Minh bạch khoáng sản, chống thất thoát tỉ đô

Việc tham gia “Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng” được cho là sẽ giúp Việt Nam chống thất thu, kiểm soát lợi ích nhóm và tham nhũng.

Để quản lý hiệu quả hơn ngành khai thác khoáng sản, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận: “Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng” (EITI) giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Yêu cầu Bộ Công Thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), về vấn đề này.

Chống tham nhũng trong khai khoáng

. Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm hiện nay đã có tới 51 quốc gia tham gia sáng kiến EITI, lợi ích mà nó đem lại lên đến cả tỉ đôla mỗi năm. Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích của Việt Nam khi tham gia?

+ TS Phạm Quang Tú: Ngành khai khoáng ở Việt Nam là một trong năm ngành có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất, còn EITI là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng khai khoáng rất hiệu quả. EITI độc lập tách riêng báo cáo của doanh nghiệp, nhà nước, từ đó đối chiếu, phát hiện các sai lệch trong thu chi.

Trong bối cảnh hiện nay, các nghị quyết của Đảng đưa ra đều đặt vấn đề yêu cầu phải sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tăng thu ngân sách đạt hiệu quả, EITI sẽ giúp việc kiểm soát, giảm thiểu thất thoát tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng thu ngân sách cho quốc gia. Kinh nghiệm của Nigeria cho thấy nước này đã tránh thất thu khoảng 1 tỉ USD mỗi năm nhờ thực thi EITI trong bối cảnh thúc đẩy về quản trị khai thác khoáng sản hiện nay.

Như vậy việc tham gia EITI sẽ mang nhiều lợi ích đến cho Việt Nam, đặc biệt là sẽ hoàn thiện thể chế quản lý trong lĩnh vực này, chống thất thoát lãng phí, đặc biệt là phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng.

Cần xúc tiến nhanh hơn việc vào EITI

. Việt Nam đã có gần 10 năm nghiên cứu về EITI nhưng đến nay vẫn chưa tham gia, theo ông đâu là lý do dẫn đến việc chậm trễ này?

+ Việt Nam tiếp cận vấn đề này vào năm 2008, trong khuôn khổ ký hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy. Cũng trong dịp này, thủ tướng Na Uy khuyến cáo Việt Nam nên tham gia bởi các lợi ích của nó. Sau đó nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng, tuy nhiên mọi chuyện vẫn cứ kéo dài tới nay… Nguyên nhân thì có nhiều.

[caption id="attachment_147259" align="aligncenter" width="410"]Tham gia EITI sẽ giúp Việt Nam ngừa tham nhũng, chống thất thu hàng tỉ đôla trong lĩnh vực khai thác, khoáng sản. Ảnh: DT Tham gia EITI sẽ giúp Việt Nam ngừa tham nhũng, chống thất thu hàng tỉ đôla trong lĩnh vực khai thác, khoáng sản. Ảnh: DT[/caption]

Trước đây từng có nghi ngại về việc tham gia EITI có làm lộ bí mật quốc gia hay không, đến thời điểm hiện nay khẳng định rằng không làm lộ bí mật quốc gia vì bộ tiêu chuẩn EITI cho phép Việt Nam tự thiết kế bộ cơ chế cho EITI của chính mình, nghĩa là trong khuôn khổ mật thì không bắt buộc phải đưa vào. Điều nghi ngại thứ hai chính là nguồn nhân lực thực hiện và chi phí. Nhưng ở đây rõ ràng là chi phí tối thiểu chỉ từ 250.000 USD là chúng ta có thể thực hiện được. Vì vậy so sánh giữa lợi ích, chi phí về nhân sự liên quan chỉ khoảng 10-15 nhân sự thì lợi ích thu về của Nhà nước là rất lớn, có thể lên tới hàng tỉ đôla như Nigeria.

. Theo như ông nói, việc lo ngại tham gia EITI làm lộ bí mật quốc gia, cũng như chi phí lớn, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này?

+ Tại sao Việt Nam lại chậm trễ như thế kể từ sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu đến nay? Theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công Thương. Tôi cũng đặt vấn đề liệu có hay không lợi ích nhóm trong lĩnh vực khai khoáng nên dẫn đến sự chậm trễ như hiện nay?

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc trong cuộc họp Chính phủ gần đây đã yêu cầu phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng” giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Cá nhân tôi từng 10 năm tham gia nghiên cứu trong ngành khai khoáng rất hoan nghênh về quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời cần làm rõ để có câu trả lời vì sao Bộ Công Thương có sự chậm trễ trong vấn đề này thời gian qua.

. Xin cám ơn ông.

EITI đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị công nghiệp khai khoáng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 51 quốc gia thực thi EITI, với 305 báo cáo EITI cấp quốc gia được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên đến 1.900 tỉ USD. Trong số các quốc gia tham gia EITI có cả các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Na Uy, Đức và nhiều quốc gia đang phát triển khác ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã tham gia EITI gồm Indonesia, Myanmar, Philippines, Đông Timor, Papua New Guinea. Điều này cho thấy EITE nó không còn là sân chơi của quốc gia nhỏ mà quốc gia lớn cũng thấy được lợi ích trong quản trị khai khoáng ở thời điểm hiện nay.

_________________________________

Nhiều sai phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

Tháng 7-2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến bảy sai phạm của ngành này.

Sai phạm nổi bật của Vinacomin được KTNN phát hiện là việc trích lập quỹ thăm dò và quỹ môi trường than - khoáng sản hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Cụ thể, Vinacomin chỉ xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trung và dài hạn từ tháng 6-2013 nhưng lại trích vượt quỹ môi trường năm 2012 là 113,74 tỉ đồng; sử dụng quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định từ năm 2010-2014 là 238,68 tỉ đồng, trong đó quỹ thăm dò là 191,06 tỉ đồng, quỹ môi trường là 47,62 tỉ đồng. Ngoài ra, Vinacomin còn sử dụng quỹ thăm dò để đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than lớn hơn số trích lập 371,1 tỉ đồng. Trong cuối tháng 7-2016, Bộ TN&MT đã có quyết định về việc thanh tra toàn diện về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo.

Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo nằm trên diện tích hơn 9 km2 thuộc địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Trữ lượng khai thác khoảng 66 triệu tấn quặng đa kim gồm: vonfram, florit, bismut và đồng. Đây là một trong những dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam. Masan Resources đã đầu tư trên 500 triệu USD vào dự án Núi Pháo. Mỗi năm sản lượng vonfram do mỏ này sản xuất ra có thể chiếm khoảng gần 7% tổng sản lượng vonfram toàn cầu.

___________________________________

Thất thu trong xuất khẩu khoáng sản là rất lớn

Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc sớm xem xét tham gia EITI. Trong đó nhấn mạnh đến việc EITI giúp Nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách. EITI cũng giúp các cơ quan nhà nước chủ động hơn trong việc thực thi pháp luật, đặc biệt là chống xuất khẩu lậu khoáng sản. Trong văn bản này, VCCI cho hay hiện nay số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có chênh lệch gần 5 tỉ đôla. Theo một số chuyên gia, xuất khẩu lậu khoáng sản chiếm phần không nhỏ trong con số chênh lệch đó.

 

Theo PLo

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/minh-bach-khoang-san-chong-that-thoat-ti-do-a147258.html