Kinh nghiệm của một số nước

(Pháp lý) - Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước của Việt Nam (TNBTNN) trong lĩnh vực hành chính tuy vẫn có những nội dung khác biệt so với một số nước, song Việt Nam có thể tham khảo vận dụng những điểm tương đồng với nước bạn vào thực tiễn nước ta trong bối cảnh Luật TNBTNN vẫn còn một số vướng mắc cần được sửa đổi…

Bồi thường thiệt hại theo mô hình phân tán và tập trung

Quy định về TNBT ở các nước được coi là một loại trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm như một cá nhân đối với những thiệt hại do vi phạm ngoài hợp đồng gây ra bởi cơ quan/công chức thừa hành công vụ của mình gây ra. Các án lệ của CHLB Đức thừa nhận, mặc dù, các chủ thể của hành vi công quyền phụng sự quốc gia theo các hình thức pháp lý khác với các hình thức pháp lý của Luật Dân sự, song hậu quả pháp lý của những hành vi này lại được xem xét dưới các hình thức trách nhiệm pháp lý của dân luật.

Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước do Bộ Tư pháp tổ chức
Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước do Bộ Tư pháp tổ chức)

Pháp luật BTNN của Mỹ không giao cho một cơ quan duy nhất đại diện Nhà nước thực hiện việc giải quyết bồi thường, nhưng hoạt động này được tổ chức rất chặt chẽ, thông qua việc đề cao vai trò của Bộ Tư pháp. Theo đó, Tổng chưởng lý (thực hiện qua cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp) có trách nhiệm là đầu mối phối hợp với các cơ quan khác trong chính phủ liên bang thực hiện việc giải quyết bồi thường và có thể làm trọng tài, thực hiện việc dàn xếp hoặc giải quyết bất cứ yêu cầu bồi thường nào theo quy định của luật này. Cơ quan liên bang quản lý cán bộ, nhân viên gây ra thiệt hại có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Thủ tục bồi thường được bắt đầu từ việc người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu tới văn phòng cấp quận của cơ quan liên bang có trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên thẩm quyền giải quyết có giới hạn. Đối với cấp quận chỉ được quyền tiếp nhận và thực hiện điều tra hoặc uỷ quyền điều tra giải quyết bồi thường cho cơ quan tư vấn cấp quận đối với yêu cầu bồi thường từ 5.000 USD trở xuống hoặc tiếp nhận và thực hiện điều tra hoặc uỷ quyền điều tra giải quyết bồi thường và phải tham vấn ý Văn phòng tư vấn cấp quận đối với yêu cầu bồi thường trên 5.000 USD; từ 25.000 USD trở lên thì phải tham vấn ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi quyết định bồi thường. Sau đó, việc ấn định bồi thường cần có sự xác nhận của Bộ Tư pháp. Tương tự, Luật BTNN Nhật Bản cũng quy định trách nhiệm này là Bộ Tư pháp, theo đó bên có nghĩa vụ bồi thường là Nhà nước chứ không phải là từng cơ quan nhà nước cụ thể. Như vậy để có thể được bồi thường thì bên bị thiệt hại phải khởi kiện Nhà nước với tư cách là một bên gây thiệt hại chứ không phải khởi kiện công chức với tư cách cá nhân. Cơ quan đại diện cho Nhà nước tham gia tố tụng tại tòa án là Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, mô hình cơ quan có TNBT cũng được tổ chức theo mô hình tập trung, theo đó, ngoài tòa án thì có cơ quan hành chính được giao thẩm quyền giải quyết bồi thường (giải quyết bồi thường ngoài tố tụng) - đó là Hội đồng bồi thường nhà nước (Trung ương) và Hội đồng bồi thường nhà nước khu vực (ở các địa phương). Theo thẩm quyền, Hội đồng bồi thường nhà nước cấp trung ương xem xét yêu cầu đòi bồi thường đối với Nhà nước hoặc chính quyền trung ương; Hội đồng bồi thường nhà nước cấp vùng xem xét yêu cầu đòi bồi thường đối với cơ quan ở địa phương. Ngoài ra, còn có một Hội đồng đặc biệt được thành lập ở Bộ Quốc phòng để xem xét đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do các quân nhân hoặc công chức quốc phòng gây ra cho người khác. Tại Indonesia, pháp luật quy định công dân có quyền yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, trong đó, tranh chấp hành chính được hiểu là một tranh chấp phát sinh trong việc quản lý giữa một cá nhân hoặc một thực thể pháp lý dân sự với một cơ quan hoặc công chức hành chính ở cấp độ quốc gia hay khu vực, do hậu quả của việc ban hành một quyết định hành chính, kể cả các tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngược lại với các quốc gia trên, pháp luật của Trung Quốc lại quy định theo mô hình phân tán, cơ quan nhà nước và nhân viên của cơ quan nhà nước nào gây ra tổn hại cho cá nhân, pháp nhân hay tổ chức khác thì cơ quan nhà nước đó có trách nhiệm bồi thường cho đối tượng bị tổn hại. Coi TNBTNN là một loại trách nhiệm pháp lý đặc thù, không hoàn toàn giống với TNBT thông thường theo quy định của pháp luật dân sự, vì trong trường hợp này, Nhà nước đứng ra chịu TNBT cho đương sự, trong khi đó, bồi thường dân sự lại dựa trên nguyên tắc “người nào vi phạm, người đó phải bồi thường”.

Như vậy pháp luật về BTNN quy định về trách nhiệm ở các nước quy định tương đối khác nhau, tuy nhiên về cơ bản có hai mô hình chính: Xác định trách nhiệm bồi thường do từng cơ quan cụ thể thực hiện (còn gọi là mô hình tập trung); và xác định trách nhiệm bồi thường do một cơ quan chuyên trách thực hiện (mô hình phân tán).

Trách nhiệm hoàn trả không phải là nghĩa vụ tự thân

Trách nhiệm hoàn trả là vấn đề mà pháp luật của tất cả các nước đều có quy định, chỉ khi nào Nhà nước yêu cầu thì người thi hành công vụ mới phải hoàn trả lại một khoản tiền cho Nhà nước. Tại Pháp, pháp luật còn cho phép cơ quan nhà nước có quyền khởi kiện lại công chức phạm lỗi để yêu cầu người này bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ số tiền mà cơ quan đó đã bỏ ra để bồi thường cho người bị thiệt hại.

Luật TNBTNN của Việt Nam có nhiều quy định khác nhau về vấn đề trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Thứ nhất, về cách tiếp cận vấn đề trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, luật quy định trách nhiệm hoàn trả là một nghĩa vụ tự thân bắt buộc. Cụ thể, “người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, Luật BTNN Đài Loan quy định việc hoàn trả là quyền yêu cầu từ phía cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Thứ hai, về căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả, Luật BTNN Việt Nam quy định người thi hành công vụ có lỗi khi gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả, trừ lĩnh vực tố tụng hình sự (người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả nếu có lỗi cố ý).

Luật BTNN Đài Loan cũng dựa trên yếu tố lỗi khi quy định về trách nhiệm hoàn trả và cũng phân ra các trường hợp khác nhau: (1) Trường hợp gây ra thiệt hại khi thi hành công vụ thì người thi hành công vụ phải hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm bồi thường nếu hành vi của họ là hành vi phạm tội cố ý hoặc hành vi gây thiệt hại của họ do sự bất cẩn nghiêm trọng; (2) Trường hợp có sự ủy quyền thực hiện công vụ cho một tổ chức hoặc cá nhân khác thì người thi hành công vụ phải hoàn trả nếu có lỗi cố ý hoặc hành vi gây thiệt hại của họ do sự bất cẩn nghiêm trọng. Thứ ba, về thời hiệu xem xét trách nhiệm hoàn trả, Luật BTNN Việt Nam không quy định về thời hiệu xem xét trách nhiệm hoàn trả mà chỉ quy định về các khoảng thời gian khi thực hiện các thủ tục xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, ví dụ như thời hạn bắt buộc phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, thời hạn phải ra quyết định hoàn trả. Trong khi đó, do quy định việc hoàn trả là trên cơ sở quyền yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm bồi thường, do đó, Luật BTNN Đài Loan quy định về thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hoàn trả một cách gián tiếp thông qua quy định về việc quyền này bị hủy bỏ nếu không thực hiện trong thời hạn Luật định. Cụ thể, nếu trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường hoặc kể từ ngày các biện pháp khắc phục tại tình trạng ban đầu được thực hiện xong mà quyền yêu cầu hoàn trả không được thực hiện thì quyền này sẽ bị hủy bỏ.

Pháp luật của Canada quy định, khi Nhà nước phải bồi thường cho bên thứ ba cho những thiệt hại hoặc vì nguyên nhân khác mà công chức/viên chức nhà nước được xác định có trách nhiệm thì phải bồi hoàn cho Nhà nước một phần hoặc toàn bộ khoản tiền mà Nhà nước đã trả và sẽ được khấu trừ dần vào tiền lương. Luật BTNN của Nhật Bản quy định người thi hành công vụ có trách nhiệm hoàn trả nếu họ có lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành chế định hoàn trả tại Nhật Bản cho thấy, việc yêu cầu công chức hoàn trả được thực hiện như một quyền từ phía Nhà nước chứ không phải là nghĩa vụ tự thân của công chức nhà nước.

Pháp luật của Trung Quốc quy định, khi hành vi gây thiệt hại của công chức liên quan đến việc thực thi quyền hạn của Nhà nước (nghĩa là không phải là hành vi hoàn toàn mang tính cá nhân của công chức), Nhà nước luôn có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại trước tiên, trước khi yêu cầu công chức phạm lỗi bồi hoàn. Điều này có nghĩa là công chức gây thiệt hại do cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn bộ thiệt hại đã xảy ra. Ngoài trách nhiệm hoàn trả, công chức có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

VŨ LÊ MINH (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-cua-mot-nuoc-a155249.html