Bình luận về bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết “rất chia sẻ lo lắng và tâm tư của ông và bài viết như nói hộ những tâm tư, nguyện vọng của nhiều người dân Việt Nam hiện nay trong đó có tôi”
Thưa ông, trong bài viết mới đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói về nợ công của nước ta rất cao, hiện mỗi người dân Việt Nam đang nợ 1.000 USD dẫn tới phải đi vay nợ để trả nợ. Ông có bình luận gì về thực trạng này?
- Cách đây 2 năm tôi đã cảnh báo tình trạng nợ công trong Hội thảo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tôi đã đề nghị phải tái cơ cấu ngân sách, gắn liền với cải cách hệ thống chính trị vì bộ máy hiện quá rườm rà, nuôi quá nhiều người. Trong đó có nhiều người không phát huy hiệu quả và tiêu tốn tiền từ ngân sách Nhà nước. Thậm chí, tiêu xài một cách vô cùng lãng phí cho bản thân họ chứ không phải cho đất nước. Có lẽ chẳng ở nước nào lại có chuyện Chủ tịch UBND xã nợ hơn 100 triệu do đi tiếp khách, hát karaoke; một năm 2.000 đoàn đi nước ngoài chẳng đem lại lợi ích gì; thậm chí, có ông đi nước ngoài chỉ thị trước cho đại sứ quán đặt sẵn sân golf cho ông ấy chơi…
[caption id="attachment_147279" align="aligncenter" width="410"] TS. Lê Đăng Doanh[/caption]
Hiện nay, các nước đều công khai, minh bạch khoản chi tiêu, và cá nhân các lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình rõ các khoản chi tiêu như đi máy bay bao nhiêu, ở khách sạn bao nhiêu, tiếp khách bao nhiêu…người dân đều được giám sát và biết hết. Do đó, ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được rất nhiều người dân hoan nghênh, đồng tình và trong đó có tôi. Trước đây, chúng tôi cũng đã nói nhiều rồi nhưng không ai lắng nghe, hi vọng tiếng nói của nguyên Chủ tịch nước có trọng lượng hơn.
Nguyên Chủ tịch nước cũng nói tới câu chuyện về 63 nền kinh tế, tức là mỗi tỉnh như là một nền kinh tế, ông có bình luật về thực trạng này?
Trên trang cá nhân TS. Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh “Phải cải cách bằng chương trình hành động cụ thể, không thể chỉ bằng những lời hứa không có địa chỉ. Phải mau chóng cải cách thể chế này một cách có hệ thống, chân thành lắng nghe các ý kiến tâm huyết của người dân đang chịu đựng sưu cao thuế nặng, chi phí bôi trơn đủ loại, sự nhũng nhiễu, lạm quyền của đủ loại "quan chức". Hãy hành động trước khi quá muộn, hưởng ứng tâm tư của ông Trương Tấn Sang!”
- Rõ ràng là các tỉnh đang đua nhau tăng trưởng GDP, xây dựng cảng, sân bay, đặc biệt là xây thêm nhiều trường đại học…đó là lợi ích của riêng họ, gây ra phá vỡ cả quy hoạch chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây còn có lỗi của những cấp cao hơn ở Trung ương đã phê duyệt các dự án cho các tỉnh chứ không chỉ lỗi ở các địa phương. Thực tế, động lực của các địa phương đưa GDP lên rất cao và họ chạy đua vì động lực đó.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn nói về câu chuyện tham nhũng dẫn tới đem lại lợi ích khủng cho một số cá nhân và lợi ích nhóm, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và đất nước, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
- Tôi nghĩ, đây là sự nhìn nhận thẳng vào thực tế của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng giống như Tổng bí thư nói rất nhiều về tình trạng tham nhũng và tiêu cực hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ ra như vậy phải có giải pháp và lên tiếng rõ ràng. Người dân đòi hỏi là phải có hành động chứ không chỉ nói chung chung, không có thời hạn xử lý. Ngoài ra, việc chỉ ra rõ từng tên tuổi, từng sự việc người dân có được giám sát không, nếu không thì chỉ là kêu ca, phát hiện vấn đề. Do đó, cần phải có giải pháp và phải thực hiện làm ngay. Hiện đất nước phải đi vay để trả nợ thì đúng là đất nước đã nguy kịch rồi, cần có biện pháp hành động khẩn trương.
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh,“ai không làm được phải tự trao lại mái chèo”, ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tôi cho rằng những người quản lý cấp cao phải quyết tâm hơn, ai không quyết định được thì chắc chắn sẽ không đảm đương được công việc. Còn nói tự bản thân mỗi người chẳng ai nói là không thể đảm đương được công việc. Chúng ta đã thấy, Quốc hội có yêu cầu nhận trách nhiệm nhưng các cá nhân nói Đảng giao việc và còn tín nhiệm thì các cán bộ còn làm. Do đó, người dân phải có quyền lên tiếng và giám sát quyền lực, nếu không, vấn đề vừa nói sẽ đưa vào quên lãng.
Bình luận về bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trước mắt phải làm rõ từng vấn đề dư luận đang quan tâm như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải…quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Rõ ràng đó là những việc theo tôi ông Tổng bí thư đã chỉ ra nhiều rồi và tôi đồng tình với các chuyên gia khác là phải làm rõ từng vụ việc cụ thể như thế để công khai với người dân. Ngoài ra, còn nhiều vụ khác cần phải xem xét, nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng nằm chết, ai phê duyệt, tại sao lại tới mức như vậy... đó là những việc cần phải làm không thể chậm trễ được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet.vn