Cơ chế quản lý đầu tư gắn với bảo vệ môi trường: Thực tế và bài học

(Pháp lý) - Đã có không ít cảnh báo cho rằng thời gian qua và trong thời gian tới Việt Nam sẽ trở thành công xưởng máy móc cũ của thế giới. Với những ưu thế lao động rẻ, điều kiện đầu tư dễ dàng, nhiều doanh nghiệp với công nghệ trung bình ở các nước phát triển sẽ tìm đến Việt Nam. Vậy pháp luật cần điều chỉnh cơ chế quản lý đầu tư gắn với bảo vệ môi trường như thế nào để không phải nhận “trái đắng”?

>> Bài 1: Vi phạm về môi trường: “Muôn hình vạn trạng”

Nhiều Bộ cùng quản vẫn gây ra thảm họa…

[caption id="attachment_146813" align="aligncenter" width="410"]Rất khó truy trách nhiệm cá nhân người thẩm định, giám sát dự án đầu tư (ảnh minh họa) Rất khó truy trách nhiệm cá nhân người thẩm định, giám sát dự án đầu tư (ảnh minh họa)[/caption]

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Công ty TNHH Giang Thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư; từ báo cáo đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Công ty Formosa lập năm 2008 với thời hạn 70 năm, ngày 8/5/2008, khi dự án chưa được cấp phép thì UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1125/UBND – CN2 gửi các bộ, ngành liên quan xin ý kiến.

Cụ thể, trong quá trình xem xét để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trên, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm với công nghệ có nhiệm vụ cho ý kiến thẩm định đối với phần công nghệ của dự án. Đến giai đoạn thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì Bộ Khoa học và Công nghệ “hết nhiệm vụ”, nhiệm vụ thẩm định lúc này chuyển sang Bộ Công thương. Cuối cùng, theo Luật Đầu tư ban hành năm 2005, các cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài, trong trường hợp Formosa là UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp. Sau khi xây dựng xong, nhà máy đi vào thử nghiệm hay hoạt động thì giám sát môi trường và phương án khắc phục sự cố môi trường lại thuộc chức năng quản lý chính thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Từ ví dụ trên cho thấy, rất nhiều cơ quan tham gia vào quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư của Formosa, thế nhưng khi có sai phạm cần truy trách nhiệm, hầu hết các cơ quan này rơi vào vòng đùn đẩy, luẩn quẩn trách nhiệm. Bộ nọ đổ cho Bộ kia. Điều đó chứng tỏ quy trình quản lý đã bộc lộ nhiều bất cập. Người viết nhớ đến “siêu dự án trên sông Hồng” - một dự án nhạy cảm về an ninh, chính trị và môi trường. Khi được hỏi ý kiến, nhiều chuyên gia quan ngại về dự án, nhưng các Bộ đều đồng thuận. Mãi đến khi gặp sự phản đối dữ dội của dư luận, dự án mới tạm gác lại. Điều đó cho thấy hiện nay, ý kiến của các Bộ, Ngành vào một dự án là rất quan trọng, nhưng trách nhiệm lại rất hình thức. Khi muốn truy trách nhiệm các Bộ thì không truy được. Và cuối cùng, nếu có hậu họa thì lại điệp khúc “đúng quy trình”, “nhận trách nhiệm”, “rút kinh nghiệm”…

Giao phó cho địa phương, phải xem lại?

Thời hạn cấp phép cho Formosa là một vấn đề được báo chí và dư luận rất quan tâm. Theo luật định: Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá 70 năm (Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005)

Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ký cho Formosa thuê đất 70 năm là trái quy định và vượt thẩm quyền. Theo đó, thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa (tháng 6/2008) đã phân cấp xuống địa phương, tuân theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005. Chính vì quy định này, sau khi đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... thẩm định dự án và báo cáo Chính phủ thì Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.

Mặc dù được “thẩm định, xem xét kĩ lưỡng” nhưng đi vào thực tế doanh nghiệp này đã có 53 hành vi vi phạm về hành chính của Formosa được phát hiện ở các khâu thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công… trong đó nổi lên việc Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ xử lý khô sang công nghệ xử lý cốc ướt - là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải.

[caption id="attachment_146814" align="aligncenter" width="410"]Với các quy định của pháp luật hiện hành, rất khó để truy trách nhiệm cá nhân thẩm định, giám sát dự án đầu tư  (ảnh minh họa) Với các quy định của pháp luật hiện hành, rất khó để truy trách nhiệm cá nhân thẩm định, giám sát dự án đầu tư (ảnh minh họa)[/caption]

 

Hà Tĩnh giải thích rằng họ khó khăn, cần đầu tư nên rước Formosa về. Thậm chí họ sẵn sàng phạm luật để cấp phép 70 năm. Và dường như Hà Tĩnh đã quyết đánh đổi môi trường để lấy dự án. Thực tế thì cũng có nhiều địa phương sẵn sàng chạy theo số lượng mà bỏ qua yếu tố chất lượng của dự án. Khi có sự cố do dự án thì ở tầm địa phương không thể ứng phó. Từ những hệ lụy đó, có nên để địa phương tự quyền quyết định đầu tư những dự án có tầm ảnh hưởng rộng hay không, tới đây cần phải nghiêm túc xem lại.

Không chỉ vậy, vụ Formosa cho thấy lỗ hổng trong giám sát là rất lớn. Các bộ như Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường hay Công thương không có những cơ chế giám sát thực hiện đầu tư, nhập khẩu máy móc mà cứ giao phó cho các địa phương thì rất có thể địa phương sẽ dễ dãi và gây hậu quả lớn,

Chống hậu họa và vô trách nhiệm...

Nhiều bộ cùng có trách nhiệm cho ý kiến thẩm định một dự án dẫn đến bất cập khi có vấn đề xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm. Vậy làm thế nào để chống hình thức trong thẩm định dự án? Tới đây, cần bổ sung quy định pháp luật, theo đó, có cơ chế quy định chế tài rõ để cá nhân, cơ quan của các Bộ, các Ngành, kí duyệt thẩm định dự án phải có trách nhiệm với cái mình đã kí duyệt. Cũng có ý kiến cho rằng, những dự án tầm cỡ và ảnh hưởng đến môi trường như của Formosa phải do cơ quan Chính phủ hoặc Quốc hội cho phép. Bởi nếu để địa phương, họ sẽ dễ dãi hơn vì quyền lợi trước mắt của địa phương mình mà họ có thể “nhắm mắt” kí bừa.

Có ý kiến cho rằng, ta cần nâng cao các yêu cầu về công nghệ, máy móc trước khi cho nhập vào Việt Nam để đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7. Dư luận ủng hộ thông tư này. Chỉ có điều, không ủng hộ một quy định của Thông tư này có “đường mở” cho doanh nghiệp: Trong trường hợp đặc biệt thiết bị đã qua sử dụng có tuổi đời quá 10 năm nhưng cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thì căn cứ vào hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định. Và đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, nếu trong hồ sơ dự án có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định nói trên”. Quy định trên dường như phản lại giá trị thông tư trên, cần xem xét sửa đổi.

Đối diện với vụ Formosa ta cũng thấy nổi lên vấn đề về trách nhiệm của người giám sát dự án đầu tư rất quan trọng. Do đó cần có quy định, tiêu chuẩn, trách nhiệm đặt ra đối với những công bộc được giao nhiệm vụ này. Bởi lẽ, quy định dù có chặt chẽ nhưng các công chức “lỏng lẻo” thì cũng không thể cứu vãn các hậu quả xấu do quản lý mập mờ gây ra.

Minh Minh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-che-quan-ly-dau-tu-gan-voi-bao-ve-moi-truong-thuc-te-va-bai-hoc-a146812.html