Bộ Công Thương giải trình về năm dự án ngàn tỉ gây thua lỗ

Giải trình trước Quốc hội về năm dự án có vốn đầu tư từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng như Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ…, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói rằng đã và đang thanh tra đồng loạt cả năm dự án.

Số phận năm dự án ngàn tỉ giờ ra sao?

Theo như lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói tại Quốc hội sáng ngày 3-11, bộ này đã có báo cáo giải trình về năm dự án ngàn tỉ gây nhiều thắc mắc trong dư luận suốt thời gian qua, được nhà nước đầu tư vốn từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng thông qua các tập đoàn hoặc các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối. Ông Tuấn Anh thừa nhận là báo cáo giải trình của bộ còn chung chung, chưa đi vào cụ thể.

Các dự án đó bao gồm dự án nhà máy sản xuất giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol, cồn sinh học. Các dự án đều được đầu tư trong một thời gian rất dài so với quá trình đầu tư ban đầu đã được phê duyệt. Thậm chí có nhiều dự án đầu tư gấp đôi thời gian trong phê duyệt ban đầu.

 Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II hiện nay thua lỗ nghiêm trọng, bất chấp quá trình đầu tư bằng vốn vay kéo dài gần 10 năm. Ảnh:TL
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II hiện nay thua lỗ nghiêm trọng, bất chấp quá trình đầu tư bằng vốn vay kéo dài gần 10 năm. Ảnh:TL)

Trong quá trình thực hiện dự án có rất nhiều vướng mắc, thay đổi cả về bối cảnh của thị trường cũng như các vấn đề cụ thể trong từng dự án. Chính phủ đã tháo gỡ cho từng dự án, tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả. Quan điểm của Chính phủ là rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án và có báo cáo cụ thể.

“Nhưng không chỉ năm dự án này mà còn một số dự án khác tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ có khả năng kém hiệu quả, gây ra nguy cơ mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo. Đồng thời ông nêu ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, kém hiệu quả ở năm dự án nêu trên và nhiều dự án khác là do các nguyên nhân cụ thể.

Thực trạng của dự án nay đã rất xa tính toán ban đầu. Quá trình điều hành thực hiện của các chủ đầu tư và các cấp quản lý chưa đến nơi, đến chốn. Mặt khác cần xác định rõ những giải pháp để giải quyết trên nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn lợi ích của Nhà nước cũng như hiệu quả của đồng vốn Nhà nước. Đồng thời, có phương án giải quyết để đảm bảo không thất thoát thêm, phù hợp với những nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó phải làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để có biện pháp xử lý.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước thực trạng kém hiệu quả ở nhiều dự án, thời gian qua các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước đã phải vào cuộc. Như dự án xơ sợi Đình Vũ hay các dự án ethanol (đều do Tập đoàn Dầu khí và các công ty con của tập đoàn này là chủ đầu tư), Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và đang chờ Thủ tướng phê duyệt kết quả thanh tra, sau đó sẽ có những hướng chỉ đạo xử lý.

Các dự án khác như gang thép Thái Nguyên hoặc đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đang cho thanh tra, cũng sắp có kết quả và sẽ báo cáo với Thủ tướng về những biện pháp xử lý dứt điểm.

Thiếu rạch ròi về vai trò quản lý

Ông Tuấn Anh cho rằng có một số bài học cần rút ra sau việc rót hàng ngàn tỉ đồng vào các dự án nêu trên.

Đó là phải rạch ròi hơn nữa trong công tác quản lý các nguồn lực đầu tư của nhà nước, không chỉ đầu tư công mà còn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đặc biệt phải làm rõ vai trò của DNNN trong thị trường và phát triển sản xuất gắn với thị trường; phải xác định rõ những lĩnh vực tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp khác tham gia tiếp cận với cơ hội của thị trường nhằm phát triển sản xuất cũng như cung ứng cho thị trường.

Các dự án nói trên đã bộc lộ những khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như về mặt thể chế. Đây là vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý. “Giữa bộ chủ quản, bộ quản lý về đồng vốn cũng như bộ quản lý về các quy trình, thủ tục đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước nói chung là chưa rạch ròi”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Ông nhấn mạnh: “Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại DNNN”.

Theo ANTT

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-cong-thuong-giai-trinh-ve-nam-du-ngan-ti-gay-thua-lo-a155978.html