Tư tưởng Hồ Chí Minh về giám sát quyền lực, quyền lực tư pháp

(Pháp lý) - Giám sát quyền lực nhà nước nói chung và quyền lực tư pháp nói riêng là hoạt động đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm, trăn trở đến lĩnh vực này. Trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, tư tưởng đó càng phát huy giá trị lý luận và thực tiễn.

Đề cao kiểm tra, giám sát

Về bản chất và nguồn gốc quyền lực nhà nước, Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ”, quyền lực này là do Đảng hoặc Chính phủ, đoàn thể “ủy cho họ quyền lãnh đạo” mà có. Xét cho cùng, quyền lực đó cũng đều do nhân dân “ủy thác” ra với những thời hạn nhất định.

Trong chế độ dân chủ và pháp quyền XHCN thì quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của nhà nước mà quyền lực được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Hơn nữa, quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là giao cho những người cụ thể thực thi. Mà con người thì “luôn luôn chịu sự ảnh hưởng của các loại tình cảm và dục vọng đối với các hành động của con người. Điều cũng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất”. Đặc biệt là khi lý tính bị chi phối bởi các dục vọng, thói quen hay tình cảm thì khả năng sai lầm trong việc thực thi quyền lực nhà nước càng lớn. Với đặc điểm đó của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền đối với người được ủy quyền.

[caption id="attachment_154446" align="aligncenter" width="606"] Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam (ảnh tư liệu)
Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam (ảnh tư liệu)[/caption]

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chính quyền trong tay vẫn hay lạm dụng…”. Vì vậy, để bảo đảm “mọi quyền lực đều là của nhân dân”, Hồ Chí Minh cho rằng, rất cần thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Vũ khí để phòng ngừa tiêu cực, khắc phục sai lầm, theo Hồ Chí Minh chính là đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình, phát huy vai trò gương mẫu, tự giác đề phòng và sửa chữa sai lầm trong nội bộ tổ chức, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước. Người viết: “Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên còn có nhiều khuyết điểm. Có người làm quan cách mạng, chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân, phì gia... Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc của Chính phủ”. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hai thứ “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng”, những căn bệnh nguy hiểm tiềm ẩn trong bộ máy nhà nước mà chúng ta phải luôn đề phòng và kiên quyết chống, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái, đổ vỡ không lường hết được.

Phương pháp kiểm tra, kiểm soát quyền lực nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều mặt. Quan trọng nhất là sử dụng pháp luật. Hồ Chí Minh cho rằng, phải xây dựng pháp luật làm sao bảo đảm thực sự là của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, và do vậy phải do nhân dân xây dựng nên. Người chỉ rõ: “Pháp luật là pháp luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân” .

Theo Hồ Chí Minh, để pháp luật thực sự là của nhân dân thì nhân dân cần được trực tiếp tham gia xây dựng, hay được “phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”.

Điều thứ 32 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viện đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định”. Thực chất, đây là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng, đồng thời thể hiện việc kiểm soát của nhân dân đối với các quyết sách của Nhà nước đã được Hồ Chí Minh quan tâm và đề ra rất sớm.

Theo Hồ Chí Minh, có pháp luật rồi nhưng pháp luật đó phải được thực hiện một cách nghiêm minh, kịp thời, không được bao che; bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng phải bị trừng trị nghiêm khắc. Ngày 27/1/1946, Người ký Sắc lệnh số 223 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công, trong đó, tội tham ô, trộm cắp của công cũng bị khép vào mức án tử hình. Ngày 5/2/1946, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 27, trong đó quy định phá hoại tài sản công bị coi là trọng tội, sẽ bị truy tố và phạt tù hoặc xử tử.

Bên cạnh việc đề cao vai trò của pháp luật, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ phương pháp kiểm soát từ bên trong Nhà nước. Hiến pháp năm 1946, trong cơ cấu quyền lực gồm các quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp; mỗi nhánh quyền lực do một loại thiết chế Nhà nước thực hiện, bảo đảm được tính độc lập của quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đã khẳng định có tính nguyên tắc là các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và Tòa án đều là những cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, mỗi cơ quan Nhà nước nắm một bộ phận quyền lực nhà nước. Chính những quy định này đã thể hiện sự phân công lao động quyền lực giữa các cơ quan cao nhất của quyền lực khá rạch ròi, đồng thời bảo đảm được sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan đó.

Đồng thời với phương pháp kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực cao nhất, Hồ Chí Minh còn đề cập nhiều đến vai trò của cơ quan chuyên trách của Nhà nước trong việc kiểm soát. Đó là các Ban Thanh tra trong bộ máy Nhà nước. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là sự độc lập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí cũng như các hành vi vi phạm khác trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong thực thi công vụ của cán bộ, viên chức Nhà nước.

Trong việc giám sát việc thực thi quyền lực Nhà nước, sự giám sát từ bên ngoài, từ nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các hình thức nhân dân kiểm soát quyền lực có hình thức bầu cử. Đây được coi là “một hình thức hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”, vừa là hình thức kiểm soát các cơ quan quyền lực trong thời kỳ chuyển giao. Theo Hồ Chí Minh, để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, điều cần thiết hàng đầu là cơ quan quyền lực nhà nước phải được nhân dân bầu ra một cách tiến bộ và dân chủ. Bầu cử không chỉ là biện pháp dân chủ để thành lập ra Nhà nước mà còn là một phương thức để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ngoài hình thức bầu cử, nhân dân còn giám sát, kiểm soát quyền lực thông qua việc sử dụng “quyền bãi miễn” đại biểu mà mình đã bầu ra nhưng không làm tròn trách nhiệm được giao. Cùng với các hình thức kiểm soát trên, việc góp ý, “phê bình”, “bày tỏ ý kiến” hay khiếu nại, tố cáo… của nhân dân đối với cán bộ trong bộ máy Nhà nước cũng là những hình thức quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Việc bầu cử, miễn nhiệm, phê bình, khiếu nại, tố cáo của nhân dân trong kiểm soát quyền lực có vai trò quan trọng, vì vậy Hồ Chí Minh luôn khuyến khích nhân dân góp ý, phê bình đối với các cơ quan quyền lực nhà nước.

Giám sát, kiểm soát quyền lực tư pháp

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật, tổ chức và vận hành Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên lý Nhà nước ta là Nhà nước của dân, pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhưng phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ thuộc ngành hành pháp và tư pháp phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc, Người viết: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, cho nhân dân noi theo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp và xác định đây là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Các cơ quan tư pháp theo Hiến pháp năm 1946 gồm các Tòa án (Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp), trong thời kỳ này, cơ quan công tố là một bộ phận tổ chức bên trong Tòa án. Hệ thống Thẩm phán gồm: Thẩm phán ngồi (là các Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử) và Thẩm phán đứng (là các Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ công tố). Hồ Chí Minh coi phát triển tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người nói: “Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ”.

[caption id="attachment_154447" align="aligncenter" width="536"] Quang cảnh  phiên họp lần thứ nhất - Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV
Quang cảnh phiên họp lần thứ nhất - Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIV[/caption]

Thực tế cải cách tư pháp hiện nay cho thấy chất lượng xét xử của ngành Tòa án nhiều năm qua không ngừng được nâng lên nhưng cùng với sự tiến bộ của dân chủ, sức mạnh giám sát của nhân dân, của báo chí mà nhiều vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra ánh sang, nhiều người bị oan được minh oan, được xin lỗi, bồi thường. Các vụ án Huỳnh Văn Nén ( Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn, Trần Văn Thêm (Bắc Giang), Bùi Văn Hải (Đồng Nai), Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Trần Văn Chiến (Tiền Giang), Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh)… thật sự gây chấn động dư luận về những vi phạm tố tụng diễn ra tại các cơ quan điều tra truy tố, xét xử dẫn đến oan sai đặc biệt nghiêm trọng.

Rõ ràng, tư pháp chưa làm tốt, người dân vô tội đã không được pháp luật bảo vệ. Do đó, mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...” nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là rất thiết thực.

Trên tinh thần kế thừa các bản Hiến pháp trước đó, đặc biệt là Hiến pháp 1946 với tư tưởng Hồ Chí Minh về phân công, kiểm soát quyền lực, Hiến pháp năm 2013 đã có một bước tiến mới. Lần đầu tiên trong Hiến pháp nước ta chỉ rõ Quốc hội thực hiện quyền lập hiến (không còn là duy nhất có quyền lập hiến như Hiến pháp năm 1992), quyền lập pháp (Điều 69), Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Điều 94) và Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp (Điều 102). Việc xác nhận các cơ quan khác nhau thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một thay đổi quan trọng, tạo điều kiện để làm rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của mỗi quyền.

Quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân dân giao cho Tòa án thực hiện. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ chức thực hiện quyền này; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân (khoản 2 Điều 103). Đây thực chất là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Vì vậy, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là nhiệm vụ hàng đầu của quyền tư pháp (khoản 3 Điều 102). Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của Tòa án.

Về kiểm soát quyền lực nhà nước, ngoài việc phân công mạch lạc nhiệm vụ quyền hạn của các quyền để tạo cơ sở cho kiểm soát quyền lực, Hiến pháp năm 2013 còn tạo lập cơ sở Hiến định để hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định (Điều 119). Đồng thời, Hiến pháp giao cho: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của nhà nước có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Rồi đây, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Thanh tra, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân chắc chắn sẽ phải được sửa đổi bổ sung để hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc tuân theo Hiến pháp một cách hữu hiệu hơn.

Toà án là nơi giám sát kết quả hoạt động của cả hệ thống tư pháp. Ngay cả việc thi hành án ở khâu cuối cùng của tố tụng hình sự cũng như tố tụng dân sự còn gặp nhiều khó khăn cũng phải xem xét từ cội nguồn của vấn đề là chất lượng bản án. Bản án công bằng, vô tư luôn tạo ra sức mạnh và tính chính đáng của hệ thống cơ quan tư pháp. Theo Nghị quyết 49: “Tổ chức hệ thống toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện; toà án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; toà án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Toà thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Việc nghiên cứu cải cách Toà án, phải xuất phát từ yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là đảm bảo tính độc lập của Toà án. Trong hệ thống các cơ quan tư pháp hiện nay, Cơ quan điều tra tuy hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhưng do cơ chế tổ chức cán bộ, Thủ trưởng cơ quan điều tra có thể kiêm nhiệm một chức vụ hành chính như Tổng cục trưởng, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Công an huyện nên hoạt động điều tra khó tránh khỏi sự chỉ đạo mang tính hành chính. Ở ngành Kiểm sát, do đặc thù của ngành về tính tập trung thống nhất, kiểm sát viên ngoài việc thực hiện thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn bị chỉ đạo mang tính hành chính của Viện trưởng Viện kiểm sát. Vì vậy, cần xây dựng tính độc lập của Toà án như một thành luỹ cuối cùng để giảm thiểu tối đa sự can thiệp từ bên ngoài vào hoạt động của Toà án.

Xây dựng mô hình Toà án một mặt tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền lực nhà nước nhưng cũng cần quan tâm đến lợi ích của công dân khi có việc phải hệ luỵ đến chốn pháp đình. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng cơ quan tư pháp phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” vẫn cần được quán triệt khi thiết kế phạm vi quản hạt của Toà án. Một người dân khi tham gia tố tụng ở toà án cấp sơ thẩm có phạm vi quản hạt quá lớn là không thích hợp, nhất là ở những nơi còn khó khăn về giao thông.

Cải cách tổ chức Toà án phải đặt ra mục tiêu góp phần làm cho công tác xét xử được “công bằng, liêm khiết” . Nếu Thẩm phán, công chức Tòa án không còn giữ được nguyên tắc công bằng trên nền tảng tối thượng của pháp luật; không giữ mình liêm khiết trong sạch thì chắc chắn không thể phán quyết những bản án, đưa ra những quyết định khách quan, đúng pháp luật. Thực tế cho thấy không ít Thẩm phán, Thư ký Tòa án sa ngã vào tiêu cực, chạy án, có trường hợp bị truy tố trước pháp luật. Dư luận cho rằng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh mặt trái của hoạt động tư pháp rất phức tạp hiện nay.

Giám sát quyền lực ngày càng trở nên bức thiết

[caption id="attachment_154448" align="aligncenter" width="632"] Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chất vấn Chánh án TANDTC về án  oan sai
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chất vấn Chánh án TANDTC về án oan sai[/caption]

Trong di sản tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là sự kiểm soát của cơ quan đại diện (cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân ) đối với cơ quan chấp hành của nó là Chính phủ, Ủy ban nhân dân. Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi (năm 1959), Hồ Chí Minh viết: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân . . . Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân . Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình. Như vậy, Hồ Chí Minh đã nói tới kiểm soát của nhân dân thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trong hệ thống chính trị nước ta, để đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và thực thi quyền lực của Nhà nước luôn đúng đắn, thể hiện đầy đủ ý chí nguyện vọng của nhân dân, cần có cơ chế đảm bảo sao cho chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng phải được sự phản biện; quyền lực Nhà nước phải được giám sát.

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phục vụ  sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đất nước có nhiều đổi thay hiện nay, hoạt động kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước nói chung và quyền tư pháp nói riêng ngày càng trở nên bức thiết. Nghiên cứu và phát huy  tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra giám sát, kế thừa những thành tựu đã đạt được và tiếp thu kịp thời những kinh nghiệm tiến bộ của thế giới để hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả và thực chất hơn là yêu cầu của cả hệ thống chính trị và mong mỏi của mỗi người dân.

    Trần Vị Lương

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-giam-sat-quyen-luc-quyen-luc-tu-phap-a154445.html