Vai trò của Pháp luật trong bảo đảm an ninh phi truyền thống

(Pháp lý) - An ninh phi truyền thống (ANPTT) là một vấn về khá mới và xuất hiện trong sách, báo, công trình nghiên cứu ở nước ta gần đây. Hiện nay, đây là vấn đề thách thức đang nổi lên và nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bài viết sẽ làm rõ các nội dung về vai trò của pháp luật trong bảo đảm an ninh phi truyền thống.

Những vấn đề chủ yếu của ANPTT

ANPTT là một khái niệm mới xuất hiện trong các văn kiện chính trị - pháp lý trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã, đang và sẽ là nội dung “nóng”, là mối quan tâm chung không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, lãnh thổ. Từ năm 1994, trong “Báo cáo phát triển con người” của Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã đưa ra tiêu đề “Lĩnh vực mới của an ninh con người” và nêu ra 7 lĩnh vực (những ý tưởng sáng tạo ban đầu về khái niệm an ninh phi truyền thống sau này) gồm: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị.

Tiếp sau, dưới góc độ nghiên cứu và quản lý, một số nước/một số nhà quản lý/một số nhà nghiên cứu quan niệm ANPTT bao gồm 5 lĩnh vực cơ bản: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Một quan điểm khác lại phân chia các vấn đề ANPTT thành 6 nhóm chính: ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh truyền nhiễm và thảm họa địa chất.

Diễn đàn “Trí thức trẻ với các vấn đề an ninh phi truyền thống” do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cùng Đoàn Thanh niên Bộ Công an tổ chức
Diễn đàn “Trí thức trẻ với các vấn đề an ninh phi truyền thống” do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cùng Đoàn Thanh niên Bộ Công an tổ chức)

Ngày 01/11/2002, lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Campuchia) đã ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT, xác định ANPTT là những vấn đề: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao. Năm 2004 trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên đã xác định: "Những vấn đề chưa được giải quyết, liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên bộ, trên biển cùng những vấn đề ANPTT khác, như buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái phép, suy thoái môi trường, sinh thái... cũng là những mối quan tâm an ninh của Việt Nam”.

Như vậy, dựa vào những quan điểm, “thái độ” chung của các nhà nước, quốc gia, dân tộc coi an ninh con người là vấn đề hạt nhân nằm trong an ninh xã hội, an ninh cộng đồng, khái niệm ANPTT hiện nay bao gồm những vấn đề chủ yếu là: Ô nhiễm môi trường, thảm họa địa chất, thiếu hụt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tội phạm khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế quốc tế, buôn bán ma túy, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, tội phạm rửa tiền, cướp biển, nhập cư và di cư trái phép v.v..

Khái niệm ANPTT với những nội dung cụ thể của nó, rõ ràng mang tính chất "động” và cùng với thời gian, nội hàm của nó có thể còn tiếp tục được mở rộng hơn. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cách đặt vấn đề ANPTT của các quốc gia, khu vực và cộng đồng có những điểm khác nhau nhất định. Việc khuôn những vấn đề cụ thể nào đó trong nội hàm của vấn đề ANPTT như các nhận thức nêu trên đều mang ý nghĩa tương đối, nhằm phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược an ninh của đất nước và những cam kết an ninh song phương, đa phương trong hợp tác quốc tế.

Với nội hàm khái niệm trên, nguy cơ đe dọa từ ANPTT ở nước ta có mối quan hệ chặt chẽ với an ninh truyền thống vốn mục đích, tôn chỉ là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và ANPTT, nhiều quan điểm cho rằng đó là mối quan hệ biện chứng, là hai mặt của đồng xu (2 sides of acoin), đều có mục đích bảo vệ chế độ, sự tồn tại của Nhà nước, độc lập chủ quyền và toàn vện lãnh thổ, an ninh cộng đồng, an ninh xã hội, trong đó an ninh con người là vấn đề hạt nhân, “con người là trung tâm của chiến lược phát triển”. Điều đó đã được minh chứng khi quan điểm của Đảng, Nhà nước ta xác định: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng – an ninh” , “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII).

Sử dụng công cụ pháp luật – bảo đảm chính cho ANPTT

Kể từ sau Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên những lĩnh vực ANPTT, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã triển khai với các nước đối thoại, đặc biệt là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, các tổ chức quốc tế trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia cũng như các lĩnh vực an ninh phi truyền thống khác. Mới đây nhất, ngay tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28- 29 tổ chức ngày 7/9/2016 tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ngoài hai Hội nghị Cấp cao 28 -29 của ASEAN, còn có một số hội nghị cấp cao liên quan gồm Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 19; Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 19; Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 18; Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 lần thứ 19; Hội nghị cấp cao ASEAN – Australia lần thứ 2; Hội nghị cấp cao ASEAN – Liên hợp quốc lần thứ 8; Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14; Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 4; Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 11; Hội nghị cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ 8, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các đối tác“ đã trao đổi về các thách thức khu vực và quốc tế, trong đó có các hoạt động khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, vấn đề biến đổi khí hậu và bệnh dịch…”, trong đó khẳng định một trong những bảo đảm chính cho ANPTT là sử dụng công cụ pháp luật.

Hội thảo quốc tế: “An ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực” do Viện hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức
Hội thảo quốc tế: “An ninh phi truyền thống trong tiến trình hội nhập khu vực” do Viện hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức)

Trở lại với pháp luật thực định của nước ta trong bảo đảm ANPTT hiện nay, chúng ta nhận thấy hệ thống pháp luật đã ngày được hoàn thiện, tiêu biểu bao gồm các luật như: Hiến pháp 2013; Luật Quốc phòng năm 2005; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật bảo vệ môi trường năm 2014; Luật phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật tài nguyên môi trường và hải đảo năm 2015; Luật Đất đai 2013; Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989; Luật bảo hiểm y tế năm 2008; Luật khám, chữa bệnh năm 2009; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật phá sản năm 2005; Luật đầu tư năm 2014; Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Mới đây nhất, tại Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 34 tội danh mới, trong đó có các tội danh đe dọa ANPTT như tội khủng bố, tội cướp biển…đặc biệt theo Bộ luật hình sự mới sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Sự hoàn thiện pháp luật trên ở nước ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, một mặt là thể chế hóa quan điểm của Đảng, mặt khác thể hiện những cam kết quốc tế cũng như nội luật hóa những công ước, hiệp ước, hiệp định, nghị định thư mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên trước những diễn biến rất phức tạp, trước những “nhóm” thách thức ANPTT nổi cộm như môi trường, tội phạm công nghệ cao… đang hiện hữu, đe dọa an ninh truyền thống, đòi hỏi bên cạnh những yếu tố bảo đảm ANPTT như thể chế, hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, tài trợ…thì yếu tố pháp luật cần hết sức chú trọng (vụ việc của Formosa Hà Tĩnh…), đòi hỏi dưới góc độ quản lý nhà nước, cần xem xét tính quy phạm (tính chính xác, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng thủ tục trong xây dựng pháp luật) đến chế tài (hậu quả pháp lý khi cá nhân, pháp nhân gây ra vi phạm).

Trong thực tế, nếu vụ việc ngày 13 tháng 9 năm 2008, đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải (Theo ước tính, Vedan xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông), bị Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra 10 sai phạm và với quy định hiện hành khi đó, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng, thì 7 năm sau trong Bộ luật hình sự mới có chế định mới về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Với ví dụ trên cho thấy pháp luật chưa song hành cùng thực tế, chưa thực sự là công cụ quản lý nhà nước.

Kết mở

Quan niệm về ANPTT tương đối rộng lớn, đang là những thách thức, đe dọa nghiêm trọng đến ổn định, trật tự xã hội. Điều đó đòi hỏi tương ứng với mỗi mảng, mỗi lĩnh vực ANPTT cần hiện diện kịp thời, đầy đủ hệ thống quy phạm, trước hết và chủ yếu là quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm và kiểm soát có hiệu quả các mối đe dọa từ ANPTT.

Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Phúc

Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật- Học viện Chínhtrị

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vai-tro-cua-phap-luat-trong-bao-dam-ninh-phi-truyen-thong-a155173.html