(Pháp lý) - Tư vấn pháp luật cùng với trợ giúp pháp lý là hai hoạt động được Trung ương Hội luật gia Việt Nam và Hội luật gia các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức song song. Cùng mục tiêu vì công lý , vì quyền lợi hợp pháp của người dân. Hoạt động không vì lợi nhuận, nên các chương trình tư vấn pháp luật (TVPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) của các luật gia từ cấp Trung ương hội đến các tỉnh thành hội được người dân ủng hộ và ghi nhận.
Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý… bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho dân
Thực hiện nhiệm vụ vì dân và vì công lý, các luật gia đã luôn tiên phong trong việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhiều đối tượng khác nhau. Hoạt động TVPL và TGPL của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam ( HLGVN) đã đồng hành cùng nhiều người dân và không ngại khó .
Nhờ uy tín của giới luật gia, ngày càng có nhiều người dân, tổ chức tìm đến cậy nhờ giúp đỡ giải quyết những vụ việc từ đơn giản đến phức tạp.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên đã giao dự án cho một doanh nghiệp làm chủ đầu tư, đơn vị đã nộp nguồn tiền bảo lãnh là 10 tỉ đồng ... Nhưng mặt khác, chính UBND tỉnh lại thu tiền của một chủ đầu tư khác, lập biên bản bảo mật dự án với số tiền là 100 tỉ. Rõ ràng, trong vụ việc này cơ quan nhà nước đã có dấu hiệu khuất tất, bội ước với doanh nghiệp yếu thế. Khi được doanh nghiệp cậy nhờ và kêu cứu, các Hội viên HLGVN đã trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí cho doanh nghiệp. Luật gia đã đấu tranh đến cùng với doanh nghiệp. Vụ việc cuối cùng cũng được giải quyết theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Điều đáng nói hơn cả là các Luật gia đã tiếp cận và giải quyết hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp yếu thế hơn.
Một vụ việc khác phải kể đến đó là việc HLGVN góp phần tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hà tố cáo UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất để cho Công ty Hoàn Cầu thực hiện dự án không đúng vị trí ranh giới theo Quyết định 252 của Thủ tướng Chính phủ; tố cáo Công ty Hoàn Cầu sử dụng diện tích vượt quá hơn 70 ha so với Quyết định trên... Vụ việc kéo dài đến nay đã 13 năm vẫn chưa ngã ngũ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, HLGVN đã phối hợp với đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức cuộc họp đối thoại, giải thích với Hội Luật gia thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa và bà Nguyễn Thị Thu Hà.
Các luật gia khi giải quyết những vụ việc như vậy đã luôn thể hiện sự công tâm, khách quan. Họ được người dân tin tưởng, cơ quan nhà nước lắng nghe. Chính từ những cơ sở ấy, những cuộc đối thoại đã diễn ra mềm dẻo, đi đến kết quả là giải quyết êm xuôi những khiếu kiện phức tạp.
Những Luật gia làm công tác TVPL và TGPL của HLGVN có ưu thế là từng làm công tác pháp luật tại nhiều ban ngành nên tiếng nói của họ rất được lắng nghe. Ở cấp Trung ương, nhiều Luật gia tự hào vì được mời tư vấn một số chính sách pháp luật cho Chính phủ. Từ uy tín của hoạt động TVPL và TGPL, cuối năm 2014, HLGVN đã kí phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư... tham gia chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Và chương trình ý nghĩa này, sau đó đã được triển khai ở các tỉnh, thành Hội.
Luật gia xuất hiện… công lý đồng hành
Ngoài những luật gia hoạt động ở Trung ương Hội LGVN thì các luật gia trực thuộc các tỉnh thành hội cũng có những đóng góp to lớn trong tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý ở địa phương. Một số Luật gia của các Trung tâm TVPL và TGPL của tỉnh hội, thành hội được coi như là những "luật sư công". Ở Bình Thuận, các Luật gia được UBND tỉnh ủy quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính... Ở một số tỉnh thành khác, khi chính quyền cần tiến hành các hoạt động như giải phóng mặt bằng, hòa giải ở cơ sở thì các Luật gia làm công tác TVPL và TGPL được mời làm trung gian để hòa giải những vấn đề khúc mắc, mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân... Luật gia xuất hiện, công lý đồng hành. Hoạt động tích cực của nhiều Luật gia không chỉ có ý nghĩa với từng người dân cụ thể mà còn giúp các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương bớt đi được rất nhiều những khiếu kiện đông người.
Có những mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân do chính người dân không hiểu biết pháp luật. Thế nhưng nhờ sự tư vấn, thuyết phục của các Luật gia thì người dân đã hiểu ra vấn đề và chấp nhận tạo điều kiện để chính quyền thực hiện nhiệm vụ của mình. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Kiên ở Thái Bình là một ví dụ. Ông Kiên là thương binh, năm 1992 ông Kiên có xin xã một thửa đất trũng để làm quán. Năm 2013 chính quyền yêu cầu ông dỡ quán để làm nhà văn hóa. Ông Kiên không chấp nhận và gửi đơn xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất để sử dụng. Giải thích với ông Kiên, những Luật gia nói: Về thẩm quyền thì xã không có quyền cấp đất mà chỉ cho ông mượn.
Điều này thể hiện ở việc không có hồ sơ cấp đất hay chuyển nhượng thửa đất cho ông. Hiện mảnh đất được quy hoạch để làm nhà văn hóa xã, bản thân ông cũng được giao đất ở trong xóm… Lúc này ông chỉ có quyền làm đơn yêu cầu đồi bồi thường, công sức đã lấp và cải tạo đất và tháo dỡ công trình xây dựng. Sau khi nghe luật gia phân tích, ông Kiên đã nguôi ngoai, không còn bức xúc với chính quyền, tự nguyện trả đất và nhận bồi thường những khoản chính đáng.
Chỉ trong khoản gần 3 năm nhưng đã có hàng trăm trường hợp người nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật, người lao động chân tay được các luật gia của Trung tâm tư vấn pháp luật của HLG Thái Bình trợ giúp. Với các việc cụ thể như tư vấn cho họ hiểu các vấn đề pháp luật mà mình gặp phải, hỗ trợ viết đơn để gửi chính quyền, trợ giúp đơn đến cơ quan nhà nước… Nhờ thế mà những vụ việc của người dân đã được giải quyết, tăng thêm niềm tin của dân vào đội ngũ luật gia sẵn sàng vì dân, vì công lý.
Không chỉ hoạt động đơn lẻ, khi có những vụ việc ảnh hưởng đến nhiều người dân ở các tỉnh thành khác nhau, những luật gia đã đoàn kết lại để giúp đỡ người dân được tốt nhất. Việc các Hội luật gia ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hội luật gia Đồng Nai tư vấn, TGPL cho người dân kiện Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải là một ví dụ. Vedan trây ì, muốn trốn tránh rồi lại giảm trách nhiệm bồi thường. Khi những luật gia “liên hiệp lại” và vào cuộc, Vedan không còn cơ hội trốn tránh và buộc phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thỏa đáng cho dân. Từ kinh nghiệm giúp người dân trong vụ Vedan, các luật gia còn vận dụng để hỗ trợ giúp đỡ người dân trong vụ Công ty Nicotex trôn thuốc sâu xuống lòng đất làm nảy sinh những làng ung thư, làng bệnh tật ở Thanh Hóa. Những vụ việc trên, nhờ có các Luật gia đều được làm sáng tỏ, người dân thiệt thòi tìm được công lý cho mình.
Đồng hành cùng những số phận bất hạnh
Đồng hành cùng những số phận bất hạnh là hoạt động của một số Trung tâm trực thuộc HLGVN. Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS là một ví dụ. Nơi đây là địa chỉ tin cậy cho rất nhiều những người bị nhiễm HIV/AIDS trong cả nước tìm đến để được tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý…
Xuất phát từ những mong muốn được giúp đỡ những người có H, giảm đi bất hạnh, không bị kì thị, hòa nhập với cộng đồng bác sĩ – Luật Gia Trịnh Lê Trâm đã đã lên kế hoạch trình lên lãnh đạo Hội Luật gia – nơi bà tham gia công tác sau khi nghỉ hưu ý tưởng của mình và thế là Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS ra đời.
Trong quá trình hoạt động của Trung tâm những cán bộ, nhân viên của Trung tâm luôn tâm niệm, cố gắng làm những gì tốt nhất cho những người thiệt thòi. Bằng nhiều cách khác như tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, tư vấn qua điện thoại 18001521, trực tiếp thực hiện tư vấn trợ giúp pháp lý lưu động… Nhờ những cố gắng đó, đã có hàng trăm, hàng nghìn số phận được Trung tâm giúp đỡ.
Trong hàng trăm, hàng nghìn số phận được giúp đỡ, câu chuyện của bé Phương là cảm động hơn cả. Bị nhiễm H từ khi sinh ra, em luôn phải sống trong hoàn cảnh bị kì thị. Em khát khao đi học nhưng lại không được nhà trường và cộng đồng chấp nhận. Biết được trường hợp của em, Trung tâm đã tiến hành trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền được đi học của bé, đồng thời tiến hành truyền thông pháp luật và kiến thức tại cộng đồng để người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được sống và học hòa nhập, đảm bảo các quyền của họ.
Phòng Trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã tư vấn và trợ giúp pháp lý cho hàng ngàn trường hợp và giải quyết thành công cho rất nhiều trường hợp được trợ giúp trong các lĩnh vực hôn nhân, dân sự, hình sự…
Một trong những mô hình truyền thống nhưng thực hiện TVPL và TGPL hiệu quả khác trực thuộc HLGVN là Trung tâm TVPL cho người nghèo và phát triển cộng đồng. Trung tâm này khởi đầu do Thạc sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Phó Chánh án TANDTC làm giám đốc. Hoạt động TVPL và TGPL của Trung tâm đa số được thực hiện miễn phí. Trung tâm từng là chỗ dựa của nhiều phụ nữ bị gia đình bạo hành, đuổi khỏi nhà vì định kiến không sinh được con trai, nhiều người già neo đơn, người nghèo không hiểu biết pháp luật... Hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, ban đầu nhiều nhân viên của Trung tâm còn tự bỏ tiền túi để giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân. Thế nhưng, ai nấy đều vui vẻ. Bởi sự giúp đỡ của họ hiệu quả, đem công lý đến cho người nghèo.
Hoạt động TVPL và TGPL lưu động của Trung tâm dành cho những người dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao rất hiệu quả. Không ngại những con đường đầy hiểm nguy rình rập, nhiều suối sâu ít đường đi, những cán bộ của Trung tâm mà tiêu biểu là bà Giám đóc Dương Thị Thanh Mai đã vượt khó để đi đến tận nơi cùng người dân. Họ tư vấn pháp luật nhưng cũng 3 cùng, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với nhân dân, đồng bào. Trong suốt quá trình làm việc, Trung tâm đã giúp đỡ được hàng ngàn hàng vạn người, hàng trăm số phận được thay đổi cuộc sống từ sự giúp đỡ của Trung tâm.
Hoạt động TVPL và TGPL của các Trung tâm trực thuộc Trung ương Hội còn luôn bám sát thực tế. Trước hiện tượng tội phạm vị thành niên ngày một gia tăng thì Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên của Trung ương HLG đã ra đời để tạo điều kiện cho trẻ em, người chưa thành niên, người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm được tư vấn pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.
Ngoài ra, một Trung tâm của HLGVN còn phối hợp với Tổng cục VIII (Bộ Công an) tham gia trợ giúp pháp lý tại các trại giam, tại tạm giam ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Điện Biên, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Thuận, Hà Tĩnh... Bình Thuận là một trong những địa phương thực hiện tốt hoạt động TVPL cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù . Qua tư vấn pháp luật của các luật gia, các bị can, bị cáo nhận thức rõ hơn về qui định pháp luật, quyền và trách nhiệm, tăng khả năng tự bảo vệ của họ trong quá trình tố tụng, giúp họ phần nào bớt tâm lý tự ti, yên tâm thi hành án, giúp những người đã chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống và phòng ngừa tái phạm.
Còn nhiều lắm những khó khăn…
Hoạt động từ tâm, hiệu quả, tận tình vì cộng đồng, nhưng những Luật gia làm công tác TVPL và TGPL hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là kinh phí. Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của Trung ương Hội có những thuận lợi như được thực hiện bởi các Luật gia có kiến thức, lòng nhiệt tình, nhưng họ gặp phải nhiều trở ngại do chính sách. Hoạt động TVPL và TGPL từ trước đến nay là hoạt động chính của nhà nước. Về thủ tục, để hoạt động thì phải đăng kí là trợ giúp viên pháp lý hoặc tư vấn viên pháp luật, để nhận được khoản thù lao cho hoạt động TGPL cũng phải tiến hành nhiều bước phức tạp. Thiết nghĩ, Luật trợ giúp pháp lý cần được sửa đổi theo hướng tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động của Luật gia dễ dàng hơn, tạo hiệu quả cho họ hoạt động vì cộng đồng và xã hội.
Minh Hải
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-gia-viet-nam-va-nhung-hoat-dong-thiet-thuc-ho-tro-nguoi-dan-a155656.html