Đại đức Minh Niệm: Hạnh phúc lớn nhất là được sẻ chia

Cuốn sách thứ hai của Đại đức Minh Niệm - "Làm như chơi" được ra đời là kết quả sau thời gian dạy thiền và tâm lý trị liệu ở trong và ngoài nước.

Làm như chơi tập hợp 80 bài viết mang đến những lời khuyên, những phương pháp, những bài thực hành thực tế và bổ ích, để từ đó giúp những người bận rộn có thể giải quyết những vướng mắc của mình để có thể “vừa làm, vừa sống” thay vì phải làm xong việc rồi mới có thể sống, hoặc làm mãi mà quên sống.

- Thưa Đại đức Minh Niệm, tựa đề cuốn sách là “Làm như chơi - Làm chủ công việc và đời sống bằng năng lực tỉnh thức”. Chắc chắn sẽ có rất nhiều độc giả băn khoăn về khái niệm “năng lực tỉnh thức”, thầy có thể giải thích một cách ngắn gọn năng lực này?

- Ta thường chìm vào những nỗi lo lắng, muộn phiền, nên không nhận biết những gì đang xảy ra xung quanh mình và cả chính bản thân mình. Có, nhưng chỉ thỉnh thoảng hoặc khá mờ nhạt. Nhiều khi nhìn mà không thấy gì cả, nghe mà chẳng ghi nhận được gì cả, ăn mà không biết đang ăn cái gì nữa…

Lâu lâu có ai nhắc hoặc giật mình tỉnh ra thì cũng biết, cũng cảm nhận, nhưng chẳng được bao lâu ta lại rơi vào vùng “sương mù” tiếp. Nếu đang làm một việc gì quan trọng mà ta không ý thức rõ là ta đang làm cái gì, hậu quả hiện rõ trước mắt mà vẫn không thấy thì thật là nguy hiểm, phải không?

Cho nên sự tỉnh táo, nhận biết sáng tỏ, nhìn thấu đáo bản chất một đối tượng hay vấn đề là điều hết sức cần thiết. Mà nếu lúc nào cũng có sẵn nguồn năng lực như vậy dự trữ, nhất là khi làm việc hay thương yêu, thì ta sẽ luôn ở thế chủ động.

Năng lực đó gọi là năng lực tỉnh thức.

Còn làm thế nào để có được năng lực đó thì chắc phải đọc sách thôi (cười). Vì cuốn sách này hướng dẫn mình làm sao để có được năng lực đó mà. Nếu cần tóm gọn một ý, thì đó là hành trình quay về bên trong để luyện tập thói quen tách mình ra khỏi những suy nghĩ và cảm xúc không cần thiết, giữ tâm quân bình, an trú.

 Đại đức Minh Niệm trong một buổi trao đổi.
Đại đức Minh Niệm trong một buổi trao đổi.)

- Trong công việc luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ thì mới mong hoàn thành và đạt được kết quả tốt. Còn thầy lại cho rằng “làm như chơi”, điều này có mâu thuẫn không?

- Không phải lúc nào công việc hay đối tượng cũng cần ta phải tập trung cao độ đâu. Nhiều khi chỉ cần thư giản, thoải mái, bình tĩnh, an vui, tự tin… mới giải quyết được vấn đề.

Tập trung quá mức đôi khi chỉ vì quá sợ hãi, vì không biết phải làm gì khác hơn. Tập trung mà không thấy rõ tiến trình tập trung, không kiểm soát được nó, thì thế nào ta cũng bị cuốn vào đối tượng hay công việc đó.

Biết cách làm, có kỹ năng, cộng với thái độ đúng đắn thì ta sẽ biến mọi việc trở nên dễ dàng. Làm như chơi. Làm như không làm. Như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Vẫn còn nguyên phong độ. Bình thản. Tươi tắn.

Chứ không phải như thói quen trước đây làm tới đâu phiền tới đó, vừa làm vừa khổ, làm xong rồi thì kiệt sức mà cái tôi lại phình to lên. Làm kiểu đó là bị nó thao túng và đè bẹp mất rồi.

Phải luyện cho mình khả năng làm chủ công việc thay vì để nó làm chủ thì ta mới có thể sống trong khi làm việc, mới không ngán công việc.

- Là một tu sĩ nhưng trong hai cuốn sách "Hiểu về trái tim” và “Làm như chơi”, thầy lại dành mối quan tâm và có cái nhìn khá sát sao, nóng hổi về những vấn đề mà con người hiện đại ngày nay đang đối diện. Đây có phải là một sự phân thân của thầy hay không?

- Quay vào bên trong tu luyện cũng chỉ để có nội lực, có trí tuệ, để quay ra giúp đời giúp người thôi. Tôi không có ý tu luyện để đạt tới một cảnh giới gì đó cho riêng mình đâu. Hạnh phúc lớn nhất là được sẻ chia mà! (cười).

Thực ra trong khi hướng dẫn thiền, trị liệu tâm lý, thuyết giảng, hay viết sách tôi cũng tu luyện đó chứ. Mà đó thường là những bài tập rất khó. Cho nên tôi không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của một nhà sư đang hành thiền trong rừng, tách xa thế tục, mà tôi còn là một người bạn, người anh, người thầy… có mặt khắp nơi, rất gần gũi và cũng rất đời thường.

À, tôi còn từng là một gã “tu bụi” và tình nguyện viên nữa đó (cười). Tôi có nhiều vai lắm. Luôn nâng niu và cố gắng làm tốt từng vai, mà quan trọng là không để mình bị mắc kẹt vào vai nào cả. Không có vai chính và vai phụ. Không có chính thân hay phân thân.

- Những điều tâm đắc của thầy trong quyển sách này là gì? Thầy mong giúp cho đại chúng điều gì qua cuốn sách này?

- Điều nào viết ra cũng tâm đắc hết (cười). Vì tôi viết từ kinh nghiệm xương máu, từ khúc hát khải hoàn khi vượt thoát được phần nào những giới hạn và yếu kém của bản thân. Nó còn được viết từ niềm khát khao muốn được chia sẻ, nhất là với thật nhiều các bạn trẻ.

Nhưng nếu để chọn ra điều tâm đắc nhất thì đó là phần khơi dậy niềm tin vào sức mạnh bên trong và sức mạnh của đoàn thể qua sự khổ luyện, vì hầu hết các bạn trẻ bây giờ không có ý niệm gì về chuyện đó cả. Mà đó là chuyện hết sức quan trọng, làm nên sự thành công và hạnh phúc bền vững.

Điều mong muốn từ cuốn sách này đó là giúp mọi người biết sống tỉnh thức. Chỉ có sống trong tỉnh thức thì mới có thể vừa làm vừa sống, mới có thể thoát khỏi sự khống chế của thành-bại, được-mất… mới thể hiện cái tốt nhất của mình.

 Cuốn sách Làm như chơi vừa ra mắt của Đại đức Minh Niệm.
Cuốn sách Làm như chơi vừa ra mắt của Đại đức Minh Niệm.)

- Mặc dù cuốn sách được giới thiệu là kết quả của thầy sau thời gian hướng dẫn các khóa thiền; tuy nhiên, đọc cuốn sách này mới thấy nó không chỉ dành cho những người bận rộn mà dành cho tất cả mọi người. Đây dường như là chủ đích của thầy khi viết?

- Đúng là hồi đầu tôi định viết cho doanh nhân, cho những người bận rộn. Nhưng khi viết tôi mới nhớ là doanh nhân nhiều khi lại gặp rắc rối, khổ sở và đánh mất chính mình từ những sinh hoạt rất cơ bản hàng ngày. Cho nên ở bất cứ nơi nào hay làm bất cứ điều gì cũng cần có sự tỉnh thức hết. Và ai cũng cần hết.

- Với “Làm như chơi”, bạn đọc có thể nhìn thấy ẩn trong đó là các phương pháp trị liệu theo tâm lý học hiện đại. Vậy, thầy có từng được đào tạo trong chuyên ngành Tâm lý trị liệu hay không?

- Không, chỉ có đọc sách thôi. À, còn có trao đổi thường xuyên với các chuyên gia Tâm lý trị liệu Tây phương nữa. Nhưng chủ yếu là từ nơi khám phá và chữa lành vết thương tâm lý của bản thân qua việc thực hành thiền.

- Được biết thầy từng có chuyến "tu bụi" rất thú vị. Hiện nay, trên thị trường đang có khá nhiều cuốn sách du ký được bạn đọc yêu thích. Thầy có dự định viết một cuốn sách về hành trình của mình?

- Có! Nhưng vì còn nhiều thứ quan trọng hơn cái gọi là "thú vị hay hấp dẫn" cần được viết ra trước. Tôi cũng đang cân nhắc viết như thế nào cho khéo, chứ nếu không nhiều bạn nghe xong nổi hứng đi bụi ngay thì nguy. Đi “bụi” mà không “tu” thì dính bụi ngay.

Đại đức Minh Niệm tên thật là Lê Quốc Triều, sinh năm 1975 tại Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1992 xuất gia và nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Đại thừa tại Phật học viện Huệ Nghiêm, Sài Gòn.

Làm như chơi là cuốn sách thứ hai của Đại đức Minh Niệm sau cuốn sách Hiểu về trái tim - xuất bản năm 2010, đến năm 2013 được bạn đọc bình chọn là cuốn sách yêu thích nhất trong cuộc bình chọn do Fahasa tổ chức.

Theo News.zing

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-duc-minh-niem-hanh-phuc-lon-nhat-la-duoc-se-chia-a156177.html