Các doanh nghiệp (DN) lớn muốn được “ôm” lấy thị trường, bảo vệ lợi ích nhóm của những DN này, không cho DN nhỏ tham gia. Đó là đòi hỏi vô lý.
Ông Trương Thanh Đức - thành viên tổ công tác thi hành Luật DN và Luật đầu tư, chủ tịch Công ty luật Basico - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc một số DN kinh doanh gas gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng và Bộ Công thương, đề nghị được “bồi thường” khoản tiền đã đầu tư vào kho chứa, vỏ bình.
Ông Đức nói: Lĩnh vực kinh doanh gas cần phải có điều kiện là đúng và điều kiện về quy mô cũng có vai trò quyết định đến chất lượng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa DN nhỏ sẽ vi phạm còn DN lớn thì không.
Hơn nữa, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này đã có các cơ quan chức năng, như quản lý thị trường, cơ quan về tiêu chuẩn, cơ quan phòng cháy chữa cháy...
* Một số DN đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhằm đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn, nhưng giờ lại nới lỏng các điều kiện này?
- Khi nhóm DN lớn muốn giữ quy định nghị định 19, với luận điểm rằng nếu tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas, DN nhỏ sẽ làm rối loạn thị trường và gây ảnh hưởng đến DN lớn là không phù hợp. Đó không phải là vì lợi ích của cộng đồng DN, của người dân và nền kinh tế, mà chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm DN lớn.
Không có đất nước hay luật pháp nào lại đi khuyến khích DN lớn cạnh tranh, chèn ép DN nhỏ. Nếu bảo rằng để DN nhỏ tồn tại sẽ gây khó khăn cho DN lớn, chẳng lẽ Nhà nước phải dọn dẹp hết chợ búa và vỉa hè đi để cho siêu thị bán được nhiều hàng? Và theo quy luật của thị trường, DN nào làm ăn đàng hoàng, DN đó sẽ tồn tại.
Tôi không tin rằng nếu được đầu tư bài bản, DN lớn lại không thể cạnh tranh với DN nhỏ. Người tiêu dùng rất thông minh. Nếu DN có chất lượng dịch vụ, sản phẩm và uy tín thương hiệu, người tiêu dùng sẽ lựa chọn.
* Việc đưa ra những điều kiện về quy mô và số lượng cho nhiều lĩnh vực quản lý như ôtô, phân bón, xăng dầu, gạo... là không phù hợp?
- Khi đưa ra những quy định này, có thể cơ quan quản lý đúng do phù hợp với thị trường ở thời điểm đó. Nhưng câu chuyện của ngành hôm nay đã khác và rõ ràng thị trường thay đổi, cần phải thay đổi lại tư duy. Những chính sách quản lý gas hay ôtô, gạo, phân bón... nếu đã bộc lộ những bất hợp lý thì càng cần phải bỏ đi, tạo điều kiện cho tất cả DN cùng làm ăn.
Hãy để cho thị trường quyết định chứ bộ quản lý chuyên ngành không nên đi lo thay cho DN. Việc lựa chọn quy mô như thế nào là do chính DN tính toán cho phù hợp với khả năng và đòi hỏi của thị trường chứ không phải của cơ quan quản lý.
Hơn nữa, nếu thu hẹp các đối tượng được tham gia thị trường, chẳng hạn như chỉ có những DN lớn mới được tham gia, liệu người tiêu dùng hay nền kinh tế có được hưởng lợi. Chắc chắn là không, chỉ có nhóm DN này hưởng lợi, chưa kể sẽ tước đoạt cơ hội kinh doanh của các DN khác có khả năng tài chính kém hơn.
Không thể lấy điều kiện về quy mô để khẳng định rằng có thể đảm bảo hoàn toàn về chất lượng. Với lĩnh vực dễ cháy nổ, có thể xảy ra gian lận và ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng con người, cần có nhiều cơ quan chức năng vào kiểm tra, thanh tra và giám sát, xử lý.
Đặc biệt, cần tăng xử phạt lên, phạt thật nặng và thậm chí là đóng cửa các đơn vị làm ăn gian dối để ngăn chặn. Ngay cả bản thân các DN nhỏ và vừa cũng sẽ bị phạt nặng nếu gian dối trong kinh doanh gas.
* Dù Bộ Công thương vừa bỏ quy định kiểm tra formaldehyde cho ngành dệt may và tới đây sẽ nới lỏng thêm các điều kiện kinh doanh gas, nhưng vẫn còn nhiều quy định của nhiều bộ ngành đang gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thưa ông?
- Như tôi đề cập, đã đến lúc các bộ quản lý chuyên ngành không nên “ôm” mọi thứ vào mình, vừa cản trở hoạt động của các DN vừa không có lợi cho nền kinh tế. Cứ để cho DN cạnh tranh sòng phẳng và lành mạnh.
Không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh gas mà với nhiều lĩnh vực khác cũng vậy, bất cứ DN nào làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật cần được trừng trị nghiêm, có thể xử phạt thật nặng hoặc đóng cửa. Khi đó, DN sẽ tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Dù các bộ chuyên ngành có muốn quản lý cũng khó mà quản hết được. Tôi lấy ví dụ với hoạt động kinh doanh gas, trước đây các sở công thương là cơ quan cấp phép, đồng thời thực hiện vai trò giám sát và quản lý một cách chặt chẽ để tránh gian lận.
Tuy nhiên, thời gian qua Bộ Công thương lại ôm hết, yêu cầu DN phải về bộ xin cấp giấy phép, trong khi chỉ có vài cán bộ thì làm sao quản lý nổi 63 tỉnh thành.
Tư duy vì thị trường và người tiêu dùng là đúng, nhưng cách làm và quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành như vậy là sai. Do đó, việc sửa đổi các quy định trong kinh doanh lĩnh vực này theo hướng nới lỏng là cần thiết.
Nhiều quy định gây khó cho DN
- Nghị định 202/2013/NĐ-CP về “quản lý phân bón” cùng các thông tư (TT) hướng dẫn (TT số 29/2014 và TT 04/2016 của Bộ Tài chính) yêu cầu công suất tối thiểu của cơ sở sản xuất phân bón vô cơ 1.000 - 10.000 - 50.000 - 100.000 tấn/năm.
- Nghị định số 83/2014 về “kinh doanh xăng dầu”, với những quy định thương nhân kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu phải có: cầu cảng chuyên dụng quốc tế của VN, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu tối thiểu 15.000m3; có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ, 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ...
Theo Tuoitre
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-doi-bo-cong-thuong-boi-thuong-khong-bao-ve-loi-ich-nhom-a154917.html