Ngày 07-11-2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Thường trực tỉnh, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; đại diện Ban nội chính, các cơ quan trong khối nội chính, Sở tài chính các địa phương; chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng cùng lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI). Sau 10 năm thực hiện các chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận, thể hiện trên các mặt phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Từ những cố gắng trên, kết hợp với hiệu ứng tích cực có được từ đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa; góp phần ngăn chặn, kiềm chế tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” như Nghị quyết của Trung ương đề ra vẫn chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong khu vực công còn nhiều. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và xã hội. Tham nhũng vẫn đang là lực cản sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, vẫn là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay, là thách thức nghiêm trọng với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như: năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng còn yếu, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; chưa công khai dân chủ trong công tác cán bộ; thể chế quản lý kinh tế trên nhiều lĩnh vực còn kẽ hở; công tác tuyên truyền chưa tạo được dư luận lên án mạnh mẽ tham nhũng, lãng phí;...
Để đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”, báo cáo đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện thời gian tới, như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện, thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng; triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án giám sát, kiểm soát quyền lực để có thể ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng…
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Báo cáo đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tham nhũng; những đề xuất về định hướng lớn, giải pháp đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng… ngoài ra, các đại biểu cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội nghị và nhấn mạnh, bản chất của tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực để vụ lợi, tham nhũng có thể xảy ra ở mọi quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị, không phân biệt quốc gia giàu hay nghèo mà chỉ khác nhau ở tính chất, mức độ. Do đó, muốn kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, nhất thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực. Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là phát huy tính tiền phong gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu. Hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai), mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu (có chế tài xử lý nghiêm khi vi phạm). Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mà trước hết là giám sát ngay hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo pháp luật. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường. Bổ sung chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực, không giải trình được nguồn gốc của tài sản tăng thêm và xử lý tài sản không kê khai, tài sản tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý…
Về những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng chí đề nghị Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ, toàn diện nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án trình Bộ Chính trị.
Theo Noichinh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/phong-chong-tham-nhung-can-giam-sat-kiem-soat-quyen-luc-a156237.html