Những phụ nữ bình thường, kiên cường đấu tranh vì những điều phi thường

(Phap ly) - Bắt đầu từ những điều giản dị, đời thường, họ nghĩ suy và tranh đấu. Những phụ nữ như Sharmila, Malala, Emily đã truyền cảm hứng đến nhiều người. Đấu tranh với định kiến, cái xấu, cái ác và quan trọng hơn họ truyền đi thông điệp của đời sống tiến bộ. Những gì họ truyền đi, không chỉ có ý nghĩa ở đất nước họ và thời đại họ sống mà lan tỏa trên toàn thế giới. Và bởi thế, họ xứng đáng được toàn thế giới biết tới và ngưỡng mộ.

“Bà đầm thép” chống lại đạo luật “giết hại con người vô cớ”

"Bà đầm thép của Manipur" tên thật Irom Sharmila, là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Gia cảnh của bà hết sức bình thường. Bà có cha là một công chức, mẹ ở nhà nội trợ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà phải rất vất vả mới có thể học hết phổ thông. Dù vậy, Sharmila vẫn biết đánh máy, may vá, từng làm việc cho một ngôi trường dành cho người mù và đã đăng ký tham gia nhiều lớp dạy kỹ năng báo chí. Sharmila cũng từng làm thực tập sinh cho một nhóm nhân quyền ở Imphal trong vài tháng. Bà mong ước làm bác sĩ nhưng cuối cùng lại trở thành một nhà hoạt động nhân quyền, bà đã dành 16 năm và vẫn đang tiếp tục đấu tranh chống lại Đạo luật Quyền lực Đặc biệt cho các lực lượng Vũ trang (AFSPA).

[caption id="attachment_147076" align="aligncenter" width="410"]Sharmila - người phụ nữ đã trải qua 16 năm tuyệt thực vì nhân quyền Sharmila - người phụ nữ đã trải qua 16 năm tuyệt thực vì nhân quyền[/caption]

 

Đạo luật AFSPA, áp dụng với nhiều bang ở đông bắc Ấn Độ và Kashmir, cho phép các binh sĩ quân đội tìm kiếm, khám nhà và bắn hạ những mục tiêu nghi ngờ là quân nổi dậy ngay khi phát hiện mà không sợ bị truy tố. Chính phủ Ấn Độ lại nhấn mạnh lực lượng an ninh cần có thêm quyền hạn để đối phó với các nhóm nổi dậy đòi tự trị suốt nhiều năm nay ở nước này. Nhiều người chỉ trích cho rằng AFSPA là sự che đậy cho hành vi xâm phạm nhân quyền. Được trao quyền, Assam Rifles - lực lượng bán quân sự lâu đời nhất của Ấn Độ đã từng giết hại 10 người, trong đó gồm cả những học sinh đang trên đường tới lớp học thêm, tại thị trấn Malom gần Imphal, thủ phủ bang Manipur.

Trước thực tế đó, bà Sharmila đã dùng nhiều cách đấu tranh tạo áp lực buộc các nhà chức trách hủy bỏ đạo luật. Bà bắt đầu tuyệt thực vào ngày 4/11/2000 khi ấy bà mới 28 tuổi. Sharmila bị giam ở Nhà tù Trung tâm Sajiwa của thành phố Imphal nhưng bà lại dành hầu hết thời gian tại Viện Khoa học Y tế Jawaharlal Nehru. Ít nhất 40 người, bao gồm 5 bác sĩ, 12 y tá và ba cảnh sát, luôn phải túc trực để làm nhiệm vụ truyền thức ăn qua đường ống nhằm đảm bảo sự sống cho bà. Nhiều lần bà được thả ra rồi lại bị bắt trở lại.

Nhìn vẻ bề ngoài, có thể thấy bà là người có mái tóc xoăn tự nhiên và luôn xuất hiện với một chiếc ống thông truyền thức ăn gắn ở mũi. Đồng nghiệp miêu tả Sharmila là một phụ nữ ít nói và điềm đạm, chưa bao giờ bỏ một ngày làm nào. Bà ăn vận đơn giản, ít khi chải tóc, không bao giờ trang điểm và luôn hoàn thành công việc một cách lặng lẽ.

Để có được ủng hộ của quốc tế và người dân đối với công việc của mình, Sharmila đã nghĩ ra không ít phương cách khác nhau. Năm 2006, bà cùng một số nhà hoạt động khác mang phong trào biểu tình tới thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Họ bắt đầu tổ chức tuyệt thực tại đài thiên văn Jantar Mantar, di sản thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận. Sharmila tiếp tục bị bắt nhưng cuộc biểu tình tuyệt thực của bà đã thu hút được sự quan tâm từ quốc tế. Một số thành viên thuộc Nghị viện châu Âu còn viết thư gửi cho chính phủ Ấn Độ kêu gọi thay đổi đạo luật AFSPA.

Tuy nhiên đến nay, đạo luật vẫn bị giữ lại vì mục đích chính trị của nhà chức trách. Ngày 9/8 vừa qua, bà quyết định kết thúc 16 năm tuyệt thực để tranh cử thủ hiến Manipur – đây được cho là cách mới trong tiến trình đấu tranh của bà. Bà tổ chức họp báo ngay tại bệnh viện, tuyên bố tranh cử để trở thành thủ hiến tiếp theo của bang Manipur trong cuộc bầu cử năm sau. "Tôi không biết gì về chính trị và học vị của tôi rất, rất thấp. Tôi muốn thuyết phục mọi người rằng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để xã hội thay đổi tích cực", bà nói, cho biết hành động đầu tiên nếu thắng cử là thu hồi Đạo luật Quyền lực Đặc biệt cho Các lực lượng Vũ trang (AFSPA).

Sharmila đã đạt nhiều giải thưởng, như giải Gwangju về Nhân quyền, giải thành tựu trọn đời do Ủy ban Nhân quyền châu Á trao tặng hay giải Hòa bình Rabindranath Tagor. Dù nhận nhiều lời ca ngợi, Sharmila vẫn giữ một thái độ bình thản và suy nghĩ đơn giản. "Đừng biến tôi thành thánh nhân. Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường với những mong ước rất đỗi đời thường", bà nói. "Tôi muốn thưởng thức món ngon, kết hôn rồi sinh con. Xin đừng tạc tượng tôi. Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường dấn thân vào một cuộc đấu tranh phi thường mà thôi".

Chiến đấu bảo vệ nữ quyền ngay từ khi còn nhỏ

Bắt đầu chiến đấu với một sắc lệnh của Taliban về cấm nữ giới đi học, Malala Yousafzai - một nữ sinh đến từ huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nằm ở phía Tây Bắc của Pakistan đã lan tỏa thông điệp về quyền được giáo dục, sự căm ghét chiến tranh đến hàng triệu người.

Ngay từ khi còn nhỏ, Malala đã được cả thế giới biết đến với các hoạt động nữ quyền tại khu vực bị quân nổi dậy Taliban chiếm đóng. Được truyền cảm hứng từ cha của em, ông Ziauddin Yousafzai, một nhà thơ, hiệu trưởng, đồng thời là một nhà hoạt động giáo dục, Malala đã có sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc về cuộc sống khắc nghiệt của nữ giới dưới chế độ Taliban. Ngay từ năm 2008, khi mới 11 tuổi, Malala đã cất tiếng nói ủng hộ quyền được giáo dục tại câu lạc bộ báo chí của địa phương.

[caption id="attachment_147077" align="aligncenter" width="410"]Malala cùng cha – cô gái đấu tranh vì quyền đi học của nữ giới Malala cùng cha – cô gái đấu tranh vì quyền đi học của nữ giới[/caption]

Gần một năm sau đó, vào 1/2009, Malala dũng cảm tham gia viết blog trên BBC để kể lại thực tế đau thương dưới ảnh hưởng của Taliban. Em viết:“Tôi đã có một giấc mơ đáng sợ ngày hôm qua, những máy bay quân đội và Taliban ập tới. Những giấc mơ như thế cứ tiếp diễn kể từ khi quân đội chiếm đóng vùng Swat. Sáng hôm đó, mẹ tôi làm bữa sáng và sau đó tôi đi học. Tôi khá sợ hãi trên đường đi học vì Taliban đã ban sắc lệnh cấm nữ giới đến trường. Chỉ có 11 trên 27 học sinh có mặt. Số lượng học sinh giảm dần vì sắc lệnh của Taliban. Ba người bạn của tôi đã chuyển nhà tới Peshawar, Lahore và Rawalpindi cùng với gia đình sau khi có sắc lệnh này.”

Sau khi áp đặt sắc lệnh cấm nữ giới đến trường, Taliban đốt cháy hơn một trăm trường học nữ sinh, làm đình trệ nhiều trường học cho nam sinh, và tàn phá nhà cửa của người dân. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản Malala tiếp tục cất lên tiếng nói nữ quyền. Em đã xuất hiện trong chương trình Capital Talk để phản đối các chính sách đương thời của Taliban, nhờ đó, nữ giới lại tiếp tục được đến trường.

Năm 2012, các tay súng Taliban đã xả súng vào đầu và cổ Malala khi em đang trên xe buýt từ trường về nhà. Vụ ám sát khiến Malala rơi vào tình trạng nguy kịch, từ đó đã dấy lên cuộc thỉnh nguyện lên Liên Hợp Quốc (LHQ), sử dụng thông điệp “Tôi là Malala” để đề xuất rằng: Cho đến cuối năm 2015, tất cả trẻ em trên toàn thế giới đều nên được quyền học tập. Cuộc ám sát cũng giúp Malala trở thành một biểu tượng toàn cầu, không chỉ khiến cả đất nước Pakistan phẫn nộ, mà đã tạo nên một làn sóng cầu nguyện tại các nước Hồi giáo khác. Hoa Kỳ, UNICEF, và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đều lên án hành vi của Taliban. Người dân mạng trên toàn thế giới cũng tôn vinh Malala là một nữ anh hùng.

Bền bỉ hoạt động, những câu nói của Malala còn in đậm trong tâm can nhiều người: "Một đứa trẻ. Một người thầy. Một cuốn sách và một chiếc bút có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là lựa chọn duy nhất" hay “Những kẻ khủng bố nghĩ rằng họ sẽ thay đổi mục tiêu và ngăn chặn tham vọng của tôi, nhưng không có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi, ngoại trừ: mềm yếu, sợ hãi, và tuyệt vọng đã chết đi. Sức mạnh, năng lượng, và lòng can đảm được ra đời… Tôi không chống lại ai cả, và tôi cũng không ở đây để nói về việc trả thù cá nhân chống lại Taliban hay bất cứ một tổ chức khủng bố nào. Tôi ở đây để nói lên quyền được giáo dục cho mọi trẻ em. Tôi muốn giáo dục cho các con trai và con gái của người Taliban và tất cả những kẻ khủng bố và cực đoan”.

Bắt đầu chiến đấu với một sắc lệnh cấm đi học, với sự dũng cảm của mình em đã lan tỏa những thông điệp còn lớn hơn, mạnh mẽ hơn về giáo dục. Năm 2014, Malala Yousafzai được nhận giải Nobel Hòa Bình, đồng thời là người được trao giải Nobel trẻ nhất và là công dân Pakistan thứ hai nhận giải Nobel.

Phụ nữ được bầu cử hay là chết

Cũng là phụ nữ kiên cường khác, Emmeline Pankhurst (15/7/1858 - 14/6/1928) là người sáng lập Liên đoàn Xã hội và Chính trị Phụ nữ và bà là người đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ trong suốt cuộc đời mình.

Emmeline Pankhurst tức Emily Dufton sinh ngày 14 tháng bảy năm 1858 tại Manchester. Mặc dầu tuổi thơ của bà được bao bọc trong một gia đình khá yên ấm và bà không phải chịu những áp bức, cay đắng và khổ đau khiến nhiều người của thời bấy giờ nhận thức được sâu sắc về sự bất công trong xã hội, song từ khi còn rất bé bà đã cảm thấy thiếu một cái gì đó ngay trong chính gia đình mình. Đó là sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ.

Phụ nữ thiếu những quyền cơ bản và đặc biệt là quyền bầu cử. Hành trình để phụ nữ tham gia vào việc bầu cử rất “gập ghềnh”. Năm 1866, Quốc hội nước Anh thông qua một dự luật được gọi là dự luật Household Franchise. Dự luật này quy định những chủ hộ mỗi năm phải nộp tô từ 10 bảng trở lên mới được quyền bầu cử Quốc hội. Trong khi dự luật được đem ra thảo luận tại Hạ viện, nghị sĩ John Stuart Mill đề nghị sửa đổi nó thành một dự luật cho phép bao gồm cả những chủ hộ là phụ nữ vào diện được bầu cử, nhưng đề nghị sửa đổi này bị bác bỏ. Năm lần bẩy lượt dự luật sửa đổi bổ sung công nhận quyền bầu cử của phụ nữ được đưa ra thảo luận nhưng lần nào cũng vấp phải những trở ngại. Năm 1908 và 1910 dự luật này được đa số ĐBQH ủng hộ nhưng Thủ Tướng lại cản đường nó bằng cách hứa rằng sẽ tạo điều kiện trở thành luật sau. Năm 1911, Luật bầu cử chung, nhà chức trách lại tuyên bố rằng quyền bầu cử của phụ nữ sẽ có thể được bổ sung vào khung của luật này.

[caption id="attachment_147078" align="aligncenter" width="323"]Emily - người phụ nữ đấu tranh vì quyền bầu cử cho phụ nữ. Emily - người phụ nữ đấu tranh vì quyền bầu cử cho phụ nữ.[/caption]

Mười bốn tuổi Emily đã theo mẹ mình đến một cuộc họp của những phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử. Dù còn quá nhỏ để hiểu rõ bản chất của vấn đề, Emily vẫn cảm thấy bị cuốn hút bởi những bài diễn thuyết của Lydia Becker, thư ký của ủy ban Manchester và là chủ tờ báo Quyền bầu cử của phụ nữ. Emily cho rằng ngay từ ngày đó bà đã là người phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử một cách vô thức.

Năm 1889 Emily thành lập một hội liên hiệp phụ nữ đấu tranh vì quyền bầu cử mang tên Women’s Franchise League. Năm 1903 bà thành lập tổ chức đoàn kết phụ nữ mang tên Women’s Social and Political Union, một tổ chức được biết đến rộng rãi vì các hoạt động có tính chất quân sự của nó. Hiểu rằng không thể dành quyền bầu cử bằng cách kêu suông, Emily và những phụ nữ có cùng chí hướng đã nghĩ ra những hình thức đấu tranh mới. Họ thể hiện quan điểm của mình trên báo chí, đốt đường dây điện thoại và tuyệt thực.

Năm 1919, Quốc hội Anh đã có những tranh luận căng thẳng về vấn đề này. Quốc hội họp trong hội trường thì hàng nghìn phụ nữ đứng ngoài đường phố căng thẳng chờ đợi kết quả. Cuối cùng với nỗ lực của những đại biểu bênh vực công bằng và lẽ phải, sau đó Anh đã chính thức thừa nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Dù luật ban hành quy định chỉ phụ nữ trên 30 tuổi mới có quyền tham gia bầu cử thì phụ nữ Anh vẫn coi đó là một thắng lợi lớn. Bảy tháng sau nước Anh ban hành điều luật cho phép phụ nữ trên 21 tuổi được quyền ứng cử đại biểu quốc hội, nghĩa là phụ nữ chưa đủ tuổi bầu cử vẫn có thể ứng cử vào quốc hội.

Khi đấu tranh cho đạo luật vì quyền bầu cử cho phụ nữ, người đàn bà này còn nổi tiếng với bài diễn văn kêu gọi phụ nữ nhận thức rõ quyền của mình: Bây giờ, tôi muốn nói với những người nghĩ rằng phụ nữ không thể thành công, chúng ta đã đặt Chính phủ của nước Anh vào vị trí này, rằng Chính phủ phải đối diện với sự chọn lựa này; hoặc là phụ nữ bị giết hay là phụ nữ được bầu cử.

Cả đời đấu tranh, khi “trái ngọt bầu cử” phụ nữ được hái thì Emily qua đời. Nước Anh khi ấy đã thông qua một đạo luật mới quy định nam giới và phụ nữ đều được hưởng những quyền lợi như nhau trong bầu cử.

Những phụ nữ như Sharmila, Malala, Emily đã truyền cảm hứng đến nhiều người. Đấu tranh với định kiến, cái xấu, cái ác và quan trọng hơn họ truyền đi thông điệp của đời sống tiến bộ. Những gì họ truyền đi, không chỉ có ý nghĩa ở đất nước họ và thời đại họ sống mà lan tỏa trên toàn thế giới. Và bởi thế, họ xứng đáng được toàn thế giới biết tới và ngưỡng mộ.

Vũ Anh Tâm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-phu-nu-binh-thuong-kien-cuong-dau-tranh-vi-nhung-dieu-phi-thuong-a147075.html