Để Luật Phòng, chống tham nhũng không “lạc hậu” với tội phạm tham nhũng… (Bài 3): Chống tham nhũng và những điều cốt tử

(Pháp lý) - Có thể nói, trên các diễn đàn, hội thảo, hội nghị được các cơ quan chức năng tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết. Pháp lý xin lược ghi, giới thiệu tới độc giả những ý kiến tâm huyết đó và cũng có thể coi đó như những điều cốt tử đối với công tác PCTN hiện nay.

>> Vì sao tham nhũng vẫn chưa giảm?

“Chống quan tham cần dựa vào dân”

Ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp lưu ý: Chống tham nhũng là chống quan nên phải dựa vào dân và các cơ quan báo chí, có như vậy mới hiệu quả. Sửa đổi Luật PCTN lần này nên dựa vào điều cốt tử đó.

Dựa trên nền tảng đó, khi sửa luật, chúng ta cần thiết kế những điều luật để người dân có quyền giám sát sự trung thực của cán bộ khi kê khai tài sản. Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng: Về phạm vi công khai tài sản, tôi nghĩ cần tuân thủ nguyên tắc cán bộ đại diện, đảm trách phạm vi tới đâu thì công khai tới đó. Ông cán bộ nào đang ở cấp phường, xã thì phải công khai cho toàn bộ bà con ở phạm vi đó; ông nào nắm cấp quận, huyện thì công khai ở phạm vi quận, huyện. Như vậy, ông nào đang đứng đầu quốc gia thì cũng công khai cho cả nước biết. Nhờ vào tai mắt của nhân dân sẽ giúp Nhà nước phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Dự thảo Luật PCTN sửa đổi không nên hạn chế sức mạnh giám sát này mà phải tạo điều kiện và khuyến khích. Mục tiêu chính của kê khai tài sản là để tìm ra tài sản bất minh. Nếu phát hiện ra tài sản bất minh thì phải có cơ chế để xử lý và phải bị tịch thu. Bởi Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về PCTN, trong Công ước.

Siết trách nhiệm người đứng đầu

PCTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà trong đó trước hết thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chừng nào chưa thẳng tay, chưa nghiêm khắc quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sự bao che và bưng bít thông tin ở các đơn vị có xảy ra tham nhũng, thì chắc rằng tham nhũng sẽ vẫn còn đất sống.

[caption id="attachment_146606" align="aligncenter" width="410"]Công khai minh bạch để người dân tham gia sâu vào công tác chống tham nhũng (ảnh minh họa) Công khai minh bạch để người dân tham gia sâu vào công tác chống tham nhũng (ảnh minh họa)[/caption]

Hiện nay, Luật PCTN mới chỉ dừng lại ở những quy định chung như: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các quy định; gương mẫu, liêm khiết, định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Khoản 2 Điều 5) và Áp dụng quy định của Luật PCTN và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tổ chức phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp về việc PCTN trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý (Điều 72).

Như vậy, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, cần phải cụ thể hóa hơn nữa trong Luật và trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCTN. Thống nhất nhận thức về khái niệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong “chế định trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN”.

Cần thống nhất, về Đảng, người đứng đầu là Bí thư Đảng ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng đoàn (gọi chung là Bí thư cấp ủy). Đảng viên thuộc tổ chức đảng do cấp ủy đó quản lý trực tiếp, bị xử lý về hành vi tham nhũng thì Bí thư cấp ủy đó phải chịu trách nhiệm (trực tiếp hoặc liên đới) và bị xử lý theo quy định của Đảng. Trường hợp đảng viên có hành vi tham nhũng là cấp ủy viên hoặc không phải là cấp ủy viên nếu thuộc diện Đảng ủy cấp trên trực tiếp quản lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ở đây là Bí thư Đảng ủy cấp trên đó.

Về chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được hiểu là người có thẩm quyền quản lý trực tiếp người có hành vi tham nhũng bị xử lý theo cấp quản lý nhà nước đối với từng bộ, ngành, địa phương.. Cần phải phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Cần quy định rõ theo hướng liệt kê trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng. Đây vừa là căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện nhưng đồng thời là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

Chống tham nhũng ở cơ quan pháp luật là vấn đề cốt tử

Thời gian gần đây đã phát hiện nhiều cán bộ trong cơ quan thực thi pháp luật (thanh tra, công an, thẩm phán, kiểm sát viên) dưới hình thức này, hình thức khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, "bảo kê" tội phạm. Điều đó một lần nữa nhắc ta phải có giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng ở các cơ quan này.

Các chuyên gia về chống tham nhũng của một số nước châu Á đã từng gặp gỡ tại Hà Nội nhằm thảo luận làm thế nào để phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật. Chủ đề này tuy đã cũ nhưng cần nhắc lại vì hiện nay vấn đề này diễn biến rất phức tạp.

“Tham nhũng đã trở thành nguy cơ, trở lực nghiêm trọng với sự phát triển, làm cạn kiệt dần sinh khí và tài lực quốc gia, thậm chí làm lệch hướng phát triển, làm băng hoại đạo đức xã hội”, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng từng nhận xét.

Chủ tịch danh dự của Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh trước đây cũng bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng tội phạm tham nhũng ngay trong các cơ quan thực thi pháp luật đang có xu hướng gia tăng. “Người phạm tội làm việc trong cơ quan pháp luật nên họ hiểu rõ luật pháp, biết cách che chắn, cơ quan chức năng rất khó khăn để tìm ra chứng cứ buộc tội và xử lý họ”. Giáo sư luật Simon Tay (Viện Nghiên cứu ngoại vụ Singapore) nhận định: “Một khi chính những người trong cơ quan chống tham nhũng lại đi tham nhũng, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề sẽ không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả dân nghèo”. Ông Peter Rooke (Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc ban thư ký Tổ chức Minh bạch quốc tế) có cùng quan điểm khi cho rằng: “Nếu có tham nhũng trong cơ quan thực thi luật pháp, toàn bộ nỗ lực chống tham nhũng sẽ không đem lại hiệu quả”.

[caption id="attachment_146605" align="aligncenter" width="410"]“Cần công khai tài sản quan chức ở địa phương để người dân giám sát”- Luật sư Trần Quốc Thuận đề nghị “Cần công khai tài sản quan chức ở địa phương để người dân giám sát”- Luật sư Trần Quốc Thuận đề nghị[/caption]

Khi sửa Luật PCTN cũng cần phải sửa Luật Thanh tra. Có ý kiến cho rằng: Cần đặt ra hệ thống chuẩn mực đối với thanh tra, nhân viên cảnh sát hay đưa ra hình thức bảng tự đánh giá với công chức hải quan, cũng như thường xuyên thay đổi vị trí làm việc khoảng 3 năm một lần. Đồng thời những người tham gia công tác pháp luật đều phải thực hiện kê khai tài sản và hằng năm phải khai báo tài sản của bản thân, vợ, con và những họ hàng gần. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cần theo dõi những bất thường khi có phản ánh của nhân dân hay dư luận về tài sản của họ. Thiết lập cơ chế “liên hoàn” để thu hồi tài sản tham nhũng.

Thu hồi tài sản tham nhũng không những khắc phục được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước mà còn có ý nghĩa cảnh báo, ngăn chặn hành vi tham nhũng, triệt tiêu động cơ kinh tế của người phạm tội.

Công tác PCTN khó có thể đạt được như mong đợi nếu tài sản tham nhũng được thu hồi thấp. Số việc thi hành án trong các vụ án tham nhũng có xu hướng tăng lên, nhất là trong 5 năm gần đây tăng khá nhanh, với 143 việc năm 2013 thì đến năm 2015 là 227 vụ. Đặc biệt, trong năm 2014, 2015, đưa ra xét xử những vụ đại án tham nhũng, với giá trị về tiền phải thi hành đặc biệt lớn. Nhưng, tỷ lệ thi hành về tiền của năm 2015 chỉ đạt 2,31%, rất thấp so với tỷ lệ thi hành về tiền của toàn ngành Thi hành án dân sự là 76%.

Nguyên nhân được Bộ Tư pháp đưa ra là do tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án. Nhất là khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác ngoài các tài sản đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên vì tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che dấu, hợp lý hóa tài sản.

Để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả, yêu cầu đặt ra đầu tiên là phải kê khai tài sản hiệu quả, tiếp đến khi thu hồi cần phải phân định rõ ràng và được luật hóa khi nào là thu hồi trực tiếp, thu hồi gián tiếp, thu hồi tài sản, thu hồi giá trị tài sản.

TS. Phạm Đi (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Một yếu tố “nặng ký” khác là phải phát huy yếu tố dư luận xã hội. Thực tế cho thấy thu hồi tài sản là hết sức cần thiết bởi nó tước đoạt khỏi người tham nhũng những tài sản do người đó tham nhũng mà có, đánh vào tâm lý “dã tràng xe cát” của những kẻ đã, đang và sẽ có hành vi tham nhũng, góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng, hoàn trả những của cải, tài sản đã bị chiếm đoạt. Thế nhưng con người “sợ bị tước đoạt” không chỉ là yếu tố vật chất mà còn là lĩnh vực tinh thần; con người không chỉ “sợ pháp luật” mà còn sợ “búa rìu dư luận”. Và phải có biện pháp đánh vào nỗi sợ này của quan tham. Chẳng hạn như bên cạnh việc phải xử lý nghiêm minh thì cần đưa các án tham nhũng lớn ra xét xử công khai nơi địa phương mà quan tham cư trú, để cho dư luận phán xét và “đối xử”. Điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả xã hội tích cực: Người dân được phát huy quyền làm chủ của mình và có thái độ “ứng xử” với hiện tượng tham nhũng theo cách của họ. Một khi tăng quyền làm chủ và sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thì các tài sản do tham nhũng mà có chắc chắn sẽ bị “lòi” ra dưới sự giám sát của nhân dân; đối tượng có khả năng tham nhũng cũng sẽ có những suy nghĩ, thái độ khác hơn về hành vi của mình.

10 định hướng sửa đổi luật PCTN

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng, bao gồm cả các chủ thể ở khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước

2. Quy định rõ hơn về nguyên tắc công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị khu vực Nhà nước (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước);

3. Bổ sung các yêu cầu về nội dung, hình thức, thời gian công khai minh bạch

4. Trách nhiệm thực hiện công khai của người đứng đầu; Quy định trách nhiệm giải trình của người đứng đầu theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức khác khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;

5. Mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích khác; quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về quà tặng;

6. Làm rõ khái niệm và trách nhiệm của người đứng đầu; Bổ sung quy định về thẩm quyền khởi tố và điều tra ban đầu cho thanh tra và kiểm toán;

7. Hoàn thiện quy định về việc bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng;

8. Quy định miễn giảm trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm bị phát hiện, nhưng đã chủ động khai báo, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để làm rõ vụ việc và hạn chế hậu quả (quy định hiện tại chưa đầy đủ).

9. Sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về các hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như không thực hiện công khai, minh bạch, không trả lại quà tặng; hoặc các hành vi có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện bởi người không có chức năng, quyền hạn.

10. Quy định rõ hơn về phương thức tham gia của các tổ chức xã hội; Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định về các nguyên tắc hợp tác, nội dung hợp tác và phương thức thực hiện giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng; quy định về cơ quan đầu mối và trách nhiệm của cơ quan liên quan trong hợp tác quốc tế về PCTN.

Nguồn Thanh tra Chính phủ

 

Tuấn Anh (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-luat-phong-chong-tham-nhung-khong-lac-hau-voi-toi-pham-tham-nhung-bai-3-chong-tham-nhung-va-nhung-dieu-cot-tu-a146604.html