Luật xa thực tiễn, 5 năm chưa 1 phiên đấu giá khoáng sản

Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, có hiệu lực từ 1/7/2011 đã đi vào đời sống được hơn 5 năm. Tuy nhiên, có những quy định mang tính đột phá nhưng chưa được nghiên cứu kỹ về cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở khoa học nên khó triến khai vào cuộc sống, mà điển hình trong đó là quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

[caption id="attachment_149460" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Quy định kiểu đấu giá “tù mù”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 luật trên thì đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm có hai hình thức. Một là, đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản. Hai là, đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quan điểm của Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, nếu đấu giá theo hình thức thứ nhất thì cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhà đầu tư hầu như không nắm được quy mô, chất lượng và giá trị của đối tượng đem đấu giá. Thông thường gọi là đấu giá “tù mù”. Như vậy, theo hình thức này, tính rủi ro trong đấu giá rất cao. Nhà nước cũng có thể “bị” thiệt lớn và nhà đầu tư cũng có thể “bị” thiệt lớn.

Còn theo hình thức thứ hai, trên thực tế các mỏ đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hầu như không còn.

Chính vì vậy mà trong hơn 5 năm Luật khoáng sản có hiệu lực mà Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thể tổ chức được một phiên đấu giá nào dù đã có thông báo công khai kế hoạch một số mỏ khoáng sản theo thẩm quyền.

Tương tự, theo tài liệu thu thập được tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì có tới 24 tỉnh, thành chưa tiến hành đấu giá một phiên nào. Như vậy, hầu hết các UBND tỉnh chưa tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền. Lý do có nhiều, trong đó tập trung nhiều nhất là các khu vực đấu giá không đủ điều kiện để đấu giá, hoặc khó có thể tổ chức thành công đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

“Như vậy có thể thấy rằng, quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khoản 1 Điều 79 nói riêng và của Luật khoáng sản năm 2010 nói chung là không có tính khả thi”, đại diện Hội Địa chất kinh tế Việt Nam nhận định, “Từ đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong Luật khoáng sản năm 2010”.

Cơ quan quản lý cũng đang… phạm luật?

“Theo thực tế tổ chức đấu giá quyền khai thác tại 4 tỉnh, chúng tôi cho rằng hầu hết là trái quy định của pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc các tỉnh tổ chức đấu giá đều theo hình thức “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản”, và kết quả trúng đấu giá đều được tính bằng tiền.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP thì giá trị trúng đấu giá được tính bằng “tỷ lệ phần trăm trữ lượng khoáng sản nằm trong khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản”. Như vậy, hầu hết các tỉnh đã tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã vi phạm pháp luật về khoáng sản” (nhận định của Hội Địa chất kinh tế Việt Nam)

Theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 59 và quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật khoáng sản thì tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải có ba điều kiện. Thứ nhất, có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật Khoáng sản. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản.

Thứ hai, có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Thứ ba, có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Nhưng thông tin mà Hội Địa chất kinh tế Việt Nam đưa ra là trong 03 điều kiện trên thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản chỉ có thể đáp ứng được 1 điều kiện là điều kiện thứ 3.

“Như vậy, trong suốt hơn 5 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ trung ương đến địa phương đã vi phạm pháp luật về khoáng sản khi thực hiện chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị bãi bỏ quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 59 và quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Khoáng sản”, đơn vị này đề nghị.

Theo Baophapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-xa-thuc-tien-5-nam-chua-1-phien-dau-gia-khoang-san-a149459.html