Hàng loạt nạn nhân mắc bẫy tội phạm công nghệ cao giả danh công an

Liên tiếp trong thời gian qua, người dân TP.Đà Nẵng và nhiều nơi khác đã trở thành nạn nhân của một loại hình tội phạm công nghệ cao, sử dụng internet, điện thoại, đồng thời giả danh nhà mạng, công an để lừa đảo.

 

Thượng tá Sơn chia sẻ một số “chiêu trò” của tội phạm để cảnh tỉnh người dân.
Thượng tá Sơn chia sẻ một số “chiêu trò” của tội phạm để cảnh tỉnh người dân.)

Để đấu tranh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an TP.Đà Nẵng) cho xác lập Chuyên án, huy động tổng lực vào cuộc. Tuy nhiên, với nhiều độc chiêu khác nhau của đối tượng, cộng với nạn nhân không am hiểu hết quy trình làm việc của các cơ quan công quyền… nên vẫn có trường hợp “sập bẫy” với nhiều tình huống “khóc dỡ, mếu dỡ”…

Độc chiêu giả danh công an, nhà mạng

Ngày 7/10, chị Lê Thị Như (SN 1984, ngụ quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) hớt hải tìm tới Công an quận Hải Châu trình báo về việc, chị bị đối tượng lừa đảo lấy hết tiền.

Đưa cho cơ quan điều tra xem 2 tờ giấy chuyển tiền vào tài khoản cho một cá nhân ở Hà Nội với tổng số tiền 50 triệu đồng và một tờ đơn trình báo, nước mắt chị Nguyệt cứ lăn dài: “Tiền tích góp bao nhiêu năm nay của em coi như xong. Chẳng biết đến bao giờ mới lấy lại được”.

Chị Như trình bày, khoảng 14 giờ 15 ngày 5/10, chị nhận được một cuộc gọi vào số máy bàn của gia đình thông báo, hiện chị đang nợ cước tổng đài VNPT số tiền gần 9 triệu đồng. Khi đó, người thông báo cũng căn dặn nếu muốn nghe lại hãy bấm phím số 0.

Chị làm theo hướng dẫn và được một giọng nữ đọc lại số tiền nợ và hướng dẫn chị, nếu thắc mắc gọi đến tổng đài 081080. Vì thấy gia đình chưa bao giờ nợ tiền cước internet nên chị Nguyệt chất vấn cho rõ. Thế nhưng, nghe xong câu hỏi, giọng người nữ kia cáu lên: “Vụ việc này giờ không thuộc thẩm quyền giải quyết của chúng tôi nữa, chúng tôi đã chuyển hồ sơ của chị cho Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM thụ lý, điều tra”.

Ngoài ra, người nữ còn đọc vanh vách số điện thoại mà gia đình đăng ký theo tên chứng minh thư của chị Như. Thậm chí, còn biết rõ chứng minh thư của chị Như bị mất và đưa ra “dự đoán”: “Cũng có thể chị mất chứng minh thư và ai đó dùng giấy tờ tùy thân của chị để làm điều phi pháp. Nếu cần thiết, tôi sẽ cho chị kết nối với đường dây Cơ quan Công an TP.HCM để chị nói chuyện”.

Chị Như lại tiếp tục bấm máy theo hướng dẫn và được trao đổi với 1 giọng nói nam, tự xưng công an rồi thông báo: “Hiện chị đang nợ ngân hàng Vietcombank 80 triệu và yêu cầu giữ bí mật cuộc trò chuyện này, không được cho gia đình, người thân biết, nếu không họ sẽ gặp nguy hiểm”.

Để chị Như tin, người này còn bấm gọi vào di động của chị, cho hiện số điện thoại +838387344 để chị kiểm tra. Chị Như làm theo nhưng gọi không được, sau đó chị bỏ dấu cộng (+) phía trước đi, số này báo đúng Cơ quan công an TP.HCM.

Tin tưởng cơ quan chức năng TP.HCM đang vào cuộc giúp mình minh oan “không nợ tiền ai hết”, nên khi “anh công an” điện lại, chị răm rắp nghe và làm theo yêu cầu, khai báo số tài khoản ngân hàng, số tiền hiện có trong tài khoản...

Tối cùng ngày, “công an” tiếp tục gọi điện cho chị Như và cho biết đang kết nối máy với một “trung tá Công an TP.HCM tên Phong”. Sở dĩ như vậy vì có thể “chị là nạn nhân trong đường dây của một số cán bộ ngân hàng làm giả CMND để rút tiền, mà anh Phong đang thụ lý theo dõi”.

Qua trò chuyện thêm, người xưng trung tá Phong yêu cầu chị Như nộp tiền vào một tài khoản cá nhân của ông Mai Văn Công tại Ngân hàng Techcombank ở Cầu Giấy, Hà Nội để đối chiếu với số nợ của chị.

Qua hôm sau, chị Như giao nộp 2 lần tổng số tiền 50 triệu đồng. Theo chị Như, nguyên cả ngày hôm đó, đối tượng này liên tục yêu cầu chị giữ cuộc gọi để nói chuyện, hướng dẫn cách nộp tiền cho đến chiều tối mới cắt hẳn. Về đến nhà, thấy liên lạc không được, chị Như nói sự việc trên với gia đình và đến lúc này chị mới nhận ra mình bị kẻ gian lừa nên lên công an trình báo.

Sau đơn trình báo của chị Như, Cơ quan Công an quận Hải Châu vào cuộc tìm hiểu và được biết, cũng đã có rất nhiều người nhận được cuộc gọi tương tự từ đối tượng lừa đảo.

Đơn cử như trường hợp chị Phan Thị Liên (SN 1971), chị Ngô Thị Tường (SN 1995), chị Nguyễn Thanh Hương (SN 1979, đều ngụ trên địa bàn quận). Vẫn với chiêu thông báo nợ cước điện thoại và hỏi các thông tin cá nhân, tuy nhiên, do cảnh giác, những người này gọi vào số máy 116 để kiểm tra và may mắn được các nhân viên tại đây cảnh báo về khả năng có đối tượng lừa đảo.

Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Công an quận Hải Châu đã chuyển vụ việc lên Phòng PC 46 thụ lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, phía địa phương cũng đã chủ động đi đến đến từng hộ dân thông báo tình hình, đồng thời liên tục tuyên truyền trong loa phát thanh, ở các buổi họp tổ dân phố… để người dân đề phòng.

Nhọc nhằn hành trình đấu tranh

Vào cuộc điều tra, PC 46 Công an TP. Đà Nẵng nhận thấy, đây là hình thức lừa đảo qua điện thoại, internet “rộ” lên thời gian gần đây trên địa bàn TP Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Theo thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn, Phó trưởng Phòng PC 46, vì người dân còn thiếu cảnh giác, lại không hiểu về cách thức làm việc của Cơ quan công quyền nên dễ bị sập bẫy với nhiều tình huống “khó dở mếu dở”.

Loại này được liệt vào nhóm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt, có đối tượng tham gia trong đường dây do người Đài Loan cầm đầu, móc nối hoạt động qua tận Trung Quốc và rất khó truy bắt. Do đó, Công an TP cũng cho xác lập Chuyên án để huy động tổng lực vào cuộc đấu tranh.

Thượng tá Sơn chia sẻ, loại tội phạm này có 3 hình thức lừa. Trường hợp thứ nhất, mua bán qua mạng, lập các trang cá nhân rồi rao mua bán nhiều mặt hàng giá rẻ, đánh vào tâm lý hám lợi của người tiêu dùng, sau đó nhận tiền và biến mất. Trường hợp thứ 2, vào các trang mạng, mở các website và đưa ra các chương trình trúng thưởng, tặng quà khuyến mãi….

Những “khách hàng” nào “may mắn” được các trang này chọn trao giải, phải nộp lại tiền “lệ phí” hay tiền “làm tin”. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản xong, đối tương lừa cũng cho đóng các trang web luôn. Loại thứ 3, giả danh nhân viên bưu điện, công an, lập giả cả các số điện thoại của cơ quan điều tra…rồi hù dọa nạn nhân “vướng” vào ma túy, nợ tiền cước....

Khi nạn nhân tỏ ra lo sợ, “công an” sẽ nhân đó yêu cầu cho biết số tài khoản, mật mã và cả kê khai tài sản…. Sau đó, bằng các thủ thuật như đột nhập vào trang cá nhân, hack tài khoản để đã rút sạch tiền bên trong.

 Một nạn nhân sập bẫy lừa từ tội phạm công nghệ cao giả danh Công an (Công an Đà Nẵng cung cấp)
Một nạn nhân sập bẫy lừa từ tội phạm công nghệ cao giả danh Công an (Công an Đà Nẵng cung cấp))

Thế nhưng, để đấu tranh với loại tội phạm này đặc biệt khó. Phần lớn số điện thoại đều được mã hóa. Đơn cử trường hợp chị Như, đối tượng lấy số giống hệt với Cơ quan Công an TP.HCM nhưng thực chất là số “ảo”.

Bằng thủ thuật trong công nghệ số, khi bỏ dấu cộng (+) ở phía trước dãy số điện thoại, nạn nhân chỉ có thể nghe chứ không gọi lại được. Do đó, để Cơ quan điều tra lùng ra tung tích đối tượng, cách duy nhất chỉ dựa vào số tài khoản mà nạn nhân đã chuyển tiền, cung cấp.

Đáng nói, số tài khoản này hầu hết đều được đối tượng mua lại của những người làm nghề xe ôm, nông dân, công nhân… ít hiểu biết nên gặp rất nhiều trở ngại trong tiếp cận, phá án. Tuy nhiên, thượng tá Sơn cho biết thêm, nếu người dân biết cảnh giác hơn, loại tội phạm này cũng khó tồn tại.

Thông thường, người dân sẽ “khớp” nếu đối tượng xưng danh công an. Nhưng nếu người dân biết, nắm rõ quy chế làm việc của các cơ qua điều tra, sẽ không dễ dàng sập bãy. Đối với công an, khi muốn mời một người lên làm việc, đều phải có giấy triệu tập và thông qua đầu mối chính quyền địa phương để thông báo chứ không nói qua điện thoại. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến tài sản, đều phải có lệnh, quyết định, hoàn toàn không có chuyện yêu cầu dân tự chuyển qua tài khoản…

Cũng theo thượng tá Sơn, trong nhiều chuyên án trước đó, PC 46 cũng vạch rõ chân tướng của nhiều đối tượng như Lương Công Hay (SN 1980, ngụ huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), Trần Trà My (1991, ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang) và Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1993, ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Cả 3 đối tượng này đã bị tóm gọn và đang trả giá cho hành vi mình gây ra.

Thượng tá Sơn nhận định, khả năng nhóm đối tượng lừa chị Như cũng có liên quan đến những đường dây lừa đảo nêu trên nhưng chưa bị bắt hết. Vì vậy, thông qua chia sẻ trên mặt báo về các thủ thuật của kẻ lừa đảo, Công an Đà Nẵng mong muốn người dân qua đây sẽ biết rõ và cảnh giác hơn loại tội phạm này.

Điểm danh 1 số đối tượng

Đối với Trần Trà My, hồ sơ thượng tá Sơn cung cấp, khi bị bắt, đối tượng khai nhận, trước đây từng quen biết với Lưu Tuấn Minh (SN 1984, ngụ quận 5, TPHCM). Minh đưa My sang Trung Quốc để làm thuê cho một số người Đài Loan tại TP. Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) với mức lương mỗi tháng 300 nhân dân tệ, bao ăn ở.

Hằng ngày, My cùng với một số phụ nữ khác đưa ra chương trình trúng thưởng 500 triệu đồng của một Công ty điện máy ở Trung Quốc và lừa khách hàng Việt Nam nộp tiền vào tài khoản “làm tin” trước khi nhận thưởng. Qua nhiều công đoạn, từ nước ngoài, My hướng dẫn về Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Sau đó, Lưu Tuấn Minh cho My về TPHCM để nhờ 8 công nhân tại KCN Tân Hưng mở tài khoản với 39 thẻ ATM và mua lại số thẻ này. My đã nhận từ Minh 105 triệu đồng, mua thẻ hết 57 triệu đồng, tiền công được hưởng 33 triệu đồng và được “bo” thêm 15 triệu đồng nữa.

My khai, khi mua thẻ của các công nhân, đã dùng điện thoại để sử dụng dịch vụ Internet của nhà mạng VNPT Tiền Giang và truy cập vào trang web của các ngân hàng để thực hiện việc chuyển các thẻ ATM sử dụng dịch vụ Internet banking.

Sau đó ra các cây ATM cùng hệ thống ngân hàng đổi mã pin với mục đích để những người đứng tên chủ tài khoản không thể báo mất thẻ để làm lại thẻ khác. Sau khi về Việt Nam, My vẫn thường xuyên liên lạc với Lưu Tuấn Minh qua điện thoại. Hiện Minh đang ở Trung Quốc và đang bị truy nã.

Đối với Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo, cô gái này đánh vào tâm lý của nhiều bà mẹ trẻ săn thời trang cho con cái, đã lập ra facebook Angels House và đăng lên đó rất nhiều bộ trang phục bắt mắt chép từ google để rao bán với giá sỉ. Nhằm tạo ấn tượng với khách hàng, Thảo còn sử dụng facebook tên Bích Thảo vào group “Hội thanh lý đồ mẹ và bé Đà Nẵng” giới thiệu về shop online một cách hoành tráng.

Thảo sở hữu thêm một facebook khác có tên Hương An để mua 1 thẻ ATM của một người ở Quảng Ngãi sử dụng vào mục đích nhận tiền đặt hàng. Mỗi khi có đối tác, Thảo tự giới thiệu tên Thy, có kho hàng lớn tại Quảng Trị, thường xuyên đi lấy hàng ở Thái Lan. Cho đến thời điểm bị mắt, Thảo của của hàng trăm nạn nhân ở Đà Nẵng với số tiền lên đến vài 4 trăm triệu.

Đặc biệt, vụ việc anh Hà Văn (SN 1987, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) bị lừa đảo khi truy cập trang web http://mangxahoi24h.com cũng được CQĐT bóc mẽ ra thủ đoạn.

Tại trang web này, anh Cưương nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Kỹ thuật số truyền thông tương tác (InterMedia), trụ sở 66 Võ Văn Tần (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thông báo trúng phần thưởng 1 chiếc xe Liberty và 50 triệu đồng tiền mặt.

Theo hướng dẫn, ông Cương gọi điện thoại vào số 01628806344 và được một người xưng tên Vũ yêu cầu cào thẻ điện thoại nhập vào trang http://mangxahoi24h.com để làm thủ tục nhận thưởng. Cào, chuyển 7 triệu đồng mà vẫn không đến giai đoạn nhận thưởng, ông Cương mới biết mình bị lừa và trình báo Công an.

Sau khi vào cuộc, Công an đã xác định, tại địa chỉ 66 Võ Văn Tần không có Công ty InterMedia, cũng như không có đơn vị nào thực hiện chương trình trúng thưởng với hình thức như trên. Sau quá trình thu thập tài liệu, Phòng PC 46 xác định đối tượng lập ra trang web này để lừa đảo chính là Lương Công Hay.

Tại cơ quan Công an, “giám đốc InterMedia” khai nhận, sau khi “tầm sư học đạo” tại TPHCM về lĩnh vực công nghệ thông tin, Hay đã lập trang web, đăng nhập vào mạng xã hội Beetalk và gửi lời mời tham gia trúng thưởng kèm đường link http://mangxahoi24h.com để lừa đảo.

Với chế độ treo thưởng cực khủng gồm chiếc xe máy Liberty và 50 triệu đồng, anh Cương đã 4 lần gấp rút cào thẻ để sở hữu, ai ngờ ăn phải quả lừa.

Theo Pháp luật Việt Nam

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hang-loat-nan-nhan-mac-bay-toi-pham-cong-nghe-cao-gia-danh-cong-a155638.html