Pháp luật về bồi thường của nhà nước trong lĩnh vực hành chính: Cần hoàn thiện theo hướng vì dân

(Pháp lý) - LTS: Sau 6 năm thi hành, Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) đã đạt được kết quả trên nhiều mặt. Tuy nhiên trong quá trình thi hành, Luật đã bộc lộ không ít những hạn chế cần khắc phục bổ sung, đặc biệt là các quy định bồi thường trong lĩnh vực hành chính. Chuyên mục Từ cuộc sống đến Nghị trường kỳ này, Pháp lý sẽ bàn sâu về những tồn tại, hướng tới hoàn thiện những quy định về bồi thường nhà nước trong lĩnh vực hành chính.

Bài 1: Đòi bồi thường – hành trình gian nan

Nhìn lại các vụ việc mà tổ chức, cá nhân có thiệt hại trong lĩnh vực hành chính đòi bồi thường, có thể nhận thấy hành trình đòi Nhà nước bồi thường rất gian nan vì nhiều lý do.

Không nhận sai, né bồi thường

Đầu năm 2016, Đội QLTT số 14 bắt giữ 2,2 tấn hàng hóa của Công ty chế biến thực phẩm Vietfoods đồng thời tuyên bố với truyền thông rằng sản phẩm của Vietfoods sử dụng chất sodium nitrade gây ung thư cho người tiêu dùng. Ngay khi thông tin được công bố, có một làn sóng tẩy chay sản phẩm của Công ty Vietfoods. Việc này làm cả nhà máy cùng công nhân của công ty này phải ngưng hoạt động.

Bà Phạm Thị Lang ở Kiên Giang đi đòi bồi thường nhiều năm chưa được
Bà Phạm Thị Lang ở Kiên Giang đi đòi bồi thường nhiều năm chưa được)

Trong khi Đội QLTT số 14 tung tin như vậy thì Cục An toàn thực phẩm lại khẳng định chất sodium nitrade (251) nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và Công ty Vietfoods không sai. Tìm các bằng chứng liên quan, công ty này khiếu nại tới Đội QLTT 14 nhưng cơ quan quản lý thị trường – đơn vị xử lý – vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Mãi đến khi có sự vào cuộc của truyền thông, Đội QLTT này mới lên tiếng. Họ bảo vệ quan điểm khi cho rằng mình không sai khi thu giữ xúc xích Vietfoods.

Qua vụ việc trên cho thấy, ngay cả khi cơ quan chức năng kết luận xúc xích của Vietfoods không có chất gây ung thư thì thương hiệu của doanh nghiệp này cũng bị tổn hại trong mắt người tiêu dùng, thiệt hại mà doanh nghiệp gánh chịu không thể đo đếm được bởi trước đó, thông tin “xúc xích của Vietfoods có chất gây ung thư” đã được lan truyền rộng rãi, bị người tiêu dùng tẩy chay. Do đó nếu xử lý khủng hoảng không tốt, doanh nghiệp rất có thể sẽ phải đi đến phá sản. Thiệt hại đã rõ, thế nhưng câu chuyện đòi bồi thường thiệt hại vẫn xa vời vì những tranh cãi, trốn tránh hay ranh giới đúng sai không rõ ràng của những quy định pháp luật.

Hơn nữa, khi kiện bồi thường là doanh nghiệp phải đương đầu với đơn vị quản lý nhà nước có nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp mình, nên nhiều doanh nghiệp “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà từ chối việc đòi lại công bằng cho doanh nghiệp.

Tòa phán quyết cũng không bồi thường

Theo hồ sơ, năm 2002, bà Phạm Thị Lang và ông Đặng Minh Dũng (nguyên phó Tỉnh đội Kiên Giang) thỏa thuận sang nhượng lại 130 ha đất rừng phòng hộ của 10 hộ dân ở huyện An Minh, với số tiền 500 triệu đồng (tương đương 100 lượng vàng thời điểm đó) để đầu tư trồng rừng. Tuy nhiên, 5 năm sau Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang đã ban hành 2 quyết định thu hồi toàn bộ đất rừng trên để giao khoán cho 15 hộ khác, đồng thời chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.

Một khu nghỉ dưỡng bỏ hoang do những quyết định thất thường của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên hơn 3 năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được bồi thường.
Một khu nghỉ dưỡng bỏ hoang do những quyết định thất thường của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên hơn 3 năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được bồi thường.)

Cho rằng Sở này làm sai luật, bà Lang khiếu kiện ra tòa. Đầu tháng 3/2013, TAND tỉnh Kiên Giang không chấp nhận đơn của bà Lang, bác yêu cầu đòi bị đơn bồi thường thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Sáu tháng sau, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng và đề nghị cấp sơ thẩm xét xử lại. Trong phiên xét xử lần 3, HĐXX nhận định, việc Ban quản lý rừng huyện An Minh - An Biên đơn phương chấp dứt hợp đồng trước thời hạn và Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT ra quyết định thu hồi đất rừng mà chưa thanh lý hợp đồng là không đúng với quy định của pháp luật.

Nhiều tiền của, công sức, tâm huyết đầu tư rừng và giữ rừng của người dân bỗng chốc trở thành tay trắng. Vì mất mát quá lớn nên bà Lang kiên nhẫn, đằng đẵng theo kiện nhiều năm.

Sau thời gian nhiều năm đi khiếu kiện, đến tháng 9/2016 TAND tỉnh Kiên Giang tuyên Sở NN & PTNT thua kiện bà Lang, phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng vì đã thu hồi đất rừng giao khoán trái luật. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết đang hoàn tất hồ sơ để kháng cáo. Còn bà Lang khẳng định cũng sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm vì số tiền được bồi thường không thỏa đáng. Cứ theo diễn biến của vụ việc thì không biết bao giờ bà Lang mới nhận được bồi thường nhà nước.

Chấp nhận bồi thường nhưng “hành” về thủ tục

Một vụ việc khác xảy ra ở TP. Phan Thiết – Bình Thuận. 12 dự án và các khu resort liền kề nằm trên trục đường 719 đi qua các xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), Thuận Quý, Tân Thành (Hàm Thuận Nam) nằm trong vùng hoạt động ở Kê Gà (Bình Thuận) đang ở trong giai đoạn xây dựng, phát triển mạnh mẽ bỗng phải dừng hoạt động. Lí do là vào năm 2007, Bộ Giao thông - Vận tải bất ngờ bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng nước sâu tổng hợp. Chính quyền đã thông báo đến các chủ đầu tư khu du lịch và người dân yêu cầu tất cả ngưng xây dựng, nhường đất cho dự án cảng biển mang tầm quốc gia. Thế nhưng vào tháng 2/2013, nhận thấy dự án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu ngừng lại. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư các dự án và công trình trên. Sự thất thường của những quyết định trên đã biến khu resort nghìn tỷ thành “làng du lịch ma” ở Kê Gà và gây cho nhiều doanh nghiệp khác cùng thiệt hại. Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vì mất mát tài sản, tiền thuê nhân công, chi phí đầu tư, lãi vay ngân hàng… chờ tiền bồi thường của nhà nước. Hơn 3 năm qua, chủ các dự án đã phải vật lộn với nhiều loại giấy tờ để chứng minh thiệt hại. Nhà đầu tư cho rằng, họ gặp khó khi chuẩn bị hồ sơ đòi bồi thường gồm giấy tờ, hóa đơn do thời gian đã lâu.

Ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận - Chủ tịch Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ các chủ đầu tư ảnh hưởng bởi dự án cảng Kê Gà cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn tất việc định giá mức đền bù thiệt hại cho các chủ đầu tư và đã trình lên UBND tỉnh. Tuy nhiên các thủ tục để bồi thường vẫn đang làm, chưa biết khi nào có thể kết thúc.

Thiệt hại đã quá rõ ràng, bồi thường đã được chấp nhận nhưng việc kéo dài bồi thường và làm khó bằng các thủ tục như đòi hỏi hóa đơn, chứng từ khiến các doanh nghiệp nản lòng.

Anh Tâm (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-luat-ve-boi-thuong-cua-nha-nuoc-trong-linh-vuc-hanh-chinh-can-hoan-thien-theo-huong-vi-dan-a155081.html