Những vụ sổ tiết kiệm “bốc hơi” tiền tỷ liên quan khách ký khống

Gửi tiết kiệm tưởng chừng đơn giản nhưng do không cẩn trọng trong các thao tác, vẫn có những khách hàng gặp phải rủi ro mất số tiền lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.)

Không ít khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ giao dịch trắng (chưa có nội dung) vì tin tưởng và để thuận tiện, đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt, tuy nhiên cách này rất rủi ro.

Khách 'tố bị lừa' ký khống và 32 tỷ trong sổ tiết kiệm 'bốc hơi'

Vụ việc bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) vừa gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà đang khiến dư luận xôn xao.

Sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Ngày 20/4, hai bên chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch của BIDV ở Giảng Võ. Theo bà Phương Anh, ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch là người trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm này. Trước lúc chuyển nhượng, ông Long đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không.

Cũng theo bà Phương Anh, 2 ngày sau đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm thì chính ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy với tiêu đề "Giấy nộp tiền" nhưng không có nội dung. Ngoài ra, bà nói còn có thêm 2 tờ giấy hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước hạn.

Hơn hai tháng sau, bà nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.

Phía Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng, sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng nên nhà băng đã chủ động thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc và báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật.

Không rút được 400.000 euro trong sổ tiết kiệm vì ký sẵn chứng từ

Một sự việc hy hữu liên quan đến việc ký khống cũng từng xảy ra với khách hàng gửi tiết kiệm và nguy cơ mất hàng trăm nghìn euro. Đó là thời điểm giữa tháng 3/2015, một khách hàng tên Nghị gửi số tiền 400.000 euro (hơn 10 tỷ đồng) tại Agribank nhưng sau đó không rút được. Theo ông Nghị, tháng 12/2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn nên tới ngân hàng rút hết rồi dồn các sổ đó lại, cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư.

Ông cho biết khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, lãnh đạo chi nhánh và nhân viên ngân hàng đưa ông ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng. Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đề nghị ký, ông không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên lần này cũng ký. Hoàn tất mọi thủ tục, ông Nghị được đưa cho cuốn sổ tiết kiệm với đầy đủ thông tin của cá nhân cũng như số tiền 400.000 euro.

Sau khi gửi tiền, ông còn đề nghị vị giám đốc ngân hàng chứng minh cho thấy số tiền 400.000 euro mang tên ông có trong hệ thống. Sau đó, ông được mở phần mềm cho xem nên khá yên tâm.

Nhưng tháng 2/2015, ông đến rút tiền thì không được. Phía Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (TP HCM) có một văn bản gửi cho ông, nội dung thông báo: “Số sổ AM...713 đứng tên ông, số tài khoản ...906, số tiền 400.000 euro đang được cầm cố thế chấp tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi để vay số tiền 10,4 tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra...".

Theo Agribank, vụ việc có liên quan tới ông Nguyễn Lê Kiều Quang - nguyên Giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi tham ô tài sản, đang bị truy nã nên phải chờ cơ quan điều tra kết luận. Khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, ngân hàng sẽ thông báo hướng giải quyết cho ông Nghị.

Trong khi đó, ông Nghị cho rằng số sổ của ông là ...680, hoàn toàn không liên quan gì tới cuốn sổ mà phía ngân hàng thông báo là được thế chấp để vay khoản tiền hơn 10 tỷ đồng trên.

Tuy nhiên, vụ việc đến nay sau hơn một năm vẫn chưa có kết quả giải quyết.

Sổ tiết kiệm bốc hơi 1,1 tỷ đồng

Năm 2012, một vụ sổ tiết kiệm bỗng dưng bị mất 1,1 tỷ đồng cũng từng xảy ra tại VIB. Thời điểm đó, khách hàng Trần Thị Hòa gửi tiết kiệm 1,4 tỷ đồng tại chi nhánh VIB, quận 11, TP HCM từ ngày 14/8. Đến ngày 20/11/2012, khách hàng này đến ngân hàng để giao dịch thì phát hiện sổ tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng chỉ còn ghi nhận 300 triệu đồng, tức 1,1 tỷ đồng đã "bốc hơi".

Đại diện VIB lúc đó xác nhận có sự sai lệch giữa số tiền trong sổ gửi tiết kiệm của khách hàng với tài khoản trong hệ thống. Ngân hàng còn cho biết, sau khi kiểm tra, bước đầu cho thấy có một số chứng từ rút tiền tại VIB, quận 11 có chữ ký của khách hàng.

Tuy nhiên, khách hàng khẳng định không có bất kỳ giao dịch nào với nhân viên của VIB, quận 11, không rút tiền lần nào, còn các chữ ký là giả.Có một phiếu chi là chữ ký thật nhưng khách hàng cho rằng bị lừa ký chứ chưa hề đi rút tiền.

Sau đó, VIB đã đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh làm rõ. Theo nhận định ban đầu, lỗi không thuộc về khách hàng nên phía Ngân hàng Quốc tế thống nhất chủ trương trả lại tiền, không để ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng. Theo đó, ngày 21/12/2013, VIB đã trả lại toàn bộ số tiền bị "bốc hơi" cho bà Trần Thị Hòa. Tính cả gốc và lãi, số tiền hoàn trả hơn 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã chỉ đạo VIB quận 11 rút kinh nghiệm đồng thời vẫn nhờ cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sự việc.

Theo VnExpress

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-vu-tiet-kiem-boc-hoi-tien-ty-lien-quan-khach-ky-khong-a150567.html