Kiếm lời bằng tài sản công

Năm ngoái, khách sạn hai mặt tiền, 276 m2 ở 120 Quán Thánh của một doanh nghiệp nhà nước - mảnh “đất vàng” thuộc quận Ba Đình, Hà Nội - được bán đấu giá.

Người thắng trả 50 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm là... 49,885 tỷ đồng, tức là chênh so với giá khởi điểm chỉ mấy chục triệu.

Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, khu đất vàng này được rao bán tại sàn giao dịch bất động sản với mức giá 110 tỷ đồng. Sau khi báo chí đưa tin, vụ việc đã bị đình lại, hợp đồng đấu giá này không thành công. Một khối tài sản lớn của nhà nước nhờ vậy đã không bị bốc hơi hơn một nửa.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ)

Tôi được tiếp cận bản sao hai tờ thông báo về việc bán đấu giá khách sạn này. Một bản gửi ra ngoài và một bản lưu hồ sơ. Hình thức nhìn qua giống hệt nhưng nội dung lại hoàn toàn khác. Trong thông báo ra ngoài, thông tin về địa điểm của khu đất vàng này chỉ vẹn vẻn các con số của quyển sổ đỏ khu đất. Một người bình thường, qua các con số, khó có thể biết khu đất này chỉ cách Hội trường Ba Đình vài trăm mét. Thời hạn quyền sử dụng khu đất còn lại được thông báo ra ngoài chỉ còn ba năm kể từ thời điểm đấu giá, chứ không phải là 50 năm như thực tế. Đó là chưa kể các điều kiện khác như thủ tục xác nhận bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng quá ngặt nghèo. Trong bản thông báo ra ngoài, kể từ khi hết thời hạn bán hồ sơ đến thời hạn nộp thầu chỉ một ngày. Trong khi bản lưu hồ sơ còn đến 15 ngày… Thông tin về việc bán đấu giá khu đất vàng không được công bố rộng rãi, cụ thể.

Thế nên, chỉ có hai người đủ điều kiện tham gia và giá cả được thống nhất nhanh chóng. Và con số 50 tỷ kia, thật ra là mức giá theo định giá cách đó 12 năm.

Những kịch bản như trên không hiếm trong thực tế. Một câu hỏi đáng sợ đặt ra là trong số 23.059 hợp đồng bán đấu giá tính đến đầu năm 2015 (mà rất nhiều trong số đó là tài sản và đất đai của nhà nước), đã có bao nhiêu vụ việc như khu đất 120 Quán Thánh? Bao nhiêu tài sản nhà nước đã mất đi công khai theo cách này? Một con số thống kê từ báo cáo tổng kết cũng cho thấy phần nào: giá đấu giá thành công của hơn 23 nghìn hợp đồng trên chỉ cao hơn chưa đến 8% so với giá khởi điểm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20-50% của nhiều quốc gia khác.

Tôi đem câu hỏi này hỏi giám đốc một công ty bán đấu giá lớn tại Hà Nội, ông khẳng định rằng tiêu cực lớn nhất, thất thoát lớn nhất trong đấu giá không phải do tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, mà do sự liên kết, thông đồng giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá.

Khác với ông chủ tư nhân, người được giao quản lý và bán tài sản công không có động lực để tìm cách bán tài sản đó có lợi nhất cho nhà nước. Kẽ hở chết người là người có tài sản bán đấu giá sau khi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc đấu giá, không còn phải chịu trách nhiệm gì nữa, theo quy định của pháp luật hiện hành. Tài sản sẽ được tìm cách đẩy vào tay những người “đúng ý” nhất, chứ không phải bán được giá cao nhất.

Để tài sản đấu giá vào được tay người mình mong muốn với mức giá dự tính, cách thức thông thường là không đăng thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có thì đăng khi đã hết hạn đăng ký, trên một website nào đó có "cơ chế linh hoạt" để có thể thay đổi về nội dung và thời hạn đấu giá. Thông tin đăng sẽ không đầy đủ và có sự khác biệt giữa hồ sơ công bố ra ngoài và hồ sơ lưu.

Giải pháp để ngăn chặn sự thất thoát tài sản qua kẽ hở này thực ra rất đơn giản và không tốn kém. Đó là minh bạch thông tin. Cần quy định cụ thể các nội dung thông tin khi bán đấu giá. Thông tin này cần đăng tải đúng và đầy đủ trên báo chí hoặc một cổng thông tin thống nhất của nhà nước, mà không thể sửa đổi. Tên, địa chỉ, số điện thoại đơn vị tổ chức bán đấu giá; Thông tin về tài sản bán đấu giá (với tài sản thì phải có danh mục, với bất động sản phải có diện tích đất, diện tích xây dựng, thời gian sử dụng và mục đích sử dụng đất); Giá khởi điểm: có thuế hay chưa có thuế VAT; Nơi để tài sản; Thời gian, địa điểm đăng ký tham gia và tổ chức đấu giá... cần hết sức rõ ràng.

Luật cũng cần quy định bắt buộc phải huỷ kết quả đấu giá khi không đăng hay đăng không đúng bất kỳ thông tin nào ở trên. Cần quy định thêm trách nhiệm của người có tài sản trong giám sát việc đăng thông báo và các nội dung đăng.

Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm này, Luật đấu giá tài sản nhà nước sẽ được thông qua. Nếu nó không thể bịt được những kẽ hở này, thì cơ hội “làm giàu bằng tiền thuế nhân dân” có thể mở ra với bất kỳ ai hiểu luật chơi.

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kiem-loi-bang-tai-san-cong-a154757.html