Những Luật gia mang “ý Dân” vào Quốc hội

(Pháp lý) - Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta. Vì thế, người dân rất cần những vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hiểu dân, mang được tâm tư, nguyện vọng của dân vào Nghị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa hẳn tất cả ĐBQH đã “gần dân”. Những ĐBQH thực sự có bản lĩnh, thực sự hiểu dân, mang “ý dân” vào Quốc hội thường làm “nóng” Nghị trường bằng những gì gần với dân nhất…

1. Ông Nguyễn Đức Dũng: “Người bước một chân vào lịch sử Quốc hội”

Đó là lời nhận xét tuy ngắn gọn, nhưng rất đúng, rất đủ của ông Trần Ngọc Đường –nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội về ông Nguyễn Đức Dũng (ĐBQH khóa XI).

Nhắc đến ĐBQH Nguyễn Đức Dũng, người ta thường nhắc tới việc ông “dám” đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bốn vị Bộ trưởng trong năm 2004 được coi là chuyện xưa nay hiếm. Suốt những ngày sau đó, câu chuyện bỏ phiếu tín nhiệm của ông trở thành chủ đề nóng. Đó là chuyện của 12 năm trước. Bây giờ, việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm (từ năm 2013) đã trở thành thông lệ.

 Luật gia Nguyễn Đức Dũng, nguyên ĐBQH khóa XII
Luật gia Nguyễn Đức Dũng, nguyên ĐBQH khóa XII)

Ông Nguyễn Đức Dũng lý giải: Tôi đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bởi vì qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo dõi dư luận và qua một số tài liệu khác, tôi thấy các đồng chí lãnh đạo đang làm công tác quản lý các lĩnh vực này ít nhiều có thiếu sót, khuyết điểm và chưa làm hết trách nhiệm.

Ông Dũng cũng cho biết, việc đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm bốn tư lệnh ngành lúc ấy là các Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Bưu chính viễn thông và Bộ trưởng Ủy ban Thể dục và thể thao không hẳn là “táo gan” như những bài báo đã nói, đó là những điều mà luật pháp cho phép.

Khi ấy, trả lời trên báo chí, ông Dũng nói: “Tôi biết nhiều đại biểu cũng muốn bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng tâm lý chung lại đang e ngại, do đó khó có đủ 20% đại biểu đề xuất. Nhưng nếu không có ai khởi xướng thì cái quyền đã được trao cứ mãi gấp lại trong luật hay sao?”. Ông cho rằng, nếu im lặng là không làm tròn trách nhiệm của người đại biểu, không phản ánh được nguyện vọng của cử tri. Cho nên làm nhiệm vụ đại biểu thì ông phải nói. Với ông, im lặng là có lỗi với nhân dân.

Với những gì mà ông đã đề xuất lúc ấy, nhiều người cho rằng ông đã làm hơi “căng”. Nhưng được biết ngay khi làm Giám đốc Sở Tư pháp ông cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, nhiều vấn đề ông phát biểu cũng “hơi căng”. Dĩ nhiên có nhiều người ủng hộ, cũng có nhiều người không ủng hộ. Ông cho biết, việc ông làm là trách nhiệm trước Đảng, trước dân chứ không phải theo ý của ông này, ông kia.

Ông khẳng định lại rằng, việc mình làm trước đó là việc luật cho phép, dân cho phép. Chuyện lấy phiếu tín nhiệm đang làm cũng là việc luật quy định từ lâu rồi. Điều băn khoăn là có nhiều điều luật không cấm, dân đã trao quyền nhưng các ĐBQH cứ chần chừ không làm? Từ lúc ông đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bốn Bộ trưởng cho đến lần đầu tiên Quốc hội cho lấy phiếu tín nhiệm trải qua đến 9 năm, quá chậm và quá “dĩ hòa vi quý”. Việc lấy phiếu tín nhiệm như hiện này vẫn quá “nhẹ” khi có tới ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, và chỉ bỏ phiếu tín nhiệm khi có từ 2/3 đại biểu trở lên “tín nhiệm thấp” với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Do đó, “con đường từ lấy phiếu tín nhiệm đến bỏ phiếu tín nhiệm là một con đường rất xa mà phải rất nhiều đại biểu cùng bước mới đến được” – ông Nguyễn Đức Dũng chia sẻ.

Với cương vị là ĐBQH, ông Nguyễn Đức Dũng đã giữ đúng sứ mệnh vì dân, vì nước, thực sự vì quyền lợi của nhân dân và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Phải là người có phẩm chất đạo đức, có Tâm, có Tầm, dám mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, với tham nhũng, mạnh dạn kiến nghị, phản ánh và phải đi đến cùng những sự việc vì lợi ích chung mới thể hiện đầy đủ bản lĩnh đích thực của người ĐBQH.

12 năm sau lần đưa ra “đề xuất lịch sử”, ông Nguyễn Đức Dũng vẫn chưa thôi “máu nghề”. Hiện tại ông đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Kon Tum.

Ông Dũng tâm sự, lời Bác Hồ dạy vẫn còn lưu rõ “Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến huyện, đến xã đến bất kỳ cấp nào, ngành nào, đều phải là người đấy tớ trung thành của nhân dân trong đó, chính phủ là đầy tớ chung của dân”. Và Bác cũng kết luận “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.

2. Ông Trần Ngọc Vinh: Người luôn tâm niệm và hành động làm lợi cho dân

Ông Trần Ngọc Vinh nguyên là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH (các khóa XII, XIII). Ông cũng là một trong số ít những đại biểu có những bài phát biểu “thép” trên Nghị trường. Ông cũng là người đưa ra quan điểm, đại biểu phải đi thực tế để nghe dân, thậm chí ở cả các quán bia hơi xem người dân họ nói gì. Ông Trần Ngọc Vinh cũng thuộc số ít người bền bỉ khi xây dựng từng điều luật có lợi cho người dân.

Ông Vinh chia sẻ, ông vốn được sinh ra tại một gia đình công nhân nghèo, nhà ông có 6 anh em. Học hết lớp 7, ông đành buông nghiệp đèn sách vì điều kiện khó khăn. Ông đi học nghề và làm công nhân nhiều năm.

Luật gia, nguyên ĐBQH khóa XII, XIII, ông Trần Ngọc Vinh
Luật gia, nguyên ĐBQH khóa XII, XIII, ông Trần Ngọc Vinh)

Những tháng năm vất vả, thuộc hàng khổ nhất trong giới công nhân, ông Vinh vẫn không quên miệt mài với việc bồi dưỡng thêm kiến thức. Từ tháng 8/1980 đến tháng 6/1986 ông Vinh được cử đi học lớp Nga văn 6 tại Trường Công đoàn Việt Nam; sau đó trúng tuyển, đi học lớp Quản lý tổ chức Văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa Công đoàn Liên Xô, thành phố Leningrat; Từ tháng 7/1986 đến tháng 9/2007, ông Vinh công tác tại Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng. Từ năm 2007, ông trở thành ĐBQH khóa XII; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XII và được nhân dân tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XII, XIII.

Có lẽ vì xuất thân là người lao động, từ Nghị trường đến đời sống, ông Trần Ngọc Vinh luôn hướng tới bảo vệ lợi ích của người lao động. Khi theo dõi các kỳ họp Quốc hội, người ta thấy ông thường nói về những vấn đề nóng bỏng, gần dân nhất. Ông nổi tiếng với những phát ngôn như “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế”, “ĐBQH nếu chỉ đọc thì lý luận trên trời mất rồi”. Ông Vinh còn nổi tiếng bởi những phát ngôn rất thẳng, tuyên chiến với vấn nạn tham nhũng hay nhiều vấn đề gai góc khác… Với cương vị ĐBQH, ông Trần Ngọc Vinh còn âm thầm đóng góp nhiều ý kiến của mình vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu.

Xuất phát từ việc người lao động trước đây thường bị người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm. Điều này khiến người lao động gặp nhiều thiệt thòi khi hết tuổi lao động hoặc các chế độ liên quan khác. Điều này khiến ông Vinh luôn trăn trở và nhiều lần đấu tranh, kiến nghị việc phải xử lý hình sự về hành vi trốn đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp.

Trong vấn đề vệ sinh an toàn lao động, ông Vinh là cũng người đóng góp nhiều ý kiến bảo vệ người lao động. Ông lên tiếng yêu cầu luật hóa về thiết bị an toàn lao động, chế độ dành cho người lao động trong môi trường độc hại... Theo đó, quy định rõ ràng từ 50 đến 300 lao động thì phải có 1 an toàn viên lao động chuyên trách. Ông Vinh cũng không ngại khi soi xét những điều nhỏ nhất, miễn là vì người lao động. Ông là người lên tiếng và đề nghị đưa vào luật quy định có lợi cho lao động nữ. Cụ thể, người phụ nữ làm trong môi trường độc hại, hóa chất phải được dành thời gian nghỉ ngơi.

Quan sát đời sống của người lao động, có hiện tượng ở nhiều xí nghiệp công nhân phải làm thêm giờ quá nhiều, dẫn đến hiện tượng mù hóa (tức là công nhân chỉ đến xí nghiệp rồi trở về nhà khi ngủ, thiếu thời gian nghỉ ngơi, giải trí). Đó là do nhiều doanh nghiệp không muốn thêm người vì phải mất công đào tạo, mất thêm bảo hiểm đóng cho người lao động nên khi có đơn hàng nhiều doanh nghiệp ép lao động làm thêm giờ. Điều đó gây hệ lụy xấu cho sức khỏe của người lao động, có nguy cơ dẫn đến mất an toàn lao động. Đặc biệt chú ý đến vấn đề này, khi thảo luận sửa đổi Bộ Luật lao động, ông đã đóng góp ý kiến về vấn đề giới hạn giờ làm thêm. Nhờ vậy, đến nay Bộ Luật lao động đã có những quy định về làm thêm hợp lý hơn. Theo đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 ngày không quá 12 giờ; riêng đối với người lao động làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ.

Để có thể có được tiếng nói của dân vào trong những quy định pháp luật, ông Vinh đã mải miết phân tích trong các buổi thảo luận ở tổ và thẳng thắn phát biểu tại Nghị trường. Nhờ những phân tích sắc sảo của ông, đã có nhiều hơn những quy định pháp luật có lợi cho người lao động sau mỗi lần sửa luật. Tuy nhiên bản thân ông Vinh vẫn thấy “thế là chưa đủ”. Ông khiêm tốn nói: Tôi cố gắng để góp tiếng nói có lợi cho người lao động trong những điều luật nhưng qua 2 khóa là ĐBQH tôi vẫn thấy mình còn nợ người lao động nhiều lắm! Người lao động còn sống vất vả vì mức lương quá thấp (mức lương hiện nay chỉ đủ đáp ứng 60% đời sống), nhà ở của công nhân còn khó khăn, con trẻ của công nhân ở khu công nghiệp thiếu nhà gửi trẻ... là những vấn đề còn tồn tại mà tôi chưa thể giúp để giải quyết triệt để, mong ĐBQH khóa sau hết sức lưu tâm.

Trước đây, ông là người mạnh dạn nói rằng Bộ Luật Hình sự (sửa đổi 2015) còn có nhiều điểm chưa rõ ràng, Quốc hội không nên thông qua vội vàng. Thế nhưng ý kiến của ông không được ghi nhận. Sau này, Bộ Luật Hình sự 2015 sắp đến thời gian có hiệu lực thì bị nhiều chuyên gia phản ánh, dư luận phê bình và chỉ ra nhiều lỗi. Bộ Luật HS phải hoãn thi hành kéo theo nhiều luật khác phải hoãn thi hành. Nhiều người lại nhớ đến ông Vinh đã nói.

Gần gũi với cử tri, nhất là những người lao động nghèo khó và sau 2 khóa Quốc hội, ông Trần Ngọc Vinh còn đau đáu với nhiều vấn đề của đất nước. Nông dân khi được mùa thì rớt giá. Nông dân bị vấn nạn phân bón giả làm khốn khổ. Nợ công đã báo động nhưng còn thiếu chế tài đối với việc chi tiêu ngân sách quá tay, chưa xử nghiêm được việc sử dụng tài sản công bừa bãi. Quản lý tài nguyên rừng yếu kém làm mất rừng và né tránh trách nhiệm với dân. Nghị trường chuyên nghiệp nhưng có nhiều điều luật vẫn xa cuộc sống...

Không chỉ có những phát ngôn gây “sốt” ở Nghị trường, quả thật những đóng góp của ông trong việc xây dựng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động thực sự có ý nghĩa, thực sự vì dân! Và rời Nghị trường, ông lại tiếp tục công hiến trong môi trường công tác mới (hiện ông là Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng) nhằm tiếp tục đóng góp những ý kiến quý báu cho Quốc hội để ban hành những quy định, chính sách pháp luật vì dân và bảo vệ dân.

3. Ông Trương Trọng Nghĩa: “ Làm dân một giờ sẽ thấy…”

Sau khi “từ quan”, khi đang là Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM (năm 2008), ông Trương Trọng Nghĩa trở thành ĐBQH khóa XIII. Vào Quốc hội, ông đã ghi dấu ấn ở Nghị trường khi mỗi bài phát biểu, mỗi câu hỏi, mỗi câu chuyện của ông đều đau đáu vì dân. Mới đây nhất, ông Trương Trọng Nghĩa từng phát biểu: “Chúng ta làm dân thường một vài giờ sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân dễ bị xâm hại, xúc phạm như thế nào”. Những câu nói, câu hỏi mang từ thực tế như thế vào nghị trường của ông Nghĩa không hiếm.

Những người theo dõi nghị trường cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đó là những vấn đề nóng, cấp thiết.

Chẳng hạn, việc ông Trương Trọng Nghĩa thay cho người dân nói về luật biểu tình ở kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Trong kỳ họp Quốc hội này, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là sự kiện liên quan đến Formosa. Ông Nghĩa đề nghị Quốc hội phải lập ngay Ủy ban lâm thời để điều tra. “Vì mấy tháng qua, những người có lòng yêu nước, quan tâm đến vận mệnh quốc gia ăn không ngon, ngủ không yên vì Formosa. Vậy tại sao Quốc hội chưa vào cuộc?”.

Luật gia, Luật sư, ĐBQH khóa XIII, XIV, ông Trương Trọng Nghĩa
Luật gia, Luật sư, ĐBQH khóa XIII, XIV, ông Trương Trọng Nghĩa)

Những câu hỏi đanh thép tương tự ở các kỳ họp trước cũng được ông đưa ra rất thẳng thắn. Ở kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, thảo luận về kinh tế - xã hội, ông Nghĩa đưa câu hỏi: “Tại sao bây giờ trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài? Có phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc?”.

Câu hỏi không nhằm riêng vào một ai nhưng cứ gợi lên suy nghĩ trong mỗi người. Những bài báo trích dẫn lời phát biểu ấy của ông trở thành những bản tin nhiều người đọc trên các báo.

Không chỉ có vậy, nhiều câu hỏi khác của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, từ khóa XIII đến giờ vẫn chưa thể trả lời. Hỏi ông có băn khoăn điều này sau một nhiệm kỳ làm đại biểu, ông chậm rãi nói: “Có những điều mà khi cử tri hỏi, tôi đã nghẹn lời vì không trả lời được. Nên tôi mang đến Quốc hội như một sự giãi bày cho mình và cho cả cử tri”. Đây là câu nói ông nhắc lại từ một bài phát biểu của mình ở kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (tháng 6-2014) khi ông đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết về Biển Đông.

Lần đó, yêu cầu của ông và nhiều đại biểu không được thực hiện. Nhưng câu nói của ông ở nghị trường thì vẫn đọng lại: “Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc sẽ nghẹn lời trước những chất vấn của cử tri...”.

Các phóng viên theo dõi nghị trường dành cho đại biểu Trương Trọng Nghĩa một sự quan tâm đặc biệt, khi mỗi lần ông phát biểu, không khí ở trung tâm báo chí tại nhà Quốc hội lại lắng xuống, hút sự chú ý của mọi người.

Câu chữ trong lời phát biểu của ông lúc nào cũng đầy cảm xúc, nhiều ý tứ để lẩy tít tựa. Nhưng phóng viên nghị trường cũng rất vất vả với những bài phát biểu của ông khi lần nào xin lại bài phát biểu ông cũng nói không có.

Gặp lại ông ở kỳ Quốc hội đầu tiên của khóa mới này, ông thiệt tình: “Thú thật tôi ít khi soạn hoàn chỉnh bài phát biểu. Thậm chí nhiều phiên thảo luận, chọn sẵn một ý để phát biểu rồi bấm nút đăng ký. Sau đó ngồi lắng nghe các ý kiến.

Thấy vấn đề nào nóng nhất, chuyện gì dân phản ảnh nhiều nhất cần phản biện nhất thì ghi lại rồi phát biểu”.

Ông Nghĩa kể những câu hỏi của dân mà ông mang tới nghị trường được ông lắng nghe từ nhiều lúc nhiều nơi. Có những chuyện từ mạng xã hội, có chuyện từ nhóm bạn ông chơi thể thao, có chuyện được gửi gắm từ sân bay, bến tàu, nơi vẫn có những cử tri nhận ra ông...

“Mỗi năm chỉ có bốn lần tiếp xúc cử tri mà cuộc sống ngoài kia thì trôi không ngừng nghỉ. Những băn khoăn kỳ vọng từ cử tri đâu có đợi được “xuân thu nhị kỳ”. Mình làm đại biểu phải nghe mọi nơi, mọi lúc” - ông chia sẻ.

Mỗi bài phát biểu, mỗi câu hỏi mà ông lắng nghe từ dân để chuyển đến nghị trường - như ông nói - có khi đã từng làm ông nghẹn lời. Năm nhiệm kỳ đầu tiên ở Quốc hội, chắc ông đã không chỉ một lần “nghẹn lời” như vậy.

Bởi kết thúc Quốc hội khóa XIII, Ban công tác đại biểu của Quốc hội đã thống kê đại biểu Trương Trọng Nghĩa có đến 79 lần đăng đàn phát biểu ở hội trường.

Ông trở thành một trong những đại biểu phát biểu nhiều nhất tại Quốc hội khóa XIII. Vì thế mà: “Lòng vẫn còn ngổn ngang khi nhiều câu hỏi của dân đưa ra ở nghị trường, Quốc hội và cả bản thân tôi cũng chưa thể trả lời thỏa đáng” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa tâm sự.

Ngoài trọng trách cao cả - ĐBQH khóa XIII, XIV, ông Nghĩa còn được biết đến là một Luật gia, Luật sư nổi tiếng.

Đức Hạnh (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-luat-gia-mang-y-dan-vao-quoc-hoi-a155781.html