Hôm qua (22/9), ngày cuối cùng của phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến Dự thảo Luật về Hội. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về các điều được quy định trong Dự thảo.
[caption id="attachment_150354" align="aligncenter" width="410"] Quang cảnh buổi họp Quốc hội[/caption]
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật về Hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, qua tổng kết các ý kiến, Uỷ ban Pháp luật QH nhận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam cũng như việc thành lập hội của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo quy định việc áp dụng Luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc thành lập và hoạt động hội tại Việt Nam, nhưng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch thì không giao Chính phủ quy định mà phải quy định ngay trong luật. Đồng thời, Luật phải có những quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hội phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Luật này không nên điều chỉnh việc tổ chức, cá nhân người nước ngoài tham gia hội hoặc thành lập hội tại Việt Nam vì Hiến pháp chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam.
Vẫn băn khoăn một số điều trong Dự thảo Luật, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đề nghị Ban soạn thảo và thẩm tra giải thích rõ hơn về việc Dự thảo Luật đề xuất cho phép người nước ngoài được thành lập hội tại Việt Nam. Theo ông Chính, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các nước đã có Luật về Hội.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành cho rằng, đây là một vấn đề hết sức hệ trọng liên quan đến quyền tự do, quyền con người. Do vậy, “để đảm bảo những vấn đề trên, chúng ta nên có thông tin khảo sát, đánh giá xung quanh các nước đã có luật về Hội thành công như thế nào? Đây là tài liệu tham khảo rất tốt”. Ông Thành cũng đề xuất không đưa các tổ chức phi nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của đối tượng áp dụng của luật và nên tách riêng.Vì theo ông Thành, khoản 1 Điều 2 đã ghi việc thành lập hội dựa trên tinh thần tự nguyện của công dân Việt Nam.
Chủ tịch QH: Không trì hoãn
Tham gia cho ý kiến về Dự thảo Luật, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và ban thẩm tra. “Bản chỉnh lý rất rõ ràng, và ở đây 8 vấn đề còn các ý kiến khác nhau. Cùng với đó, chúng ta đã bàn và bàn lâu rồi. Lâu nay chúng ta chưa ra được luật vì những ý kiến khác nhau. Chúng ta sẽ trình QH 2 phương án, cách làm như thế sẽ sáng tỏ vấn đề”, bà Ngân nói.
Chủ tịch QH cho rằng, không nên lo lắng về việc người nước ngoài lập hội của Việt Nam có thể hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vì Dự thảo Luật đã quy định rõ những điều cấm. Bất kỳ hội nào khi vi phạm điều cấm khi hoạt động đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chia sẻ về những lo lắng của một số đại biểu, bà Ngân cho biết: “Khi bàn về luật này, có một số Bộ trưởng gặp tôi, bày tỏ lo lắng rằng Bộ của họ có mấy hội rồi, mà khi thành lập hội nào cũng xin tiền, xin xe, xin nơi làm việc… rất mệt. Tôi trả lời rằng cứ yên tâm, Luật ra đời thì sẽ quy định nguyên tắc, mục đích rõ ràng”.
Cũng theo Chủ tịch QH, thực tế cùng một lĩnh vực rất nhiều hội và những hội này hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, do có quá nhiều hội nên việc đi vận động các doanh nghiệp, vận động tài trợ... khiến doanh nghiệp than vãn.
Bà Ngân đề nghị, không nên trì hoãn việc trình dự án luật ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới. Bởi “ra đời luật này để quy định nguyên tắc, chính sách, quyền nghĩa vụ, điều cấm để chúng ta quản lý nhà nước”.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/con-nhieu-y-kien-khac-nhau-voi-du-thao-luat-ve-hoi-a150353.html