Phải giải quyết dứt điểm đơn yêu cầu bồi thường oan, sai còn tồn đọng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1681/QĐ-TTg ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Mục đích, yêu cầu chương trình đặt ra: Không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai. Khi xác định đã có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật;

Chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm. Giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính;

Hạn chế đến mức thấp nhất việc đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm. Không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình, người đang bị giam giữ và chấp hành án tại các cơ sở giam giữ chết do tự sát, đánh nhau;

Tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm minh đối với người thi hành công vụ sai phạm và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

 Sau 22 năm bị oan, sai, ông Phan Văn Lá (48 tuổi, ngụ xã Vĩnh Công) mới được xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng.
Sau 22 năm bị oan, sai, ông Phan Văn Lá (48 tuổi, ngụ xã Vĩnh Công) mới được xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng.)

Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các đơn kêu oan, đơn khiếu nại bức xúc kéo dài, đơn tố cáo vi phạm trong hoạt động điều tra và các vụ án mà HĐXX giám đốc thẩm, tái thẩm TAND Tối cao đã hủy án để điều tra lại;

Giải quyết kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra; rà soát các trường hợp bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường để kịp thời giải quyết;

Có biện pháp giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp có đơn yêu cầu bồi thường từ những năm trước còn tồn đọng; chủ động và có giải pháp tích cực trong việc thương lượng đối với người có đơn yêu cầu bồi thường;

Hạn chế tối đa các trường hợp giải quyết bồi thường thiệt hại chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người bị thiệt hại khởi kiện đòi bồi thường ra tòa án.

Ngoài ra, chương trình cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra nhất là việc chấp hành các quy trình làm việc, quy chế công tác trong hoạt động điều tra; phát hiện sớm sai phạm, tập trung xác minh dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, không để kéo dài, gây hậu quả xấu.

Chương trình nêu rõ: Việc đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự phải bảo đảm chặt chẽ, có đầy đủ căn cứ. Cơ quan điều tra cấp trên có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ đối với quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can, tránh tình trạng lạm dụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để đình chỉ điều tra các đối tượng bị oan, sai. Đối với những vụ án phức tạp, nghiêm trọng, vụ án có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện báo cáo xin ý kiến trên một cấp.

Giao Bộ Công an chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong việc rà soát xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là đơn kêu oan của người bị kết án có mức hình phạt tù 20 năm trở lên, tù chung thân, tử hình.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (30-8).

Theo Plo

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phai-giai-quyet-dut-diem-don-yeu-cau-boi-thuong-oan-sai-con-ton-dong-a150512.html