Thẩm định tài sản đảm bảo “ có vấn đề”: Nguyên nhân “cốt lõi” gây nợ xấu

(Pháp lý) - Theo ý kiến một số chuyên gia, để tình trạng nợ xấu nhiều như hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cốt lõi là khâu thẩm định tài sản đảm bảo ở các ngân hàng hiện nay “có vấn đề”. Chính khâu thẩm định thiếu chặt chẽ và có dấu hiệu tư túi, tiêu cực đã khiến không ít ngân hàng ôm cả nghìn tỷ nợ xấu.

Có lẽ, dư luận vẫn chưa quên về sự việc một kho hàng cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân đã thế chấp cho 7 ngân hàng để chiếm đoạt 600 tỷ đồng ở Bình Dương trong thời gian qua. Theo đó, đối tượng Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trường Ngân đã chỉ đạo Nguyễn Đăng Sơn ký hợp đồng thế chấp khoảng 24.000 tấn cà phê hạt cho 7 ngân hàng để vay hơn 600 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Công Thương (Vietinbank), Phương Đông (OCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Hàng Hải (MaritimeBank), Quân Đội (MB), Quốc Tế (VIB). Tuy nhiên, khi cưỡng chế thi hành án kho chứa 3.360 tấn cà phê Công ty TNHH Trường Ngân cầm cố các ngân hàng, ngoài việc không trùng khớp số lượng, lực lượng chức năng còn phát hiện, khoảng 800 tấn rác gồm sỏi, vỏ cà phê, tro trấu… được độn trong các bao cà phê. Hiện vẫn chưa rõ vì sao người của các ngân hàng lại dễ dàng để Công ty TNHH Trường Ngân qua mặt, cầm cố rác mà vay được hàng trăm tỷ.

Nhiều chuyên gia nhận định vụ việc là bài học đắt giá cho các ngân hàng trong công tác thẩm định tài sản của người vay. Nhưng chúng ta cần phải khách quan nhìn nhận rằng, các quy trình thẩm định giá trị tài sản ở các ngân hàng hiện nay tương đối chặt chẽ, thậm chí nhiều ngân hàng còn dùng dịch vụ thẩm định bên ngoài và ngay trong ngân hàng còn có cả công ty thẩm định riêng. Vậy mà sao lại xảy ra vụ việc thế chấp như trên?

Công ty TNHH Trường Ngân đã thế chấp cho 7 ngân hàng kho café để chiếm đoạt 600 tỷ đồng (ảnh minh họa)
Công ty TNHH Trường Ngân đã thế chấp cho 7 ngân hàng kho café để chiếm đoạt 600 tỷ đồng (ảnh minh họa))

Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Lê Văn Trung cho rằng, việc các Ngân hàng có quy trình thẩm định chặt chẽ hay thuê dịch vụ thẩm định bên ngoài, thẩm chí Ngân hàng còn thành lập cả công ty thẩm định riêng đi chăng nữa thì điều này không đồng nghĩa với thậm định đúng, đủ và chính xác đối với giá trị tài sản. Ngân hàng có quy trình thẩm định chặt chẽ, quy trình này được xem xét và duyệt đi duyệt lại rất cẩn thận nhưng khi áp dụng thì người thực hiện có tuân thủ đầy đủ và đúng theo quy trình này không lại là vấn đề khác. Chuyện cán bộ ngân hàng làm tắt hay bỏ qua công đoạn trong quy trình là chuyện bình thường, còn cán bộ đi làm thẩm định thì thậm chí có người còn không hiểu gì về thẩm định giá và cũng chẳng được đào tào kiến thức chuyển môn về vấn đề này. Trong trường hợp Ngân hàng sử dụng dịch vụ thẩm định bên ngoài hay thành lập công ty riêng để thực hiện việc thẩm định, cứ cho là họ đầy đủ các điều kiện để thậm định giá, nhưng họ chỉ thậm định giá đối với tài sản ở thời điểm hiện tại, là thời điểm họ được yêu cầu. Trong khi đó thị trường không ngừng biến động, giá cả lên xuống không lường thì làm sao các tổ chức thậm định giá có thể thẩm định giá cho cả một giai đoạn hay thời kỳ được. Chính vì không dự báo và thẩm định được giá ở thời điểm xử lý nên nợ xấu vẫn cứ phát sinh và điều này không thể tránh khỏi.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì ở Việt Nam hiện nay chỉ một số ngân hàng sử dụng công ty bên ngoài thẩm định. Còn lại rất nhiều dùng thẩm định của chính ngân hàng, nghĩa là tự thẩm định lấy. Cái này rất nguy hiểm và thiếu sót vì nhân viên ngân hàng không thể hiểu hết, hiểu sâu về thẩm định. Họ có thể thẩm định giá trị căn hộ 2-3 tầng được chứ không thể thẩm định cả dự án, tòa nhà…

Cùng quan điểm với Luật sư Trung và TS. Hiếu nhưng Luật sư Vũ Thị Nhinh lại cho rằng, vấn đề thẩm định tài sản đảm bảo hiện nay ở các ngân hàng có vấn đề là bởi đâu đó, xuất hiện người trục lợi, tham nhũng... khiến một số ngân hàng gặp họa. “Nợ xấu sinh không chỉ do khâu thẩm định kém, nguy hiểm nhất là bóng dáng của trục lợi, tham nhũng lấp ló đằng sau đó. Trên thực tế có những trường hợp khi cho vay người ta được hưởng những khoản “hoa hồng” rất lớn. Việc các đơn vị vay mới sẵn sàng chi trả khoản “hoa hồng” cực kỳ lớn cho nhân viên ngân hàng, thì cần cảnh giác vì có thể họ sắp lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính nên mới có những động thái bất thường như vậy. Đó chính là nguyên nhân khiến việc cho vay mà khó thu hồi, việc đòi nợ trở nên khó khăn vì khi đã phá sản, giải thể thì tài sản còn lại sẽ rất ít để có thể đảm bảo được tất cả các khoản vay.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thẩm định giá có vấn đề có thể xuất phát từ việc các ngân hàng thường giao chỉ tiêu cho các chi nhánh nhưng lại thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ. Do vậy, đã vô tình tạo áp lực lớn lên các cán bộ ngân hàng và việc chi nhánh của các ngân hàng thẩm định tài sản đảm bảo qua loa để lấy đủ chỉ tiêu là điều khó tránh khỏi.

Vấn đề này được Luật sư Lê Văn Trung phân tích, việc giao chỉ tiêu huy động vốn là có, thậm chí chỉ tiêu của các năm không ngừng tăng lên và năm sau cao hơn năm trước. Điều này đã tạo áp lực rất lớn lên các Chi nhánh của Ngân hàng, Chi nhánh lại phân bổ chỉ tiêu cho cán bộ và cán bộ phải hoàn thành nhiệm vụ. Khi phân bổ chỉ tiêu và yêu cầu hoàn thành chỉ tiêu như vậy sẽ buộc cán bộ ngân hàng làm việc với năng suất cao, điều này sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho chính ngân hàng và thu nhập cho cán bộ. Ngược lại, chỉ tiêu cũng sẽ tạo ra những mặt tiêu cực của nó, với áp lực hoàn thành chỉ tiêu sẽ đẩy cán bộ ngân hàng đến chỗ làm ẩu, bỏ sót công đoạn, làm qua loa thậm chí nghĩ ra những biện pháp để đối phó lại chính chỉ tiêu đã được giao như phối hợp với người thân quen để thực hiện việc vay trả. Cao hơn nữa là thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật để đạt được chỉ tiêu hoặc tránh việc bản thân họ bị đào thải khỏi ngân hàng. Nhưng không vì thế mà ta đổ lỗi cho do chỉ tiêu huy động vốn đã dẫn đến thẩm định tài sản bảo đảm qua loa, sơ sài mà tất cả là ở con người thực hiện. Dù chỉ tiêu bao nhiêu đi chăng nữa thì cán bộ cũng phải thực hiện việc thẩm định giá theo đúng quy trình, trình tự được đề ra, muốn thế phải bố trí lịch làm việc một cách khoa học.

Luật sư Vũ Thị Nhinh cũng cho rằng, việc giao chỉ tiêu cũng chỉ là một phần, còn lại là do lòng tham của chính những cán bộ ngân hàng. “Việc các ngân hàng giao chỉ tiêu huy động và cho vay xuống các chi nhánh nên vô tình tạo áp lực lớn lên các cán bộ ngân hàng và việc chi nhánh của các ngân hàng thẩm định tài sản đảm bảo qua loa để lấy đủ chỉ tiêu vẫn có khả năng xảy ra. Thực tế này là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ còn cán bộ ngân hàng thì cố tình làm sai tạo ra những khe hở và hưởng lợi từ đó. Nói một cách khác là người trong và người ngoài ngân hàng đều xâu xé và hưởng lợi từ nguồn vốn ngân hàng. Việc này không chỉ riêng lý do là các ngân hàng giao chỉ tiêu cho nhân viên tạo áp lực cho nhân viên các chi nhánh mà còn do lòng tham từ chính các nhân viên này đối với các khoản “hoa hồng” mà khách hàng chi trả. Các doanh nghiệp đi vay, bản thân họ cũng thấy được dự án của họ là không có hiệu quả, chắc chắn việc đi vay cũng không thực hiện đầu tư để sinh lời nhưng vẫn cố tình đi vay. Và để được vay vốn họ sẵn sàng chia chác cho các cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất”, Luật sư Nhinh nói.

Luật sư Nhinh cũng cho rằng, điểm chính ở đây là lợi nhuận các nhân viên này thu về đó là số tiền hoa hồng lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều có các nhân viên biến chất như vậy. Việc áp chỉ tiêu cũng là một chiến lược của ngân hàng nhằm phát triển những nhân viên có tố chất, có tiềm năng, dựa vào đúng năng lực thực sự của mình để hoàn thành các công việc được giao một cách hiệu quả đúng pháp luật.

Quỳnh Trang – Hoài Anh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-dinh-tai-san-dam-bao-co-van-de-nguyen-nhan-cot-loi-gay-no-xau-a154969.html