác biệt trong quá trình xây dựng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ như Pháp và Anh đều điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên cơ sở các nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và cụ thể hoá thông qua các án lệ; toà án có vai trò rất lớn trong việc đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh và quyết định biện pháp xử lý, với chế tài chủ yếu là bồi thường thiệt hại.
Tại Mỹ, khi có vi phạm xảy ra, sẽ có một phiên điều trần với sự có mặt của bên vi phạm để làm rõ hành vi, và dựa trên kết quả phiên điều trần ra quyết định buộc đình chỉ và chấm dứt đối với hành vi bị xem là không lành mạnh; các chế tài về dân sự, về hình sự (phạt tiền, phạt tù…) có thể sẽ được áp dụng. Ngoài ra, tại một số quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc,… có sự tồn tại song song hai hệ thống quy định về cạnh tranh không lành mạnh: một hệ thống gắn liền với pháp luật về sở hữu trí tuệ, một hệ thống nằm trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh và điều này là tương tự với pháp luật Việt Nam. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam cũng quy định chế tài xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là dân sự, hình sự và hành chính như các nước. Tuy nhiên, số lượng vụ việc bị xử lý vi phạm thì chưa tương ứng với thực trạng hiện nay.
Luật Cạnh tranh Nhật gồm Luật Chống độc quyền (Luật Chống độc quyền tư nhân và duy trì cạnh tranh công bằng) và hai luật bổ trợ là Luật Chống các khoản thu lợi bất chính và các trình bày gây nhầm lẫn và Luật Hợp đồng phụ. Sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về một doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì ngoài các khoản phải bồi thường trực tiếp các thiệt hại thông qua thu nhập của doanh nghiệp bị cạnh tranh không lành mạnh thì doanh nghiệp gây ra còn phải bồi thường các khoản thiệt hại gián tiếp như các chi phí khắc phục hậu quả, chi phí khởi kiện, kể cả phí luật sư và các chi phí khác. Thời gian doanh nghiệp bị cạnh tranh theo kiện càng dài thì chi phí này càng được đội lên, khi đó doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh rất lo sợ trước những khoản chi phí này.
Trái lại, ở Việt Nam nhiều khoản chi phí lại không được công nhận như phí luật sư để theo đuổi vụ kiện, chi phí bỏ ra cho vụ kiện… do đó nhiều doanh nghiệp mặc dù bị cạnh tranh không lành mạnh nhưng vẫn không muốn theo kiện vì chi phí lớn, ông cha ta đã có câu “được vạ má sưng” là đúng với tình hình của chúng ta hiện nay. Điều này đã làm các doanh nghiệp không mặn mà với việc theo kiện khi bị cạnh tranh không lành mạnh.
Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan ra đời với rất nhiều mục đích, không chỉ nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường mà còn nhằm duy trì trật tự cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tính ổn định và sự thịnh vượng của toàn bộ nền kinh tế. Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi thương mại không lành mạnh và hoạt động bán hàng đa cấp. Các hành vi thương mại không lành mạnh được quy định từ Điều 19 đến Điều 24 bao gồm các dạng hành vi: hành vi làm hàng giả, quảng cáo gây nhầm lẫn hoặc quảng cáo sai sự thật, hành vi gièm pha/ nói xấu doanh nghiệp khác, và các hành vi giả dối hoặc hành vi không lành mạnh gây ảnh hưởng tới trật tự thương mại trên thị trường một cách rõ ràng.
Song song với Luật Thương mại lành mạnh, Ủy ban thương mại lành mạnh Đài Loan còn ban hành các hướng dẫn nhằm hướng dẫn chi tiết về các hành vi thương mại không lành mạnh được quy định trong Luật. Trong hướng dẫn chi tiết cho Điều 19 Luật Thương mại lành mạnh, Ủy Ban thương mại lành mạnh Đài Loan đã đưa ra các tiêu chí để quyết định xem có hay không các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một doanh nghiệp bị coi là “có thể hạn chế cạnh tranh lành mạnh”. Theo đó, để quyết định xem một doanh nghiệp có thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh lành mạnh hay không, hành vi đó phải được xem xét một cách chung hoặc tách biệt nhau, xem “các phương pháp cạnh tranh” được sử dụng bởi doanh nghiệp có lành mạnh không và xem “kết quả của phương pháp cạnh tranh” có làm suy yếu “chức năng cạnh tranh tự do trên thị trường” hay không.
Còn ở Úc thì Bộ Luật Cạnh tranh và tiêu dùng 2010 mà tiền thân là Đạo luật Thương mại 1974 quy định về những hành vi phản cạnh tranh nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả cạnh tranh ở nước này.
Thứ nhất, cấm bất kỳ hành vi tạo ra chỉ dẫn sai trái hoặc gây nhầm lẫn nào trong thương mại bằng bất kỳ hình thức nào. Trong đó, có chỉ dẫn sai trái hoặc gây nhầm lần về hàng hóa hoặc dịch vụ; Chỉ dẫn sai trái hoặc gây nhầm lẫn về bán hàng hóa liên quan đến bất động sản; Chỉ dẫn gây nhầm lẫn liên quan đến vấn đề việc làm; Khuyến mại dưới hình thức đưa ra các gói giảm giá, quà tặng, giải thưởng; Chỉ dẫn gây nhầm lẫn về bản chất của hàng hóa; Chỉ dẫn gây nhầm lẫn về bản chất của dịch vụ; Quảng cáo dụ dỗ... Với các hành vi trên mức xử phạt đối với đối tượng vi phạm là công ty đến: 1.100.000 USD; Mức xử phạt đối với đối tượng vi phạm không phải là công ty đến: 220.000 USD.
Thứ hai, sự tham gia vào mạng lưới hình tháp: cấm các hành vi tham gia vào mạng lưới hình tháp. Một mạng lưới hình tháp là một mạng lưới có 2 đặc tính sau đây: Thứ nhất, để gia nhập vào mạng lưới, một vài hoặc tất cả các thành viên mới phải cung cấp cho những thành viên khác trong mạng lưới một trong hai khoản phí sau (gọi là phí gia nhập): một khoản lợi nhuận tài chính hoặc phi tài chính cho thành viên khác hoặc các thành viên khác, một khoản lợi nhuận tài chính hoặc phi tài chính một phần cho thành viên khác hoặc các thành viên khác và một phần cho những người khác.
Thứ hai, những người mới tham gia bị xui khiến đóng các khoản phí gia nhập bởi triển vọng rằng họ sẽ được các lợi ích nếu giới thiệu thêm được những người mới gia nhập thêm vào mạng lưới.
Thứ ba, hành vi định giá: cấm không được cung cấp hàng hóa nếu hàng hóa đó có nhiều hơn một mức giá quảng cáo, và mức giá hiện cung cấp không phải là mức giá quảng cáo thấp hơn hoặc thấp nhất. Hành vi ấn định đơn giá trong các trường hợp nhất định: cấm các hành vi tạo chỉ dẫn có liên quan đến một số lượng hàng nhất định rằng nếu số hàng này được trả tiền sẽ tạo thành một phần tiền bồi thường cho nguồn cung hàng hóa/dịch vụ trừ khi người bán hàng cũng cụ thể hóa đơn giá của hàng hóa/dịch vụ bằng một cách gây chú ý và bằng một con số duy nhất.
Thứ tư, các hành vi không lành mạnh khác: Bán hàng hứa hẹn: cấm hành vi dẫn dụ khách hàng mua hàng hóa hoặc dịch vụ bằng cách hứa hẹn rằng người đó sẽ nhận được các hình thức giảm giá, hoa hồng hoặc các hình thức lợi ích thu hồi khác sau khi ký vào hợp đồng mua hàng nếu khách hàng cung cấp được tên của những khách hàng triển vọng (khách hàng cũng sẽ kí hợp đồng) hoặc mặt khác trợ giúp bán hàng hóa/dịch vụ cho các khách hàng khác. Quấy rối và ép buộc: Cấm các hành vi sử dụng vũ lực hoặc quấy rối, ép buộc bất hợp lý liên quan đến nguồn cung của hàng hóa/dịch vụ hoặc tiền thanh toán hàng hóa/dịch vụ, hoạt động kinh doanh hoặc nhượng quyền phần lợi nhuận sản sinh từ bất động sản hoặc tiền thanh toán cho phần lợi nhuận sản sinh từ bất động sản…
Lạc Sơn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-xu-ly-canh-tranh-khong-lanh-manh-a156302.html