(Pháp lý) - Người ta không thể hình dung nền điện ảnh Việt Nam thiếu vắng những bộ phim sâu lắng, giàu chất nhân văn như “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” của Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Dấu ấn của ông để lại trong lòng khán giả yêu điện ảnh thật sâu nặng.
Mới đây, nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh được TP. Hà Nội vinh danh là 1 trong số 9 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016.
Ký ức về gia đình
Đặng Nhật Minh là đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim như “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”... Đặc biệt với phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được nhiều hãng thông tấn đánh giá là một trong những phim hay nhất châu Á mọi thời đại. Hầu hết các bộ phim do ông làm đạo diễn đã đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Ông từng giữ chức vụ tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh.
Trong Hồi ký Điện ảnh, ông viết: “Tôi đến với điện ảnh bắt đầu bằng một sự tình cờ, rồi tiếp theo là một chuỗi những sự tình cờ. Các đạo diễn điện ảnh khi nói về bước đường và sự nghiệp của mình thường hay bắt đầu bằng một câu: Tôi yêu điện ảnh từ nhỏ... Riêng tôi thành thật mà nói, tôi không có một niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này… Gia đình tôi ở Huế là một gia đình phong kiến theo đạo Khổng Mạnh, lấy sự thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ làm lẽ sống, lấy chữ Hiếu làm đầu, hoàn toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật. Trong nhà chỉ toàn những người làm nghề y và nghề dạy học, thích ngâm thơ, yêu truyện Kiều, ca dao tục ngữ và những câu hò xứ Huế”.
Người cha nổi tiếng của ông chính là bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, bác sĩ Ngữ đang nghiên cứu y khoa tại Nhật Bản đã từ bỏ tất cả để về nước tham gia kháng chiến. Vì thế, anh em Đặng Nhật Minh cùng mẹ được bí mật ra Bắc lên chiến khu Việt Bắc.
Tại Chiêm hóa, tỉnh Tuyên Quang, bác sĩ Ngữ nghiên cứu và sản xuất ra nước lọc Peniciline để đắp vào các vết thương của bộ đội. Chế phẩm này vô cùng hiệu nghiệm. Về sau nhu cầu ngày càng nhiều người ta sản xuất nước lọc Peniciline ngay tại mặt trận.
Đặng Nhật Minh được đưa sang Trung Quốc học Thiếu sinh quân cùng với nhiều con em cán bộ hồi đó. Ở trong nước, các cuộc chỉnh huấn diễn ra. “Tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Khi bà hôn mê, cha tôi đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Sau này tôi nghe bà tôi kể lại rằng mẹ tôi hôn mê ba ngay ba đêm liền, chờ cha tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sĩ nhưng ông đành bó tay bất lực vì đã quá muộn. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản Thủ đô. Đó là tổn thất lớn nhất của gia đình chúng tôi trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất” – Hồi ký viết.
Những ngày sau hoà bình lập lại, công cuộc tiêu diệt bệnh sốt rét trên miền Bắc là công việc chiếm nhiều sức lực và trí tuệ nhất của bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Ông lại lặn lội trở về những khu căn cứ địa cũ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai... để thực hiện một chương trình chống sốt rét toàn diện và quy mô chưa từng có. Sau 10 năm thực hiện chương trình, bệnh sốt rét căn bản đã bị đẩy lùi trên miền Bắc nước ta. Cuối cùng ông đã đi đến một quyết định không gì lay chuyển được là vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu tại chỗ một thứ vắc xin miễn dịch sốt rét rồi ứng dụng ngay cho bộ đội. Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng của mình lên trên, cuối cùng ông đã được toại nguyện.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh viết: “Tôi biết trong quyết định này của cha tôi còn có một sự thôi thúc khác nữa. Cha tôi luôn mang trong lòng một nỗi nhớ khôn nguôi về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình - xứ Huế. Ông hy vọng trong chuyến đi này có thể trở về gặp lại bà nội tôi, lúc đó đã cao tuổi lắm rồi, dù chỉ một lần. Nhưng đến ngày đất nước thống nhất, có thể về Huế được thì ông đã không còn. Ông đã mất trước đó 8 năm trong một trận bom B52 ở phía Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Mơ ước của ông là tìm mọi cách giảm tử vong vì sốt rét cho bộ đội. Ông chưa tìm ra được vắc xin miễn dịch sốt rét cho họ thì ông đã chia sẻ với họ cái chết. Đó là nỗi đau thứ hai trong đời tôi, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ sáng tác của tôi sau này trong điện ảnh”.
Nỗ lực tự học
Với một sự nghiệp đồ sộ, với những đỉnh cao điện ảnh như thế, mấy ai ngờ Đặng Nhật Minh không hề xuất thân từ Đại học điện ảnh Liên Xô hay chí ít Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội những khóa đầu như các đồng nghiệp cùng trang lứa. Kiến thức có được do ông tự học chủ yếu qua công việc phiên dịch tiếng Nga của các giảng viên Liên Xô cho các lớp đào tạo điện ảnh Việt Nam hồi đó. Con đường học vấn của ông gián đoạn nhiều lần. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được đưa sang Liên Xô học tiếng Nga trong hai năm. “Sau gần hai năm học tập, chúng tôi đã hoàn thành xong việc học tiếng Nga, sẵn sàng trở về nước phục vụ, với một chứng chỉ do nhà trường cấp (sau này về nước tôi phải thi để lấy bằng Đại học Sư phạm ngoại ngữ trong nước như một thí sinh tự do)… Sự học của tôi luôn luôn bị gián đoạn, dở dang”.
Ông được phân về Bộ Văn hóa. Đó là sự tình cờ đầu tiên đã đưa Đặng Nhật Minh đến với lĩnh vực văn hóa. Ông được phân công về cơ quan Phát hành phim và Chiếu bóng Trung ương. Hồi ấy 99% phim chiếu trong nước là phim Liên Xô và phim các nước XHCN Đông Âu. Đặng Nhật Minh phải dịch lời thoại của các phim đó từ tiếng Nga ra tiếng Việt để các cán bộ biên soạn thuyết minh soạn thành các bản thuyết minh đọc tại các rạp.
Ông viết: “Mười chín tuổi, cái tuổi lẽ ra cần phải được tiếp tục học hành thì tôi buộc phải ngồi cạo giấy như vậy trong cơ quan Phát hành phim ở Ngã Tư Sở. Nhiều lần tôi gặp tổ chức cơ quan xin cho được đi học tiếp, nhưng đều bị từ chối... Hồi ấy nếu không được tổ chức giới thiệu thì đố ai thi được vào đại học, kể cả các học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông. Tất cả đều theo sự phân công của tổ chức. Tổ chức là quyền lực tối cao định đoạt số phận của mỗi cá nhân trong xã hội. Trong cơ quan tôi, tổ chức lần lượt cử các cán bộ biên soạn thuyết minh, kế toán, tài vụ... sang Liên Xô học về biên kịch, đạo diễn, quay phim, chủ nhiệm phim căn cứ trên thành phần lý lịch và quá trình công tác của họ. Tôi hồi đó là người trẻ nhất trong cơ quan chưa có quá trình công tác gì, lại không phải là đảng viên, đoàn viên nên đương nhiên không bao giờ được tổ chức nhòm ngó tới. Cha tôi không nói ra nhưng tôi biết ông buồn lắm”.
Sau 5 năm làm phiên dịch, ông may mắn được chuyển xuống Trường Điện ảnh Việt Nam để dịch bài giảng của chuyên gia Liên Xô. Những sách báo lý luận về điện ảnh bằng tiếng Nga hồi đó có rất nhiều, không những chỉ của các tác giả Xô viết mà còn của các nhà lý luận điện ảnh phương Tây được dịch ra tiếng Nga. Qua các sách báo đó ông được biết thêm về những nền điện ảnh tiên tiến khác của thế giới. Chính là nhờ có cái vốn tiếng Nga mà ông đã tự học được rất nhiều trong nghề điện ảnh, tìm hiểu sâu về môn nghệ thuật này. Từ đó ông xác định cho mình: nếu số phận đã gắn chặt tôi với điện ảnh thì hãy tiến thân theo con đường này vậy – con đường điện ảnh.
Năm 1965, lại một sự tình cờ nữa đến với Đặng Nhật Minh. Năm đó trường Điện ảnh có hai khóa tốt nghiệp: khóa biên kịch và khóa quay phim. Các học sinh phải làm phim tốt nghiệp. Một nhóm gồm các học sinh biên kịch và quay phim mời ông làm đạo diễn cho phim tốt nghiệp của họ. Đó là bộ phim tài liệu dài 5 cuốn: Theo chân người địa chất. Ông đâu có ngờ bộ phim Theo chân người địa chất là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của mình.
Có một điều may mắn là trong gia đình ông “có một người am hiểu lĩnh vực văn học nghệ thuật nhất là cậu Nguyễn Hồng Phong – chồng của dì tôi là bà Nguyễn Thị Ngọc Trai”. Ông viết: “Cậu tôi là nhà sử học, nhưng thật ra phải gọi ông là một nhà văn hóa mới đúng. Trong con người ông là một kho kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực: triết học, mỹ học, văn học, thơ ca, hội họa và đương nhiên là sử học, lĩnh vực ông làm việc trong nhiều năm cho đến khi với cương vị là Viện trưởng vào giai đoạn cuối đời. Có một người thân như vậy trong gia đình thực sự là một may mắn lớn đối với tôi khi quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật… Trong con người thông thái về nhiều lĩnh vực xã hội nhân văn, với phương pháp tư duy chặt chẽ khoa học như ông, còn có một trái tim vô cùng nhạy bén trước cái đẹp. Bằng văn học, thơ ca, bằng những hình tượng trong ca dao, bằng những phân tích về hội hoạ ông đã tập cho tôi cách tư duy bằng hình ảnh, một phẩm chất không thể thiếu của người làm điện ảnh. Đạo diễn Fellini, người Ý có nói một câu về nghề đạo diễn điện ảnh như sau: “Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là một thế giới quan”. Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói đó. Thật vậy người đạo diễn không phải là người có trong tay một mớ thủ pháp rồi hành nghề. Cái hành trang quan trọng nhất khi bước vào nghề này là cái thế giới quan, cái cảm quan thẩm mỹ của riêng anh. Không có cái đó, người đạo diễn chỉ là một người thợ (thợ khéo hay thợ vụng). Tôi có làm được chút gì trong điện ảnh cho tới nay cũng do được cậu tôi sớm định hướng từ đầu theo chiều hướng đó.
Lần đầu tiên ông được đào tạo làm phim là năm 1976, ông được cử đi thực tập đạo diễn tại Bulgarie trong 6 tháng (một phần là để dịch cho cả đoàn thực tập vì không có ai biết ngoại ngữ). “Thực tập thực ra là một cuộc đi xem người ta làm phim, một cuộc đi cưỡi ngựa xem hoa. Chẳng có ai hướng dẫn, chẳng có ai chỉ bảo gì. Ra hiện trường đạo diễn tất bật với bao công việc, chẳng ai dám tới gần để hỏi điều này điều nọ”.
Nghệ thuật làm từ trái tim thì không còn biên giới
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nổi tiếng với những bộ phim truyện, những bộ phim về thân phận con người, sâu lắng và nhân văn. Để có được thành tựu đó ông phải trải qua những giai đoạn đầu với những bộ phim được giao, những kịch bản mà phim hoàn thành xong, không để lại tiếng vang gì, phim được làm vì mục đích phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị. “Chúng là sản phẩm của một nền văn nghệ được định hướng từ trên và được thực hiện bởi những nghệ sĩ công chức. Quả thật tôi chẳng thấy mặn mà gì với những thứ kịch bản như thế. Chúng khô khan, sơ lược, giáo điều... nhưng lại được cho là mang tính hiện thực xã hội chủ nghĩa sâu sắc” – đạo diễn trăn trở và cảm thấy bế tắc.
Một hôm tình cờ gặp ông Vũ Hoàng Địch, nhà nghiên cứu triết học và văn học Hán Nôm, bạn thân của nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, ông Địch khuyên Đặng Nhật Minh hãy tự viết lấy kịch bản mà làm. “Tôi hỏi lại: nhưng viết gì bây giờ? Ông Địch nói: viết cái gì cậu thích. Cái truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của cậu tớ vừa đọc trên báo Văn Nghệ - cái đó làm phim được. Đấy là cinéma chứ còn gì nữa?”
Đặng Nhật Minh giật mình nhận ra một lẽ rất giản đơn: đã không thích cái người ta viết thì hãy tự viết lấy xem sao. Viết không được hãy từ giã cái nghề này. Việc gì phải vội. Vậy là bộ phim “Thị xã trong tầm tay” với bối cảnh Lạng Sơn ra đời. Trong phim có ca khúc của Trịnh Công Sơn, lời Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được giải Bông Sen Vàng.
Vậy là đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xác định cho mình một hướng đi: Chỉ làm những phim do ông tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà ông quan tâm, rung động. Tìm được cho mình một cách tồn tại trong điện ảnh, Đặng Nhật Minh không nghĩ đến chuyện từ giã nó nữa - đó là một may mắn không chỉ cho Đặng Nhật Minh mà cho cả nền điện ảnh Việt Nam.
Kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười” xuất phát từ một lần ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, ông nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần tôi nhận ra đó là một đám tang. Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Còn anh đang nằm ở đâu trên chiến trường miền Nam, đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười.
Mở đầu phim là cảnh chị Duyên về làng sau khi vào Nam thăm chồng về. Nhưng chồng chị đã không còn nữa. Anh đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, vì đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị đã bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên trong làng đi cùng đò đã nhảy xuống sông vớt được chị. Khang cũng vớt lên được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết cái tin này. Nhưng Duyên lại muốn giấu kín tin dữ đó, chị không muốn làm cho bố chồng đang già yếu phải đau buồn. Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm yên lòng những người trong gia đình chồng, một tình tiết có thật trong đời sống mà tôi từng được nghe. Mối quan hệ thầm kín của hai người bắt đầu từ đó. Cảm động trước sự hy sinh chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đã đem lòng yêu mến cô, muốn được thay thế người đã mất, lo toan cho hạnh phúc cho cô và đứa con lên bảy tuổi. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên. Không may bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở khắp làng. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác. Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến một ngày ông bố chồng sắp hấp hối bắt cô phải đánh điện xin cho chồng về. Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ một xe commanca chở bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng bây giờ mới biết rằng chồng Duyên đã hy sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại... Ngày khai giảng, cô đưa con đến trường và hỏi thăm tin anh.
Bộ phim rất mực nhân văn ấy qua nhiều lần duyệt lên duyệt xuống. “Cứ lần lượt các Thứ trưởng đến Bộ trưởng trong Bộ, rồi tới ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm và rồi cuối cùng là tới Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh duyệt. Tổng cộng tất cả là 13 lần duyệt. Tôi cảm tưởng như mình là kẻ tội phạm bị các phiên tòa lôi ra xét xử liên tục. Tưởng đã thoát được trong phiên này lại bị lôi ra xử lại trong phiên khác…Sau lần đem phim vào chiếu cho Tổng Bí thư xem tôi không thấy giám đốc Hải Ninh yêu cầu chiếu cho ai xem nữa. Vụ xử đã kết thúc” – Đạo diễn nhớ lại. Bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã lập tức được khán giả trong cả nước đón nhận hết sức nồng nhiệt. Không những thế nó còn nhận được mối thiện cảm rất lớn của khán giả nước ngoài. Có lẽ đây là một phim truyện đầu tiên của Việt Nam đến được với công chúng ngoài biên giới sau năm 1975. Đạo diễn được Đại sứ quán Pháp cấp học bổng sang tu nghiệp tại Pháp trong một năm. Bộ ngoại giao Pháp đã long trọng tổ chức chiếu ra mắt bộ phim này tại rạp chiếu bóng Cosmos trên đại lộ Rue de Reinnes ở trung tâm thành phố. Điều này làm Đại sứ quán ta tại Paris rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay chưa thấy họ làm như vậy bao giờ. Bộ phim “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh dành được sự quan tâm đặc biệt của khán giả, tiền bán vé thu được từ bộ phim này đủ để trang trải toàn bộ mọi chi phí của Liên hoan phim, thậm chí còn thừa. Bộ phim cũng đã nhận được giải Bông sen Bạc và Giải nữ diễn viên xuất sắc, Giải quay phim xuất sắc.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh còn gắn liền tên tuổi mình với phim “Thương nhớ Đồng quê” dựa trên hai truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Bộ phim do Nhật Bản đầu tư nhân kỷ niệm 100 năm ngày điện ảnh ra đời (1895 – 1995). Đài truyền hình NHK Nhật Bản có chủ trương mời 5 đạo diễn của 5 nước châu Á làm phim (Ấn Độ, Thái Lan, Mông Cổ, Iran và Việt Nam) để đến cuối năm 1995 sẽ chiếu tại Tokyo trong Liên hoan phim Châu Á lần thứ I của NHK. Tháng 1 năm 1995, Đài truyền hình NHK cử một đoàn sang Việt Nam thông báo quyết định mới Đặng Nhật Minh. Họ nói đúng câu mà người Anh đã từng nói: Ông hãy chuẩn bị một kịch bản mà ông thích, về những vấn đề mà ông thực sự quan tâm.
Ngày bộ phim hoàn thành, một chuyên viên của Hãng Imagica tâm sự với Đặng Nhật Minh: “Thú thật với anh, khi theo dõi từ các mẻ nháp đầu tiên cho đến các mẻ nháp cuối cùng, tôi vẫn không hình dung được bộ phim sẽ như thế nào. Nhưng hôm nay xem xong phim tôi muốn nói với anh rằng: một khi nghệ thuật làm từ trái tim thì nó không còn biên giới nữa. Không hiểu sao tôi cảm thấy gần gũi với những con người trên phim đến thế. Họ thân thuộc đến nỗi tôi cứ nghĩ như họ đang sống ở một làng quê nào đó ở Nhật Bản”.
Năm 2009, phim “Đừng đốt” do ông đạo diễn nói về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm công chiếu tại liên hoan phim quốc tế thường niên lần thứ 19 diễn ra ở Fukuoka, Nhật Bản đã đoạt được giải do khán giả bình chọn. Bộ phim này cũng đã được công chiếu vào cuối tháng 4 tại Việt Nam và liên hoan phim quốc tế ASEM tại Hà Nội vào giữa tháng 5/2009.
* * *
Một lần chia sẻ về nghề, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói: Làm nghệ thuật là phải có cái nhìn riêng, nhận định riêng, làm những cái người khác không làm, chưa làm chứ không phải cứ được đào tạo mà thành đạo diễn giỏi. Tôi bắt đầu vào nghề bằng công việc dịch lời thoại cho phim, rồi mày mò tự học, tự trau dồi xem phim rồi làm phim. Đạo diễn và biên kịch phải là những người bám chặt vào đời sống, vào truyền thống văn hóa của đất nước mình từ đó mới có cảm xúc để viết được một cái gì đó. Ai dạy được họ tốt bằng người dân nước họ? Chỉ có kĩ thuật, kĩ xảo điện ảnh thì nên học ở nước ngoài: ví dụ những vụ nổ, sóng thần, động đất... thì sang Mỹ học, võ thuật thì sang Trung Quốc học... còn nghệ thuật thì chẳng ai dạy nổi mà phải tự học, tự cảm nhận thôi.
Vì thế, những bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng phản ánh chính tâm hồn ông, với nỗi đau mất mất, nỗi đau thời cuộc, những lận đận, hẹp hòi ông đã vấp phải và bao trùm lên đó là cái nhìn tràn đầy yêu thương của một trái tim nghệ sĩ nhạy cảm và một nền tảng tri thức sâu sắc về con người và đất nước Việt Nam.
Lưu Thái Bảo
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dao-dien-dang-nhat-minh-viet-nen-phan-minh-qua-phan-nhan-vat-a155252.html