"Khi anh chưa chứng minh người ta phạm tội, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được..." - Thượng tướng Lê Quý Vương -Thứ trưởng Bộ Công an - đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (4.11).
Vụ việc ông Vũ Đình Duy - cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVtex) - vắng mặt từ cuối tháng 10 và có giấy phép nói "có thể phải đi nước ngoài để chữa bệnh". Bộ Công Thương không chấp nhận đơn nghỉ phép này, nhiều người nghĩ đến việc ông này có dấu hiệu bỏ trốn, ông nghĩ sao?
- Tôi chưa biết trường hợp cán bộ Bộ Công Thương là thế nào. Nhưng về nguyên tắc, cán bộ có bệnh thì phải đi chữa. Tôi chưa biết chính xác việc này, Bộ Công an chưa nhận được thông báo gì hết.
Khi anh chưa chứng minh người ta phạm tội, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được. Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân, con người ta chỉ bị hạn chế quyền khi pháp luật quy định.
Đối với những đối tượng thuộc "tầm ngắm" để điều tra cần phải có biện pháp ngăn chặn bỏ trốn, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật, một người chỉ có tội khi tòa tuyên bản án và bản án có hiệu lực pháp luật. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, khi bắt giữ khẩn cấp thì cũng phải báo cáo Viện kiểm sát phê chuẩn. Còn quản lý công dân qua nhân thân hộ khẩu thì rất thông thoáng, đăng ký thường trú chỗ này lại tạm trú chỗ khác, đi làm đi ăn thế này thế khác. Nói thế thôi, bối cảnh thế nên lực lượng công an rất khó khăn, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn vi phạm hình sự thì còn quản lý chặt chẽ được.
Những trường hợp như Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Văn Thảo, việc ngăn chặn họ bỏ trốn gặp khó khăn, thưa ông?
- Giải pháp, rào cản có nhiều cái rất khó, ngay như luật pháp của Việt Nam và các nước cũng có quy định khác nhau. Đối với chúng ta, hành vi vi phạm đó là thuộc tội trong Bộ luật Hình sự, nhưng ở nước ngoài họ lại quy định khác, nên tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam với các nước cũng khác nhau, trừ một số nước có tương trợ tư pháp còn thuận lợi nhưng họ cũng phải bảo vệ quyền con người nên phối hợp cũng có cái khó. Trong công tác quản lý về xuất nhập cảnh còn những cái bất cập.
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, đối tượng này có những hình ảnh trên mạng, cơ quan điều tra có dựa vào đó để tiến hành xác minh, thưa ông?
- Công an không lấy tài liệu trên mạng làm tài liệu điều tra, về mặt chứng cứ phải nói thế. Còn đó là thông tin tham khảo để phục vụ nhiệm vụ.
Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, cơ quan điều tra sẽ truy đến cùng, không có thời hiệu. Chính vì thế Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, đó cũng thể hiện bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu. Trịnh Xuân Thanh sinh ra gia đình có truyền thống, còn hành vi gây ra như vậy cũng phải dám chịu trách nhiệm. Việc bỏ đi nhưng ở quê nhà anh còn có quan hệ gia đình, anh em, con cái.
Luật pháp Việt Nam lượng khoan hồng rất lớn, truyền thống dân tộc ta rất nhân đạo, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Mặc dù Trịnh Xuân Thanh đã ra nước ngoài nhưng tôi nói là khó mà lẩn trốn được. Bộ luật Hình sự quy định rất rõ, thế nào là tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Còn thời hiệu của lệnh truy nã với đối tượng bỏ trốn là vô thời hiệu, không có thời gian kết thúc, truy đến cùng.
Tài sản liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh đã phong tỏa thế nào, thưa ông?
- Theo quy định phải tiến hành kiểm tra phong tỏa, có thể tài sản của họ nhưng có thể liên đới. Tài sản ở nước ngoài phải xác minh.
Đối với biệt thự trên Tam Đảo, báo chí phản ánh có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh thì sao, thưa ông?
- Cơ quan điều tra đang làm, còn phải phân tích rõ, xem tài sản chung, riêng thế nào, nếu tài sản đã bán đi rồi không thể kê biên được, chỉ kê biên tài sản của bị can hoặc liên đới vụ án, chứ không thể kê biên lung tung được.
Xin cảm ơn Thượng tướng.
Theo Danviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-truong-cong-noi-ve-viec-ong-vu-dinh-duy-xin-nghi-chua-benh-a155961.html