“Để Nhà nước thu được giá cao thì chúng ta nên bán toàn bộ cổ phần của nhà nước ở Habeco và Sabeco trong vòng 1 lần”.
Sabeco, Habeco đóng vai trò trực tiếp
Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Theo đó, Ban chỉ đạo bán vốn tại Sabeco và Habeco gồm có 11 thành viên. Trong đó Trưởng ban là ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương. Các thành viên còn lại là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công thương, lãnh đạo của công ty Sabeco và Habeco.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, việc các lãnh đạo của Sabeco và Habeco tham gia vào Ban chỉ đạo bán vốn của 2 doanh nghiệp này là điều hoàn toàn bình thường.
“Theo phân công thì những lãnh đạo của Sabeco, Habeco là người đại diện của Bộ Công thương trong doanh nghiệp. Họ là người trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Vì vậy việc lãnh đạo Sabeco và Habeco có trong thành phần Ban chỉ đạo là chuyện bình thường. Nếu bán vốn lên sàn thì đương nhiên họ phải trực tiếp cung cấp đầy đủ thông tin.Việc này cũng góp giúp cho việc định giá cổ phần chuẩn xác hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch VAFI, việc Bộ Công thương lập ban chỉ đạo bán vốn Sabeco và Habeco vào thời điểm này là phù hợp với điều kinh kinh doanh cũng như nhu cầu của thị trường hiện nay.
“Việc Habeco và Sabeco chậm cổ phần hóa thời gian qua đã để lại nhiều thiệt hại cho nhà nước. Thực tế là Habeco năm nay đang sa sút kinh doanh, còn Sabeco thì tiến triển chậm. Nếu nhà nước mà không tiến hành nhanh mà tiếp tục giao tài sản khổng lồ cho những người lãnh đạo không có năng lực tại 2 doanh nghiệp này thì rất sợ.
Hơn nữa, thời điểm này tiến hành bán vốn cũng rất thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm đến lĩnh vực bia, rượu. Do đó cần có kế hoạch bán sớm và hiệu quả”, ông Hải nêu quan điểm.
Phải công khai, minh bạch thông tin
Để vấn đề bán vốn đạt được kết quả như mong muốn, tránh những lợi ích nhóm trong việc định giá, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với các cá nhân, đơn vị liên quan đó là phải làm việc hết sức công khai, minh bạch, thông tin đưa ra rõ ràng nhất.
“Tôi nghĩ để tránh những nghi ngại từ dư luận, chúng ta có thể thuê những tổ chức tư vấn nước ngoài có danh tiếng làm việc với những dự án trên. Tổ chức này ngoài chuyện định giá doanh nghiệp, phân tích tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, kinh tế ngành, họ còn có các mạng lưới nhà đầu tư chiến lược ở khắp thế giới. Với sự tư vấn của họ cùng với danh tiếng của các tổ chức này thì việc mời gọi các doanh nghiệp đến sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hải lưu ý rằng, Bộ Công thương cũng như Ban chỉ đạo bán vốn Habeco, Sabeco cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học ở trong và ngoài nước để có thêm cơ sở vững chắc trong việc định giá vốn.
“Bộ Công thương phải cầu thị, làm việc vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Việc thành lập ban chỉ đạo vốn là cần thiét nhưng cần phải xem làm việc có hiệu quả đến đâu. Tránh tình trạng ban lập ra nhưng chỉ mang tính hình thức. Khi người dân cũng như các nhà khoa học, chuyên môn có ý kiến hay thì cũng nên lắng nghe và tiếp thu. Trong thời gian qua VAFI đã có rất nhiều kiến nghị, nhưng thực tế các cơ quan nhà nước tiếp thu và thay đổi rất chậm”, ông Hải nhấn mạnh.
Chỉ bán vốn một lần
Trước những vấn đề dư luận quan tâm, Phó Chủ tịch VAFI khẳng định bản thân ông và Hiệp hội sẽ tiếp tục có những kiến nghị lên chính phủ về hình thức bán vốn đối với Habeco và Sabeco.
“Thủ tướng chính phủ chỉ đạo phải đưa ra biện pháp bán vốn 2 doanh nghiệp trên với giá cao nhất. Theo tôi, nếu để nhà nước thu được giá cao thì nên bán toàn bộ cổ phần của nhà nước trong vòng 1 lần. Như thế thì sẽ có nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn cũng như tránh việc thất thoát về tài sản nhà nước có thể gặp phải.
Chẳng hạn như với trường hợp Sabeco nhà nước nắm giữ 89% cổ phần. Chúng ta bán thành 2 lần. Lần đầu tiên, nhà đầu tư nắm được quyền chi phối khoảng 51% thì đợt sau có thể sự cạnh tranh sẽ giảm bớt đi.
Thực tế dù vẫn còn những cổ phần khác nhưng quyền quyết định, quyền điều hành trong doanh nghiệp thì nhà đầu tư mới họ đã nắm được rồi. Cho nên chính phủ cần phải xem xét lại vấn đề này”, ông Hải nói.
Trước một số ý kiến cho rằng nên bán vốn Habeco hay Sabeco thành nhiều lần, Phó Chủ tịch FAVI khẳng định đó là một quyết định hoàn toàn sai lầm nếu được lựa chọn.
“Với những người quản lý nhà nước thường không thích bán vốn. Bộ, ngành cũng không thích và muốn níu kéo. Tuy nhiên, nếu cứ bán 10% mỗi lần thì chắc chắn sẽ không thu hút được nhà đầu tư chiến lược vào. Khi nhà nước vẫn nắm chi phối, vẫn nắm cổ phần như vậy thì nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ không mặn mà gì cả. Đương nhiên khi đó quá trình bán sẽ rất chậm và không mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà nước”, ông Hải thẳng thắn.
Theo Bao Datviet
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ban-von-tai-habeco-sabeco-dieu-quan-trong-la-a154796.html