Chuyên đề: Cấp thiết sửa đổi, bổ sung pháp luật để bảo vệ môi trường

(Pháp lý) - LTS: Thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đáng báo động. Những sự cố môi trường liên tiếp khiến người dân hoang mang, sống trong sợ hãi, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng. Để xảy ra tình trạng này, một phần không nhỏ là do cơ chế quản lý, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa chặt chẽ, chồng chéo, thiếu đồng bộ.

Sửa đổi, bổ sung đồng bộ hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường cần được đặt lên bàn nghị sự của các cơ quan xây dựng pháp luật.

Bài 1: Vi phạm về môi trường: “Muôn hình vạn trạng”

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cố tình xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Quản lý nhà nước mỏng, yếu, chế tài pháp luật thiếu và cũng yếu, thậm chí có cả hiện tượng làm ngơ cho doanh nghiệp thích làm gì với môi trường... cũng được. Điều đó dẫn đến hệ lụy là có rất nhiều sự cố môi trường đã xảy ra. Đỉnh điểm là vụ Formosa.

Tiết kiệm chi phí, xả thẳng độc hại ra môi trường

Được biết, Nhà máy Sản xuất Sô Đa tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 60 ha, với công suất thiết kế 200.000 tấn/năm với các chủng loại sản xuất chính là sô đa nặng và sô đa nhẹ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho ngành sản xuất thuỷ tinh và kính xây dựng; công nghiệp tẩy rửa, bột giấy, giấy..

Thời gian gần đây, phát hiện xung quanh Nhà máy có hiện tượng cá chết trắng mương, hôi thối bốc mùi nên cư dân sống gần khu vực đã lên tiếng. Tiếp nhận thông tin và kiểm tra, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của nhà máy này. Dù là một nhà máy sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng đơn vị này phớt lờ các biện pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể, theo Biên bản Thanh tra về bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường) nhà máy xả thải ra môi trường khiến nước tại khu vực cạnh tường rào nhà máy có màu đen sẫm, cá tại các kênh mương, ao hồ tự nhiên xung quanh nhà máy bị chết hàng loạt.

[caption id="attachment_146683" align="aligncenter" width="410"]Những sai phạm về môi trường thường do người dân tố cáo, sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc tìm hiểu...(ảnh minh họa) Những sai phạm về môi trường thường do người dân tố cáo, sau đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc tìm hiểu...(ảnh minh họa)[/caption]

 

Nhà máy này xả thải trộm và khi thấy đoàn kiểm tra thì lấp bỏ. Khi tiến hành lấy mẫu tại mương và tại cửa xả thải trộm, kết quả kiểm tra nhanh PH tại cửa xả và tại mương thoát nước có cùng nồng độ là 9,5pH, vượt mức cho phép. Kết luận ban đầu của Đoàn thanh tra, nhà máy Sô Đa này đã không thực hiện đầy đủ các nội dung đánh giá tác động môi trường như việc chôn lấp xỉ vôi, nhà máy nhiệt điện, hồ không lót đáy. Không chỉ vậy, nhà máy đã không thu gom triệt để chất nguy hại như thùng đựng dầu cặn, sơn để ngoài trời, đổ tràn chất thải nguy hại ra môi trường. Đặc biệt, kho lưu trữ chất thải chưa đảm bảo yêu cầu như không có cảnh báo, không có rãnh thu gom chất thải lỏng. Không kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định, không lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại theo quy định. Không có số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Không báo cáo quản lý chất thải nguy hại cho cơ quan nhà nước theo quy định. Lưu giữ chất thải quá 6 tháng không báo cáo cho chính quyền. Ngoài ra, đơn vị chưa có giấy phép xả nước thải ra ngoài môi trường theo quy định.

Nhà máy trên đã hoạt động theo kiểu "5 không" gồm: không thu gom triệt để, không có cảnh báo, không kê khai, không đăng ký chủ nguồn thải chất thải, không báo cáo quản lý.

Đáng buồn là tình trạng như nhà máy Sô Đa Chu Lai khá phổ biến. Tại cụm công nghiệp Hoàng Gia với tổng diện tích hơn 128 ha do Công ty TNHH Hoàng Gia Long An đầu tư ở tỉnh Long An, có hơn 50 doanh nghiệp đã hoạt động trong hơn 10 năm qua nhưng không có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hầu như tất cả nước thải sinh hoạt, sản xuất của gần 50 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp này đang xả thải thẳng ra môi trường. Các cơ quan chức năng đã từng kiểm tra và có xử phạt nhưng sau đó các doanh nghiệp ở đây lại tiếp tục vi phạm. Điều đáng nói, trong việc xử phạt các doanh nghiệp này, tỉnh từng có văn bản đứng ra xin chậm nộp phạt cho doanh nghiệp... Vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp đã coi nhẹ việc bảo vệ môi trường và vì lợi ích kinh tế trước mắt của địa phương, nhiều địa phương đã đứng ra bảo vệ cả doanh nghiệp gây ô nhiễm.

Chọn công nghệ rẻ gây ô nhiễm

Tập đoàn đa quốc gia Formosa Plastics (Đài Loan) có hồ sơ "đen" dày đặc về hoạt động xả chất thải độc hại, phá hoại môi trường ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Campuchia, Đài Loan. Thế nhưng do cần được đầu tư, Chính quyền Hà Tĩnh vẫn rước Formosa và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường cho các tỉnh miền Trung. Theo đó, đầu tháng 4, những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.

Sau khi sự cố diễn ra, trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, với sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, sau quá trình thu thập và nghiên cứu dữ liệu, đã xác định nguồn thải chủ yếu xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) - nơi đặt nhà máy của Formosa Hà Tĩnh, tạo thành một dạng hợp chất có chứa độc tố, chìm xuống đáy biển và di chuyển theo dòng hải lưu vào Nam, làm hải sản ở tầng đáy biển chết. Đến ngày 28/6, trong cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và bồi thường xử lý môi trường biển tổng cộng 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD); khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường...

[caption id="attachment_146684" align="aligncenter" width="410"]Formosa đã cố tình thay đổi công nghệ làm phát sinh thêm chất thải độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường Formosa đã cố tình thay đổi công nghệ làm phát sinh thêm chất thải độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường[/caption]

Tìm hiểu về quá trình mà Formosa gây ô nhiễm nhận thấy: Formosa đã dùng công nghệ tiết kiệm nhưng lại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hơn. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ dập ướt. Lý giải về việc "tráo" công nghệ, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành thép giải thích, trong xử lý cốc để luyện thép, hiện có hai công nghệ phổ biến là luyện cốc khô và xử lý ướt. Công nghệ khô ưu điểm ở chỗ thu hồi nhiệt và ít ô nhiễm môi trường, trong khi công nghệ ướt nhược điểm là nguồn nước thải ra lớn và gây mất nhiệt.

Các cơ quan chức năng cũng phát hiện đã cho thấy có nhiều lỗ hổng trong giám sát đầu tư xây dựng. "Mặc dù đến nay dự án chưa chính thức vận hành, song những vi phạm trong quá trình triển khai dự án cho thấy quá nhiều điều bất cập trong các quy định của nhà nước về giám sát thực hiện. Thay đổi công nghệ không theo thiết kế là sự vi phạm lớn".

Các thiết bị kĩ thuật về môi trường rất quan trọng trong việc xử lý môi trường. Tuy nhiên khi nhập khẩu, có dấu hiệu mập mờ trong vấn đề này. So với thiết kế ban đầu thì thiết bị đã bị đánh tráo, tuy nhiên về mặt quản lý, các cơ quan chức năng không phát hiện được điều này. Mãi đến thời điểm sự cố xảy ra mới đi tìm hiểu. Nó để lại hậu quả cay đắng mà người lĩnh chịu là những người dân.

Công ty môi trường tiếp tay cho phá hoại môi trường?

Vi phạm về môi trường ngày một tinh vi và nguy hiểm, đặc biệt nó có sự tiếp tay, bảo kê của cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Vào đầu tháng 7 vừa qua, cảnh sát môi trường đi cùng nhóm phóng viên đã bắt quả tang máy múc đang chôn lấp bùn bánh (một loại rác thải công nghiệp) tại trang trại bí mật thuộc vùng thượng Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Hàng ngàn m3 rác thải công nghiệp đen kịt đang bốc mùi nồng nặc, được người ta vận chuyển đến, rồi chôn lấp ở ngay đây. Khi xuyên sâu vào rừng tràm là những chiếc xe tải phủ kín bạt, oằn mình từ nhà máy Formosa chở theo những bao tải chất thải mang đổ xuống bãi này. Xe đổ đến đâu hệ thống máy múc tiến hành san lấp đến đó.

Điều đáng nói, trang trại đó lại chính là trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường - Đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Cảnh sát môi trường đã làm rõ, giữa Công ty TNHH Gang thép Hưng Hiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty Môi trường - Đô thị Kỳ Anh đã ký một hợp đồng về việc thu gom và xử lý chất thải. Ông Hòa nhận rác chưa xử lý đó về chôn trong trang trại nhà mình. Việc kí kết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý bùn bánh của tổ xử lý nước thải với khu Công nghiệp Formosa chính là hành vi tiếp tay gây ô nhiễm môi trường.

Không có giấy phép xử lý rác thải nặng mà vẫn tiến hành việc chôn lấp cho thấy hành vi này thể hiện sự bất chấp pháp luật gây nguy hại đến môi trường. Điều này ảnh hưởng đặc biệt lớn đến cuộc sống của người dân xung quanh và tài nguyên nước, đất của quốc gia. Hiểu biết pháp luật về môi trường mà cố tình vi phạm đã chứng tỏ vi phạm về môi trường ngày càng biến báo thành các hành vi phức tạp, tinh vi và khó trị.

Doanh nghiệp hoạt động coi nhẹ việc xử lý chất thải, đánh tráo công nghệ xử lý chất thải vì muốn tiết kiệm chi phí. Nhiều đơn vị nhà nước có chức năng giám sát về môi trường lại có dấu hiệu làm ngơ, bao che cho sai phạm cụ thể là công ty môi trường lại tiếp tay cho phá hoại môi trường… là những lý do khiến môi trường sống của chúng ta ngày càng bị đe dọa.

Phan Tĩnh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-de-cap-thiet-sua-doi-bo-sung-phap-luat-de-bao-ve-moi-truong-a146682.html