TPHCM: Công an khẳng định chưa phát hiện vụ án ma túy nào liên quan đến “bùa lưỡi”

Công đồng mạng đang xôn xao về loại ma túy mới đặc biệt nguy hại có tiên gọi “tem giấy” hay “bùa lưỡi” bán công khai cho học sinh. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công an khẳng định chưa phát hiện vụ án nào liên quan đến loại ma túy mới có tên gọi nêu trên.

Xôn xao “bùa lưỡi” vây cổng trường

Như đã thông tin, Bệnh viện Tâm Thần, TPHCM vừa điều trị cho một nam học sinh 13 tuổi nhập viện điều trị với triệu chứng loạn thần (mỗi khi thấy mẹ, cậu học trò này tỏ ra hoảng sợ, la hét...). Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ được cậu học trò cho biết, ảo giác “mẹ mọc răng nanh như ma cà rồng” là khi cháu sử dụng một loại “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi”.

Thông tin từ một trường hợp có biểu hiện nghiện, nhanh chóng được dân mạng thổi phồng lên thành sự kiện mang tính cộng đồng. Nhiều trang mạng đã vào cuộc “điều tra” rồi tự đưa ra kết luận loại ma túy “tem giấy” còn gọi là “bùa lưỡi” được bán công khai ngay ở cổng trường cho học sinh. Điều này khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng cho sự an toàn của con mình khi đến trường, bởi hầu hết các cháu đang trong tuổi “ăn chưa no, lo chưa đến” nhưng thường có tâm lý thích khám phá, thích thể hiện trước bạn bè.

[caption id="attachment_150368" align="aligncenter" width="410"] Thời gian gần đây thông tin ma túy "bùa lười" vây cổng trường khiến phụ huynh hoang mang
Thời gian gần đây thông tin ma túy "bùa lười" vây cổng trường khiến phụ huynh hoang mang[/caption]

Để tìm hiểu thực hư vấn đề trên, phóng viên Dân trí đã tiến hành khảo sát thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM. Quá trình tìm hiểu, thâm nhập thực tế không ghi nhận người bán “tem giấy” hoặc “bùa lưỡi” trước cổng trường. Đồng thời, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc học sinh sử dụng loại ma túy mới nêu trên.

Làm rõ thêm vấn đề, phóng viên có cuộc trao đổi Đại tá Hồ Tự Sang, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM. Đại tá Tự Sang cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát của chúng tôi, trên địa bàn thành phố hoàn toàn không có việc sử dụng, mua bán công khai loại ma túy có tên gọi “tem giấy” hay “bùa lưỡi” trước cổng trường học hoặc nơi công cộng như thông tin trên các trang mạng.

Cũng theo Đại tá Tự Sang, đến thời điểm này, Công an TP.HCM chưa phát hiện bất kỳ vụ án ma túy nào liên quan đến loại ma túy mới nói trên. Tuy nhiên, cơ quan công an thành phố cũng đang thực hiện các bước kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nếu loại ma túy nêu trên nếu chúng đang len lỏi trên thị trường.

Chủ động cảnh báo nguy hiểm đến học sinh

Phân tích chuyên môn của BS.CKII Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM chỉ ra: “Tem giấy” hay “bùa lưỡi” thực chất là miếng giấy được tẩm chất ảo giác LSD - lysergicacid diethylamide. Đây là chất tổng hợp từ nấm cựa gà. Nó cũng là một trong hai chất ma túy nguy hiểm, được đánh giá là chất gây ảo giác mạnh nhất, chỉ cần vài chục micrograms sẽ gây ảo giác với những hình ảnh không có thật, mất đi khoảng cách ở không gian, khiến người sử dụng bị kích động, không làm chủ được bản thân dẫn đến loạn thần, hoang tưởng.

Cơ chế tác động lên não bộ của LSD khá phức tạp. Thời gian bán hủy của LSD là 5 giờ nhưng thời gian gây tác động kéo dài đến 12 giờ và nếu dùng liều trên 1mcg/kg thì các triệu chứng loạn thần có thể kéo dài đến vài ngày. Việc sử dụng loại chất này có thể gây nghiện dẫn tới biến đổi nhân cách, tương tự như sử dụng các nhóm ma túy khác. Người dùng sẽ lệ thuộc vào chất gây nghiện, không muốn lao động, học tập, tìm mọi cách có loại chất trên để thỏa cơn phê. Khi không có tiền, người nghiện sẽ sinh ra trộm cắp, cướp giật gây nguy hiểm cho xã hội.

Trước những xôn xao về tính chất và mức độ nguy hiểm của loại ma túy trên, trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho hay, Sở Y tế đã chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ Y triển khai các biện pháp khuyến cáo đến cộng đồng để thực hiện các bước phòng tránh cho người dân. Sở Y tế đang chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn để kịp thời khuyến cáo đến học sinh những giải pháp tránh xa loại ma túy mới (nếu có).

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, loại ma túy núp bóng dưới tên gọi “bùa lưỡi” nếu sử dụng sẽ có mức độ rất nguy hiểm. Để con em mình không tiếp xúc và sử dụng, các phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình; chủ động trò chuyện và khuyên giải trong trường hợp các cháu có tiếp xúc hoặc sử dụng loại chất trên, trường hợp trẻ có biểu hiện nghiện cần đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ về chuyên môn. Kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý đối tượng mua bán.

Theo Dantri

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tphcm-cong-an-khang-dinh-chua-phat-hien-vu-an-ma-tuy-nao-lien-quan-den-bua-luoi-a150367.html