Có tài liệu nói rằng nhà văn Đoàn Giỏi viết “Đất rừng phương Nam” trong vòng một tháng. Người thay mặt NXB Kim Đồng “đặt hàng” ông khi đó chính là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Đoàn Giỏi bận việc, hay mải chơi thế nào đó, đến lúc thời hạn sắp hết, “bên A” hối thúc, ông mới đóng cửa cầm bút và hối hả chạy đua với thời gian. Bản thảo hoàn thành, sách được in ra và nhanh chóng đưa tên tuổi Đoàn Giỏi lên hàng đầu những nhà văn viết cho thiếu nhi thời bấy giờ.
Tôi đọc Đất rừng phương Nam năm còn học lớp 3 ở trường làng, tức là sau khi tác phẩm ra đời (1957) khoảng 5 năm. Sách viết về một vùng đất xa lắc của Tổ quốc với nhiều chuyện lạ.
Xa về không gian, lại bị ngăn cách, chia cắt do thời cuộc. Lạ tên đất: Tiền Giang, Hậu Giang, Rạch Giá, Bạc Liêu, U Minh thượng... Lạ tên người: thằng Cò, dì Tư Béo, lão Ba Ngù, chú Võ Tòng… Lạ phong cảnh: xóm ấp, chợ búa, kênh rạch, rừng rú… Lạ sản vật: chim, cá, rùa, rắn, ong...
“Chao ôi! Chợ gì mà lạ lùng thế này? Bộ Tây sắp đánh tới nơi, nên người ta đem vườn bách thú ra phát mãi hay sao! Một con ba ba to gần bằng cái nong, đặt lật ngửa, cứ ngọ nguậy bơi bơi bốn chân trước ông cụ già ngồi lim dim đôi mắt.
Những con rùa vàng to gần bằng cái tô, đều tăm tắp, như đổ ở cùng một khuôn ra, nằm rụt cổ trong mấy chiếc giỏ cần xé. Đây là một con nai người ta vừa xẻ thịt ra bán…
Cua biển cũng có, ếch cũng có, nghêu sò cũng có. Còn cá tôm thì nhiều lắm, đủ các loại… Những đống trái khóm chín vàng tỏa thơm mùi mật… hai con trút nằm khoanh, vảy xếp lại như những đồng hào lấp lánh. Có tiếng chim gì mổ nhau kêu quang quác… Một chú khỉ con cứ nhảy qua nhảy lại lia lịa, chờn vờn trèo lên đống bí ngô.
Thấy tôi đi qua, nó nhe răng khẹc khẹc,… dường như muốn bảo tôi hỏi giùm tại sao cái lão rậm râu kia không thả mối dây xích cổ ra để nó được tự do đi chơi như tôi… Đằng chỗ hát rong, một tràng pháo nổi lên vang dậy. Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà nhìn ngó chung quanh nữa,… ba chân bốn cẳng nhắm mắt nhắm mũi lao về phía tiếng ồn ào đang có một sức cuốn hút không cưỡng được”.
Đấy chỉ là mươi dòng phác họa khung cảnh của một cái “chợ nhỏ xứ quê”. Đã thấy giàu có và lạ lùng. Tính cách và sinh hoạt của những con người ở vùng đất ấy cũng đầy vẻ hấp dẫn: vừa ngang tàng vừa khảng khái, vừa bộc trực vừa bí ẩn.
Điều gì đã gây ấn tượng cho mình lúc tuổi thơ thì mãi mãi không thể quên. Tới giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngơ ngẩn khi lần đầu đọc Đoàn Giỏi. Mê được bơi chiếc xuồng trên sông. Mê những khu rừng nhiều kèo ong làm tổ. Mê sân chim bạt ngàn các loại chim cò, trứng chim rơi vãi như trong truyện cổ tích.
Rồi vừa sợ vừa thích những chuyến đi câu rắn, đi săn cá sấu, những lần giáp mặt hổ… Có lẽ giá trị đầu tiên và cũng là giá trị lâu bền nhất của Đất rừng phương Nam chính là ở chỗ đó – gieo vào lòng người đọc cảm tình về một vùng đất.
Ngót sáu mươi năm trôi qua, Đất rừng phương Nam đã được tái bản trong nước đến lần thứ 14, và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài: Nga, Đức, Hungary, Cu Ba, Trung Quốc… Bộ phim truyền hình nhiều tập Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựa theo tác phẩm cũng từng hấp dẫn bao người xem.
Nước nhà thống nhất, người miền Bắc vào Nam làm ăn sinh sống, đi tham quan du lịch… đã là chuyện hết sức bình thường. Có một thực tế dễ nhận thấy: Quà tặng của tự nhiên – những gì làm nên vùng đất Nam bộ trù phú ngày trước, dường như đã hao khuyết, mai một dần trong nhịp sống hối hả của ngày hôm nay. Rừng thu hẹp, đồng ruộng ngập mặn, sông rạch ô nhiễm.
Tác phẩm của Đoàn Giỏi bỗng trở thành một tiêu chí để so sánh, một lời cảnh báo. Người đọc hôm nay sẽ không còn lạ lắm với những bàu sấu, tràm chim, rừng đước, chợ nổi, cầu khỉ, xuồng ba lá, ghe tam bản…. Thay vào đó là một cảm giác khác: tiếc nuối và lo ngại.
Từ lạ lùng, yêu quý đến tiếc nuối, lo ngại – sáu mươi năm qua, rõ ràng tác phẩm của Đoàn Giỏi không chịu cũ, mỗi lúc một thêm ý nghĩa mới, sống khỏe trong lòng người đọc.
Ai đó nói trong Đất rừng phương Nam còn có những trang như ký, chưa phải truyện. Tôi không nghĩ vậy. Văn chương hiện đại chấp nhận sự kết hợp, hòa quyện nhiều thể loại. Nói cách khác, ranh giới giữa các thể loại nhiều khi không còn và không cần phải phân biệt rạch ròi như trước. Miễn là hay.
Những chương “có vẻ ký” trong tác phẩm kể chuyện câu rắn, săn cá sấu, ăn ong, hay tả sân chim, rừng đước là những chương tuyệt hay. Có thể bằng linh giác của một nghệ sĩ, Đoàn Giỏi đã biết kết hợp, pha trộn như vậy ngay từ thời của ông. Trong suốt tác phẩm, người đọc không vấp phải vết gợn chắp nối nào giữa truyện và ký.
Điềm tĩnh trong cách kể, nghiêm cẩn trong bố cục, câu chữ, đọc Đoàn Giỏi nhận ra ngay thứ văn chương của người viết có “phông” văn hóa cao. Tính văn hóa còn thể hiện ở chỗ: ông biết gì kể nấy, không kể những gì không biết hoặc biết hời hợt. Truyện của ông hay là do ông sống kỹ, vốn sống dồi dào. Nếu không như vậy, chắc hẳn Đoàn Giỏi không thể hoàn thành thiên truyện của mình trong khoảng thời gian eo hẹp như đã nói.
Tôi chỉ hơi phân vân đôi chút trong cái đường dây dẫn truyện của ông: cậu bé lưu lạc – tiếp cận với những người kháng chiến – căm thù giặc – lên đường tham gia đánh giặc. Nó chưa thật khác biệt, độc đáo so với những sáng tác cùng đề tài của nhiều tác giả khác, và so ngay với những gì thuộc “đất” và “rừng” phương Nam.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sau-muoi-nam-dat-rung-phuong-nam-a155243.html